NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Năm 2025: Thách thức chống lừa đảo ngân hàng bằng công nghệ

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Các ngân hàng ngày càng hiểu rằng việc mở rộng hoạt động phải đi đôi với an toàn bảo mật. Năm 2025, phần lớn các ngân hàng cho biết sẽ dốc hầu bao đầu tư mạnh vào các giải pháp công nghệ để chống lừa đảo, bảo vệ dữ liệu và người dùng trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ...

Theo Ernst & Young (EY), giai đoạn 2021-2024 chứng kiến sự sụt giảm mạnh trong lưu thông tiền mặt tại Việt Nam, từ mức 12,11% (vào tháng 1/2021) xuống còn 9,98% (vào tháng 4/2024). EY cho biết để giảm khoảng 1% lưu thông tiền mặt, Việt Nam đã từng mất một thập kỷ, từ năm 2011 đến năm 2021, trong khi ba năm qua, lưu thông tiền mặt đã giảm khoảng 3%.

Theo khảo sát của Công ty xử lý các khoản thanh toán cho các tổ chức tài chính Worldpay, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán hàng đầu tại các điểm bán hàng ở Việt Nam vào năm 2023 với ước tính 38% giá trị giao dịch. Con số này đã giảm một nửa so với mức 85% giá trị thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt vào năm 2019. Ước tính giá trị giao dịch tiền mặt tại các điểm bán hàng sẽ giảm xuống còn 24% vào năm 2027.

LƯU THÔNG TIỀN MẶT GIẢM 3% TRONG BA NĂM

Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối năm 2024, trên 80% tổ chức tín dụng đã xây dựng chiến lược, kế hoạch và đang thực hiện triển khai chuyển đổi số. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán đã ứng dụng các công nghệ số tiên tiến để tối ưu hóa, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động và trải nghiệm giao dịch khách hàng. Đồng thời đánh giá, phân loại khách hàng, quyết định giải ngân và tích hợp với nhiều hệ sinh thái đối tác khác nhau trong nhiều lĩnh vực.

Một số dịch vụ cơ bản đã được thực hiện hoàn toàn trên kênh số như mở tài khoản, thanh toán, chuyển tiền, tiền gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng đạt tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.

Các ngân hàng cũng thúc đẩy nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ số trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.

Nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%.

10 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 57,54% về số lượng và 34,54% về giá trị; qua kênh Internet tăng 51,15% về số lượng và 33,94% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 55,54% về số lượng và 34,91% về giá trị, giao dịch qua QR Code tăng 106,91% về số lượng và 109,67% về giá trị; qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 7% về số lượng và 33,77% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 31,60% về số lượng và 16,48% về giá trị.

Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt bình quân ngày đạt kỷ lục trên 26,2 triệu giao dịch với giá trị trên 166.000 nghìn tỷ đồng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho biết chỉ sau một tháng triển khai xác thực sinh trắc học theo Quyết định 2345/QĐ-NHNN, trong tháng 8/2024, số vụ khách hàng bị lừa mất tiền giảm khoảng 50% so với mức trung bình của 7 tháng đầu năm 2024.

Theo lãnh đạo Vụ Thanh toán, tính đến ngày 1/11/2024, có 51 tổ chức tín dụng, 31 trung gian thanh toán đã phối hợp với Bộ Công an để triển khai ứng dụng thẻ căn cước, đối chiếu thông tin sinh trắc học với căn cước công dân gắn chip thông qua ứng dụng điện thoại; 57 tổ chức tín dụng đã phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp phép để triển khai ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip qua thiết bị tại quầy…

Sau 5 tháng triển khai xác thực sinh trắc học từ nguồn Cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư (thông qua căn cước công dân gắn chip, VneID), đã có hơn 63,6 triệu hồ sơ khách hàng được thu nhập, đối chiếu thông tin sinh trắc học.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết ngành ngân hàng cũng tích cực phối hợp với C06 (Bộ Công an) kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, có 9 tổ chức tín dụng đã hoàn thành kết nối luồng liên kết tài khoản an sinh xã hội với tài khoản ngân hàng phục vụ cho chi trả, trong đó đã liên kết được hơn 60,3 nghìn tài khoản an sinh xã hội.

