Dịp Tết, cảnh giác trước 1001 kiểu lừa đảo trực tuyến
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tăng mạnh. Người dân cần cảnh giác để tránh thiệt hại.
Đồ họa: Thanh Huyền
Chiêu thức không mới, nhưng thủ đoạn biến tướng
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cảnh báo, thời điểm giáp Tết Nguyên đán, các đối tượng sẽ lợi dụng lòng tin và tâm lý ham rẻ của người dân, đưa ra các chương khuyến mãi, mua hàng giá rẻ... khiến không ít người “sập bẫy”.
Cụ thể, Cục An toàn thông tin điểm ra 5 chiêu trò lừa đảo phổ biến trên Internet gồm: lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ dịp Tết Nguyên đán; lừa đảo làm thêm trên mạng xã hội dịp Tết Nguyên đán; giả danh cán bộ công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền đã mất; lừa đảo vay tiền qua ứng dụng tín dụng đen; lừa đảo nhận quà trúng thưởng dịp cận Tết Nguyên đán.
Bên cạnh đó, giáp Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm tăng cao. Nhiều đối tượng đã mạo danh sàn thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng này thường sử dụng nhiều số điện thoại để gọi điện liên lạc trực tiếp với người mua và chia nhỏ số tiền lừa đảo được sang nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau.
Ngoài ra, đối tượng còn giả danh nhà xe gọi cho người mua thông báo đã nhận được hàng gửi, đồng thời hẹn thời gian và địa điểm để giao hàng. Tiếp đó, nhóm lừa đảo yêu cầu người mua chuyển tiền để đặt cọc hoặc thanh toán toàn bộ số tiền mua hàng qua tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt.
Cùng với đó, các ngân hàng cũng đồng loạt cảnh báo tình trạng gia tăng lừa đảo dịp Tết. ABBank khuyến cáo khách hàng lưu ý 2 hình thức lừa đảo dịp cận Tết Nguyên đán 2024 là chiếm đoạt quyền sử dụng số điện thoại và giả mạo trang thông tin điện tử chính thống. Techcombank vừa phát đi cảnh báo, khách hàng cần cẩn trọng trước những thủ đoạn dẫn dụ cài đặt các ứng dụng (app) có chứa mã độc, sau đó chiếm quyền kiểm soát thiết bị di động, chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng điện tử để chiếm đoạt tài sản.
VPBank khuyến cáo, khi nhận bất cứ cuộc gọi, tin nhắn thông báo may mắn nhận được quà tri ân, trúng thưởng…, khách hàng cần nâng cao tinh thần cảnh giác, hỏi rõ về công ty và gọi điện thoại trực tiếp cho đường dây nóng, tổng đài chăm sóc khách hàng của doanh nghiệp đó để xác minh thông tin… Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Có thể thấy, có vô vàn chiêu trò lừa đảo dịp tết nguyên đán 2024. Các chiêu thức không mới, nhưng thủ đoạn thì lại biến tướng. Cục An toàn thông tin đánh giá, các vụ việc liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng đang diễn ra hết sức phức tạp, có xu hướng gia tăng, với các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi, khó lường và gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm.
Biện pháp phòng, chống
Cùng với việc nhận diện các thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các biện pháp phòng tránh để giúp người dân nâng cao cảnh giác khi đối mặt với các tình huống lừa đảo trên không gian mạng.
Trong đó, giải pháp hữu hiệu là không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết, hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội gửi tới, vì đường link có nguy cơ chứa mã độc hoặc sẽ chiếm quyền điều khiển điện thoại. Trường hợp nghi vấn lừa đảo, cần liên hệ cảnh sát khu vực hoặc liên hệ cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc kỹ thuật Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia (NCS), một số hình thức lừa đảo khác đã “quen thuộc” vẫn tiếp tục diễn ra vào dịp cận Tết, như giả mạo cơ quan điều tra, giả mạo người thân, qua đó dẫn dụ nạn nhân thực hiện theo các hướng dẫn chuyển tiền vào các tài khoản của kẻ xấu.
Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, các chiêu thức lừa đảo, tuy không mới, nhưng vẫn khiến nhiều nạn nhân bị mắc lừa và mất tiền. Nguyên nhân chủ yếu là do kịch bản của các đối tượng lừa đảo khá tinh vi, thông tin được đưa ra dồn dập, khiến nạn nhân bị thao túng tâm lý và bị dẫn dắt.
“Người dân nên thường xuyên cập nhật thông tin từ các nguồn truyền thông chính thống, cũng như cơ quan chức năng trung ương, địa phương. Không nên bấm vào các đường link lạ; xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực khi có yêu cầu chuyển tiền…”, ông Sơn khuyến cáo.
Ông Ngô Tuấn Anh, Giám đốc Công ty cổ phần An ninh mạng thông minh (SCS) nhận xét, giáp Tết Nguyên đán, người dân tăng cường mua bán hàng hóa, dịch vụ hơn. Thời điểm này, mọi người khá bận, nên mức độ cảnh giác sẽ giảm bớt so với bình thường. Lợi dụng tâm lý người dân muốn nhanh chóng hoàn thành các giao dịch, mua bán trước khi nghỉ Tết, các đối tượng xấu cũng sẽ tăng cường các hành vi lừa đảo trực tuyến trong dịp này.
Theo khuyến nghị của ông Ngô Tuấn Anh, người tiêu dùng cần thận trọng hơn với các giao dịch trong khoảng thời gian sát đợt nghỉ Tết Nguyên đán. Ví dụ, khi mua sắm hàng hóa và dịch vụ, cần lựa chọn những nguồn tin cậy, hạn chế việc chuyển tiền trước nhận hàng sau và tốt nhất nên mua ở các cửa hàng uy tín, chọn sử dụng dịch vụ giao hàng - thu tiền (COD).
Song song đó, các gia đình nên hướng dẫn, nhắc nhở con em và các thành viên khác cách tham gia môi trường mạng đảm bảo an toàn, trang bị những giải pháp công nghệ nhằm chủ động phát hiện, ngăn chặn các mối nguy bị tấn công mạng gây mất mát tài sản và dữ liệu riêng tư.
Ông Phạm Công Hải, Phó trưởng phòng A03, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) chia sẻ, đối với các thủ đoạn “việc nhẹ lương cao”, người dân phải tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng, thông tin của các đối tượng đăng tin tuyển dụng, cảnh giác trước các lời mời hấp dẫn, hứa hẹn thu nhập cao mà không đòi hỏi kinh nghiệm hay kỹ năng công việc.
Đặc biệt, người dân không nên cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin cá nhân: email, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, ảnh căn cước công dân cho các sàn thương mại điện tử, đối tượng quen qua mạng xã hội.
“Nếu phát hiện các trường hợp lừa đảo, người dân nên thu thập các thông tin liên quan và cung cấp cho cơ quan công an để có giải pháp điều tra xác minh và xử lý theo quy định”, ông Hải nói.
Tú Ân