THÁCH THỨC TRONG BẢO VỆ DỮ LIỆU HỆ THỐNG

Theo ghi nhận của VnEconomy, quy định xác thực sinh trắc học nhằm phòng chống lừa đảo được giới công nghệ hưởng ứng và đánh giá cao.

“Quy định này không chỉ giảm tình trạng lừa đảo mà còn hiệu quả trong việc phát hiện tiền bẩn, các phi vụ rửa tiền bất hợp pháp”, ông Ngô Minh Hiếu, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, nhận định.

Ông Nguyễn Tuấn Khang, Giám đốc phần mềm IBM Đông Nam Á, đồng tình với nhận định của chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu. “Lúc ban đầu có thể mọi người cảm thấy đôi chút phiền phức, nhưng giải pháp xác thực sinh trắc học cho thấy hiệu quả trong việc chống lừa đảo”, ông Khang thông tin.

Dẫu vậy, các chuyên gia lưu ý cuộc chiến chống lừa đảo là không có hồi kết. “Bên cạnh mặt được về tính năng thì chuyển đổi số khiến ngân hàng phải đối mặt với nhiều vấn đề mới. Sản phẩm nào mới ra cũng phải trải qua chu trình vòng đời; 1-2 năm đầu sản phẩm chưa trơn tru mà cần rất nhiều phản hồi của khách hàng để hoàn thiện. Trong khi đó, hacker luôn tìm ra những điểm chưa chuẩn trong sản phẩm mới để đưa ra phương thức tấn công mới vào hệ thống ngân hàng”, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Hoạch định an ninh thông tin, Techcombank, chia sẻ.

Ông Nguyễn Tuấn Khang lưu ý thêm rằng trong bối cảnh ngành ngân hàng đẩy mạnh triển khai ngân hàng mở (open banking), chia sẻ dữ liệu giữa tổ chức tài chính và bên thứ 3 thì vấn đề bảo mật càng trở nên bức bách. “Thứ mà hacker nhắm tới là thông tin, dữ liệu. Khi có dữ liệu thì họ mới tìm ra cơ sở, xây dựng kịch bản cho các bước lừa đảo tiếp theo…”, ông Khang cho biết.

Theo các chuyên gia, rủi ro mới mà ngân hàng phải đối mặt không chỉ công nghệ mà cả con người. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo phát triển rất nhiều ứng dụng (app) lừa người dùng cài đặt. Tội phạm công nghệ đã phát triển những con virus chiếm đoạt thiết bị của người dùng. Khi người dùng cài đặt app của bọn chúng thì chúng có thể chiếm đoạt thiết bị, xóa luôn app của ngân hàng thật, sau đó cài lại app cũng là của ngân hàng nhưng đã được điều chỉnh theo ý của chúng, sau đó sử dụng chính khuôn mặt người dùng bằng ảnh tĩnh, công nghệ deepfake để lách sinh trắc học, tiến hành chiếm đoạt tiền.

Ông Đinh Trọng Du, chuyên gia Giải pháp doanh nghiệp, ngành hàng Thiết bị di động, Công ty TNHH Điện tử Samsung Vina, cũng cho rằng rủi ro con người hiện nay là lớn nhất, do đó cả Nhà nước và doanh nghiệp, ngân hàng phải chung tây xây dựng cộng đồng cùng nhau bảo đảm an toàn thông tin.

“Các giao dịch ngân hàng thực hiện trên thiết bị di động là chính nhưng rất nhiều khách hàng sử dụng nhiều loại thiết bị khác nhau, kể cả là các khách hàng tổ chức như doanh nghiệp, ngân hàng. Thậm chí thiết bị sử dụng một hệ điều hành nhưng lại có nhiều phiên bản, ví dụ hệ điều hành Androi đã có phiên bản 15 nhưng nhiều khách hàng vẫn dùng phiên bản 8, 9. Đây là lỗ hổng lớn để tội phạm mạng tấn công”, ông Du phân tích...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 4+5-2025 phát hành ngày 27/1/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1194

Kỳ Phong

Nguồn: https://baomoi.com/nam-2025-thach-thuc-chong-lua-dao-ngan-hang-bang-cong-nghe-c51397683.epi

Nhiều quốc gia trên thế giới đã có quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Chủ đề 'bảo vệ dữ liệu cá nhân' đã được cộng đồng quốc tế quan tâm từ nhiều năm nay và đã được thảo luận tại nhiều diễn đàn quốc tế, trên nhiều góc độ như trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, APEC...

Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân. (Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Sự phát triển nhanh chóng và hiệu quả của công nghệ đã cho phép các quốc gia, tập đoàn kinh tế, công ty lớn... tiến hành các hoạt động giám sát và thu thập dữ liệu cá nhân (DLCN) trên quy mô lớn, tạo ra những lo ngại do khả năng xâm phạm các quyền riêng tư cá nhân được quy định tại Điều 17 của Công ước quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

Theo thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), đến nay đã có khoảng hơn 107 thành viên (trong đó có 66 nền kinh tế đang chuyển đổi hoặc đang phát triển) có các quy định về bảo vệ DLCN. Về cơ bản, các quốc gia đều bám sát các nguyên tắc về quyền riêng tư, tuy nhiên, còn có sự khác nhau tương đối đáng kể trong việc giải thích và áp dụng nguyên tắc này.

Một số tổ chức cũng ban hành những quy định, hướng dẫn, khung bảo vệ DLCN như APEC có khung bảo vệ DLCN (chỉnh sửa 2015) và Hệ thống các quy tắc trao đổi DLCN xuyên biên giới; EU có Quy định bảo vệ DLCN của Liên minh châu Âu chính thức có hiệu lực từ năm 2018; ASEAN đang thảo luận xây dựng nền tảng bảo vệ DLCN của ASEAN.

Hiệp định WTO về Thương mại dịch vụ đặt ra các quy định ràng buộc về bảo vệ DLCN. Điều 16(c)(ii) của Hiệp định quy định cho phép các quốc gia có các biện pháp hạn chế thương mại nếu cần thiết để bảo vệ quyền riêng tư của các nhân liên quan đến xử lý, phát tán DLCN, các biện pháp bảo vệ tính bảo mật của các bản ghi và tài khoản cá nhân với điều kiện các biện pháp không tạo thành phân biệt đối xử tùy tiện và hạn chế thương mại trá hình.

Trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), các quốc gia đã có những quy định cụ thể về nghĩa vụ bảo vệ DLCN tại Điều 14.8. Theo đó, các quốc gia sẽ phải xây dựng và duy trì các khung pháp lý về bảo vệ DLCN của người dùng trong thương mại điện tử trên cơ sở cân nhắc các nguyên tắc và hướng dẫn của các thể chế quốc tế. Đặc biệt, các quốc gia sẽ không có các quy định mang tính phân biệt đối xử trong việc bảo vệ người sử dụng thương mại điện tử trước các vi phạm về bảo vệ DLCN trong thẩm quyền xét xử của mình.

Với Liên minh châu Âu, một trong những bộ quy tắc về chính sách bảo vệ DLCN được quốc tế và nhiều hãng công nghệ lớn quan tâm, chú ý là Bộ quy tắc chung của Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu (GDPR), có hiệu lực từ 25/5/2018. Về nội dung, GDPR đang được áp dụng thống nhất tại các nước EU đối với tất cả các doanh nghiệp xử lý DLCN liên quan đến các chủ thể tại Liên minh châu Âu và không phụ thuộc vào nơi xuất xứ của doanh nghiệp.

Về cơ bản, GDPR yêu cầu bên thu thập dữ liệu có các biện pháp bảo vệ dữ liệu theo hình thức chủ động và tự động ngay từ ban đầu. Các doanh nghiệp thu thập dữ liệu phải chủ động đưa ra các biện pháp tổ chức và kỹ thuật (bao gồm vô danh hóa) nhằm hạn chế tối thiểu việc xử lý DLCN. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tự động bảo vệ DLCN theo hướng chỉ xử lý các thông tin cần thiết cho mục đích cụ thể.

Nghĩa vụ này áp dụng đối với khối lượng dữ liệu các doanh nghiệp thu thập, phạm vi xử lý, thời gian lưu trữ và khả năng tiếp cận. GDPR cũng cho phép chủ thể của dữ liệu được quyền chuyển dữ liệu sang doanh nghiệp xử lý khác.

Một số quốc gia khác như Mỹ, Pháp, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Nhật Bản, Đức, Hungary, Ba Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Canada... cũng đã ban hành văn bản pháp luật về bảo vệ DLCN. Đây đều là những kinh nghiệm, bài học có thể tham khảo để đưa ra quy định bảo vệ DLCN của Việt Nam.

U.San

Nguồn: https://baomoi.com/nhieu-quoc-gia-tren-the-gioi-da-co-quy-dinh-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-c51699033.epi

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump

Viết bởi Huỳnh Bảo Hân on . Posted in Tin tức

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Thụy Sĩ; Một số thành viên nội các Trump vượt cửa ải phê duyệt; Ông Musk chào ông Trump kiểu chào Hitler; Ông Trump chính thức công bố thành lập Ban Hiệu suất chính phủ... là một số tin tức thế giới đáng chú ý sáng 21-1.

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump - Ảnh 1.
 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, Thụy Sĩ

Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos

Theo đặc phái viên TTXVN, tối 20-1 (giờ địa phương), chuyên cơ chở Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Zurich, bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 55) và các hoạt động song phương tại Thụy Sĩ từ ngày 20 đến 23-1-2025 theo lời mời của nhà sáng lập kiêm chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab.

Hội nghị WEF Davos lần thứ 55 mang chủ đề "Hợp tác trong kỷ nguyên thông minh" có sự tham dự của khoảng 3.000 lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế và các tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là dịp để trao đổi về các định hướng, ưu tiên phát triển và những cơ hội mà Việt Nam có thể mang lại cho các đối tác.

Dự kiến trong 2 ngày tại Davos, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có lịch trình hoạt động dày đặc. Trong đó, Thủ tướng sẽ chủ trì và dự nhiều phiên đối thoại, thảo luận về nhiều lĩnh vực, vấn đề khác nhau như phiên thảo luận toàn thể về "ASEAN: Gắn kết để vươn xa"; đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF; đối thoại đặc biệt giữa WEF và Thủ tướng Chính phủ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng sẽ chủ trì các buổi tọa đàm về "Thương mại và Phát triển toàn cầu trong kỷ nguyên thông minh;" "Đầu tư công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh;" "Việt Nam trong kỷ nguyên số, tương lai từ đổi mới sáng tạo và công nghệ;" "Hạ tầng số - Năng lượng xanh: Vươn mình trong kỷ nguyên thông minh"…

Thị trường chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump - Ảnh 2.

Ông Trump cầm một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông ký trong nhiệm kỳ mới - Ảnh: AFP

Theo Hãng tin Reuters, thị trường chứng khoán Mỹ ngập sắc xanh trong ngày nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Kết thúc phiên ngày 20-1, chỉ số S&P 500 tăng 1 điểm phần trăm, trong khi chỉ số Nasdaq cũng tăng tận 1,51 điểm phần trăm.

Mức tăng này đến từ sự đánh giá lạc quan của các nhà đầu tư đối với nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, đặc biệt là niềm tin đối với chương trình nghị sĩ có lợi cho doanh nghiệp mà ông sẽ theo đuổi. 

Tâm lý này càng được củng cố khi ông Trump không hề nhắc đến bất kỳ chính sách thuế quan cụ thể nào trong bài phát biểu nhậm chức của mình. Ngay sau đó, một quan chức trong chính quyền mới của ông Trump cũng xác nhận ông sẽ không thông qua chính sách thuế quan nào trong ngày đầu nhậm chức.

Trước mắt, những hành động ban đầu của ông Trump dự kiến chủ yếu xoay quanh việc củng cố nền công nghiệp năng lượng, đánh giá các mối quan hệ thương mại và nới lỏng quy định quản lý tiền điện tử.

Những điều này đã thắp lên hy vọng ông Trump sẽ có cách tiếp cận toan tính hơn đối với việc thay đổi chính sách tài chính.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã giúp thị trường tài chính tăng trưởng đáng kể. Chỉ trong năm đầu tiên ông Trump làm tổng thống (2017), chỉ số S&P 500 đã tăng tận 19,4 điểm phần trăm.

Ông Trump chính thức công bố thành lập Ban Hiệu suất chính phủ

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump - Ảnh 3.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong lễ nhậm chức của mình tại Phòng Rotunda, Điện Capitol ở Washington D.C. (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Chiều 20-1 (giờ Washington D.C), ông Trump công bố chính thức thành lập nhóm cố vấn cắt giảm ngân sách chính phủ Mỹ mang tên Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE).

Ông Trump tuyên bố thành lập DOGE trong bài phát biểu nhậm chức: "Để phục hồi năng lực và sự hiệu quả của chính phủ liên bang, chính quyền của tôi sẽ thành lập cơ quan hoàn toàn mới tên Ban Hiệu suất chính phủ".

Như đã được thông tin từ nhiều tháng trước, tỉ phú giàu nhất thế giới Elon Musk sẽ lãnh đạo đơn vị này. Tuy nhiên, ông Musk sẽ không có sự đồng hành của tỉ phú kiêm cựu ứng viên tổng thống năm 2024 Vivek Ramaswamy.

Theo kế hoạch ban đầu, ông Ramaswamy sẽ đồng lãnh đạo DOGE cùng ông Musk và cả hai đã hợp tác đưa ra kế hoạch cắt giảm ngân sách trong hai tháng qua. Tuy nhiên, vài ngày qua, tỉ phú gốc Ấn Độ được đồn sẽ rời DOGE để tập trung tranh cử thống đốc bang Ohio.

Người phát ngôn Nhà Trắng Anna Kelly xác nhận tin đồn trên: "Ông Vivek Ramaswamy đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng tôi thành lập DOGE. Chúng tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến những đóng góp của ông ấy trong hai tháng qua và kỳ vọng ông sẽ đóng vai trò then chốt trong việc khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Dù có chữ "Department" (bộ) trong tên, DOGE không phải một cơ quan trực thuộc chính phủ liên bang và thực chất gần như không có thẩm quyền liên quan đến việc sắp xếp bộ máy nhà nước Mỹ. 

Tuy nhiên, ông Musk vẫn công bố bản kế hoạch cải tổ sâu rộng Washington, trong đó tinh giản đến 3/4 vị trí việc làm trong khu vực công.

Do đó, ngay sau khi DOGE được tuyên bố thành lập, một loạt công đoàn nhân viên chính phủ, tổ chức giám sát... đã nộp đơn kiện việc thành lập đơn vị này. 

Một trong những đơn kiện khẳng định DOGE vi phạm một luật có hiệu lực từ năm 1972 nhằm quản lý các ủy ban cố vấn liên bang. Một tổ chức khác thì kiện DOGE với lý do vị thế pháp lý của đơn vị này không rõ ràng.

Ông Musk chào ông Trump như kiểu chào Hitler?

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump - Ảnh 4.

Động tác chào ông Trump của ông Musk bị cho là giống chào nhà độc tài Adolf Hitler - Ảnh: REUTERS

Theo báo Politico, trong lúc cao hứng giao lưu với người ủng hộ ông Trump tại buổi diễu hành mừng lễ nhậm chức ở nhà thi đấu Capital One Arena, ông Musk đã thực hiện động tác chào tổng thống Mỹ bằng cách duỗi thẳng một tay với góc chéo lên trời.

Động tác này của ông Musk lập tức bị cộng đồng mạng đặt nghi vấn giống động tác chào độc tài Adolf Hitler của Đức Quốc xã. 

 
 

Những biểu cảm gây chú ý của tỉ phú Elon Musk tại lễ tuyên thệ nhậm chức của ông Trump

Nhà tư vấn chiến lược thuộc Đảng Dân chủ Sawyer Hackett nhanh chóng đăng hình ảnh này lên mạng xã hội với dòng châm chọc: "Tân đồng tổng thống của chúng ta, ông Elon Musk, đã chào kiểu Đức Quốc xã ngay trong ngày đầu tiên nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump".

Hiện chưa rõ ông Musk có thật sự chào kiểu chào Hitler với ông Trump hay hành động trên chỉ là vô tình hoặc một phút cao hứng. Tỉ phú giàu nhất thế giới và tân tổng thống Mỹ đều chưa đưa ra phản hồi.

Cùng lúc, báo New York Times khẳng định ông Musk đã được cấp một phù hiệu ra vào khu phức hợp Nhà Trắng thoải mái. Ngoài ra, đồng minh quan trọng bậc nhất của ông Trump nhiều khả năng sẽ được cấp một phòng làm việc ngay trong Cánh Tây Nhà Trắng - nơi làm việc chính thức của tổng thống, phó tổng thống và các cố vấn thân tín nhất.

Một số thành viên nội các Trump vượt cửa ải phê duyệt đầu tiên

Tin tức thế giới 21-1: Thủ tướng dự Hội nghị WEF Davos; Chứng khoán ngập sắc xanh chào ông Trump - Ảnh 5.

Ứng viên Ngoại trưởng Marco Rubio nhiều khả năng sẽ là thành viên đầu tiên trong nội các của ông Trump được Thượng viện phê duyệt - Ảnh: REUTERS

Báo New York Times khẳng định một số thành viên cao cấp nhất trong nội các được ông Trump đề cử đã được các ủy ban Thượng viện thông qua.

Thượng viện Mỹ là cơ quan phê duyệt các đề cử thành viên nội các của tổng thống. Trước khi được toàn thể Thượng viện biểu quyết, ứng viên phải được điều trần trước một ủy ban của cơ quan này và được ủy ban đó thông qua.

Chiều 20-1, ứng viên Ngoại trưởng Marco Rubio đã được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua với tỉ lệ ủng hộ 100%. 

Tỉ lệ này trái ngược với ứng viên bộ trưởng quốc phòng Pete Hegseth, người vừa được Ủy ban Quân vụ Thượng viện thông qua với tỉ lệ sít sao: 14 phiếu thuận và 13 phiếu chống.

Ông Hegseth là một trong những đề cử nội các gây tranh cãi nhất của ông Trump khi bị cho là thiếu cả chuyên môn lẫn tư cách đạo đức. 

Ứng viên giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) John Ratcliffe, một ứng viên gây tranh cãi khác, cũng vừa được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua với số phiếu an toàn 14 phiếu thuận và chỉ 3 phiếu chống.

Đỉnh cao sự nghiệp

Tin tức thế giới 21-1: - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên thệ nhậm chức trước Chánh án John Roberts, trong khi bà Melania Trump cầm cuốn Kinh Thánh tại buổi lễ tuyên thệ của ông Trump tại Điện Capitol ở Washington D.C. (Mỹ) ngày 20-1 - Ảnh: REUTERS

Nguồn:https://tuoitre.vn/tin-tuc-the-gioi-21-1-thu-tuong-du-hoi-nghi-wef-davos-chung-khoan-ngap-sac-xanh-chao-ong-trump-20250121062736768.htm

Không khí chào đón năm mới Ất Tỵ trên thế giới

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Đường phố nhiều nơi trên thế giới được trang hoàng rực rỡ để chào đón năm mới Ất Tỵ.

Nhiều quốc gia Đông Á và cộng đồng gốc Á ở khắp nơi trên thế giới chuẩn bị chào đón năm mới Ất Tỵ theo âm lịch. Tết Nguyên Đán tại các nước như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác sẽ bắt đầu ngày 29/1, khởi đầu những ngày lễ hội với nhiều phong tục tập quán và tiệc tùng.

Trong ảnh, đội múa lân biểu diễn ở thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 28/1.

Thái Lan có khoảng 10 triệu người Thái gốc Hoa, chiếm 11-14% dân số. Chính phủ Thái Lan gần đây khuyến nghị người gốc Hoa ở nước này hạn chế đốt vàng mã, thắp nhang, nhằm giảm bụi mịn nguy hiểm và hạn chế nguy cơ hỏa hoạn ở những thành phố lớn trong dịp Tết Ất Tỵ 2025.

Người dân Trung Quốc chụp ảnh tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông

Giới chức Trung Quốc năm nay ước tính khoảng 9 tỷ chuyến đi diễn ra trong Xuân Vận, cao điểm di chuyển trước Tết Nguyên đán khi người dân về quê hay đi du lịch. Năm ngoái, nước này ghi nhận hơn 8,4 tỷ chuyến.

Các gia đình ăn bữa tối đoàn viên tại nhà hàng ở thành phố Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc.

Người dân thăm đền Yokohama Mazu Miao trước thềm năm mới tại Chinatown ở thành phố Yokohama, Nhật Bản ngày 28/1.

Nhật Bản từng đón Tết Nguyên đán giống nhiều quốc gia châu Á cho đến năm 1873, thời điểm nước này áp dụng lịch Gregory (dương lịch) với mong muốn hòa nhập với phương Tây.

Ngày nay, một số nơi ở Nhật Bản vẫn tổ chức đón Tết Nguyên đán như các khu Chinatown hoặc trên đảo Ryukyu. Dù bỏ Tết Nguyên đán, người dân Nhật Bản cũng giữ lại nhiều phong tục đón năm mới giống các nước châu Á.

Người Campuchia gốc Hoa múa rồng trước Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh ngày 28/1.

Tượng rắn được bày bán ở khu Chinatown ở thủ đô Manila của Philippines.

Người dân chụp ảnh trước một điểm trang trí mừng năm mới Ất Tỵ tại Surabaya, Indonesia ngày 27/1.

Dù là quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới, Indonesia vẫn coi Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Cộng đồng người gốc Hoa chiếm khoảng 1,2% dân số Indonesia, cũng là cộng đồng người gốc Hoa ở nước ngoài lớn thứ tư thế giới.

Khách hàng mua hoa tại thành phố Đài Bắc, đảo Đài Loan ngày 27/1.

Du khách xem múa lân dưới nước tại thủy cung Aquaria KLCC ở thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia.

Như Tâm (Ảnh: AFP, AP, Reuters)

Nguồn: https://vnexpress.net/khong-khi-chao-don-nam-moi-at-ty-tren-the-gioi-4844058.html

Hàng trăm công ty cấm DeepSeek

Viết bởi Phạm Hồng Trà on . Posted in Tin tức

Nhiều công ty và cơ quan chính phủ trên toàn cầu đang nỗ lực hạn chế quyền truy cập vào các công cụ AI do DeepSeek phát hành, vì lo ngại về chính sách bảo mật lỏng lẻo.

  DeepSeek đối mặt với lệnh cấm từ hàng trăm công ty chỉ trong vài ngày. Ảnh: Adobe Stock.

DeepSeek đối mặt với lệnh cấm từ hàng trăm công ty chỉ trong vài ngày. Ảnh: Adobe Stock.

Theo các công ty an ninh mạng được thuê để bảo vệ hệ thống, làn sóng cấm đoán này chủ yếu xuất phát từ mối lo ngại về nguy cơ rò rỉ dữ liệu sang chính phủ Trung Quốc và những chính sách bảo mật lỏng lẻo của DeepSeek, Bloomberg đưa tin.

DeepSeek thu thập nhiều loại dữ liệu

Giám đốc công nghệ Nadir Izrael của công ty an ninh mạng Armis cho biết có “hàng trăm” công ty, đặc biệt là các tổ chức có liên quan đến chính phủ, đang nỗ lực chặn quyền truy cập vào DeepSeek.

Khách hàng của Netskope - một công ty chuyên cung cấp giải pháp bảo mật mạng như kiểm soát quyền truy cập của nhân viên vào các trang web - cũng có động thái tương tự. Armis cho biết khoảng 70% khách hàng của họ đã yêu cầu chặn DeepSeek, trong khi 52% khách hàng của Netskope đã chặn hoàn toàn.

Mối lo ngại lớn nhất đến từ khả năng rò rỉ dữ liệu của mô hình AI này tới Trung Quốc. “Bạn không thể biết được thông tin của mình sẽ đi đến đâu”, Giám đốc công nghệ Nadir Izrael cảnh báo.

Theo Bloomberg, căng thẳng xoay quanh DeepSeek bùng phát vào cuối tuần qua. Chatbot AI của công ty này đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên Apple Store nhờ được nhiều nhân vật nổi tiếng trong giới công nghệ ca ngợi như nhà đầu tư Marc Andreessen.

Tuy nhiên, trong chính sách bảo mật, DeepSeek thừa nhận họ thu thập và lưu trữ dữ liệu người dùng trên các máy chủ đặt tại Trung Quốc, đồng thời tuyên bố rằng bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến quyền riêng tư sẽ được giải quyết theo luật pháp Trung Quốc.

Công ty cũng nêu rõ rằng họ thu thập các thao tác bàn phím, văn bản và âm thanh nhập vào, tệp tải lên, phản hồi của người dùng, lịch sử trò chuyện và các nội dung khác để huấn luyện mô hình AI. DeepSeek tuyên bố họ có thể chia sẻ những thông tin này với cơ quan thực thi pháp luật hoặc các tổ chức công quyền tùy theo quyết định của mình.

DeepSeek không đưa ra bình luận nào về những cáo buộc này.

DeepSeek vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng trên Apple Store, một phần nhờ vào lời khen từ những nhân vật có ảnh hưởng trong giới công nghệ như Marc Andreessen. Ảnh: VOCO News.

Một nhóm các nhà nghiên cứu an ninh mạng khi tiến hành kiểm tra DeepSeek đã phát hiện một cơ sở dữ liệu công khai thuộc về công ty này chứa thông tin nội bộ. Trong đó bao gồm lịch sử trò chuyện của người dùng, dữ liệu backend và nhật ký kỹ thuật.

Công ty an ninh mạng Wiz - start-up từng được Alphabet định giá 23 tỷ USD để mua lại vào năm ngoái - cho biết DeepSeek đã bảo mật lại dữ liệu sau khi được cảnh báo về lỗ hổng này.

Nhưng sự phát triển nhanh chóng của DeepSeek cùng với sự gia tăng của các dịch vụ AI tổng quát cũng đang thúc đẩy nhu cầu cho các giải pháp an ninh mạng. Theo nghiên cứu của Bloomberg, các công ty bảo mật như CrowdStrike, Palo Alto Networks và SentinelOne có thể hưởng lợi từ xu hướng này.

Chính phủ các nước bắt đầu giám sát DeepSeek

Hiện, chính phủ nhiều nước đang siết chặt kiểm soát đối với DeepSeek. Cơ quan bảo vệ dữ liệu của Italy đã ra lệnh chặn nền tảng này “một cách khẩn cấp và có hiệu lực ngay lập tức” nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân nước này.

Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland - cơ quan chịu trách nhiệm thực thi quy định bảo mật của Liên minh Châu Âu đối với các công ty công nghệ toàn cầu - cũng đã yêu cầu DeepSeek cung cấp thông tin để xác định liệu công ty có đang bảo vệ dữ liệu người dùng một cách hợp lý hay không.

Văn phòng Ủy viên Thông tin của Anh tuyên bố rằng các nhà phát triển AI tổng quát phải minh bạch về cách họ sử dụng dữ liệu cá nhân và khẳng định sẽ có biện pháp xử lý nếu DeepSeek không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo mật.

Các quan chức Mỹ và các tổ chức nghiên cứu đã nhiều lần cảnh báo rằng luật an ninh quốc gia của Trung Quốc cho phép chính phủ nước này truy cập vào các khóa mã hóa do các công ty kiểm soát, đồng thời có thể buộc họ phải hợp tác trong các hoạt động thu thập thông tin tình báo.

Những quy định này từng là cơ sở để quyết định cấm TikTok tại Mỹ. Các quan chức an ninh nước này lo ngại rằng chính phủ Trung Quốc có thể tiếp cận thông tin cá nhân của công dân Mỹ. TikTok đã phủ nhận cáo buộc này.

Trong bối cảnh lo ngại về DeepSeek gia tăng, một số công ty công nghệ đã chủ động tránh sử dụng các dịch vụ của công ty này. CEO Mehdi Osman của start-up phần mềm OpenReplay tại Mỹ cho biết ông quyết định không sử dụng API của DeepSeek vì lo ngại về vấn đề bảo mật. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng mức giá cực thấp của DeepSeek có thể khiến nhiều nhà phát triển từ bỏ OpenAI trong những tháng tới.

Tại châu Âu, chính phủ các nước cũng bắt đầu giám sát chặt chẽ DeepSeek. Ảnh: The Irish Times.

Ngoài vấn đề bảo mật, DeepSeek còn vấp phải chỉ trích từ các chuyên gia an ninh mạng vì hệ thống kiểm soát nội dung kém chặt chẽ. Các nhà nghiên cứu tội phạm mạng cảnh báo rằng nền tảng AI của DeepSeek có ít cơ chế kiểm soát, ngăn chặn việc hacker lợi dụng AI vào mục đích xấu, như tạo email lừa đảo, phân tích tập dữ liệu bị đánh cắp hoặc nghiên cứu lỗ hổng bảo mật.

“Chỉ với một chút điều chỉnh, những kẻ tấn công có thể tận dụng DeepSeek để tăng quy mô và tốc độ của các vụ lừa đảo và tấn công mạng”, Giám đốc an ninh và tình báo Levi Gundert của công ty an ninh mạng Recorded Future cho biết.

Thúy Liên

Nguồn: https://baomoi.com/hang-tram-cong-ty-cam-deepseek-c51378770.epi