Đến lúc phải sử dụng hợp lý nguồn nước
Thời tiết ngày càng trở nên bất thường, nguồn nước "trời cho" ngày càng ít đi, chuyên gia cho rằng đã đến lúc Đồng bằng sông Cửu Long phải sử dụng nguồn nước hiệu quả và về lâu dài phải có giải pháp, kết hợp nhiều phương thức trữ nước.
PGS.TS Nguyễn Đình Giang Nam - Ảnh: CHÍ QUỐC
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Đình Giang Nam - trưởng bộ môn tài nguyên nước (khoa môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Trường đại học Cần Thơ) - cho rằng đã đến lúc phải thay đổi thói quen sử dụng nước một cách tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời tính tới các giải pháp lâu dài về vấn đề nguồn nước cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Nên ưu tiên phục hồi các vùng trữ nước ở Đồng bằng sông Cửu Long
* Nhiều ý kiến cho rằng ở Đồng bằng sông Cửu Long, người dân sống trên "túi" nước nhưng lại thiếu nước là một nghịch lý. Ông lý giải gì về điều này?
- Cách nay 10-20 năm trước, lượng nước về Đồng bằng sông Cửu Long khá nhiều, đến mức phải tìm cách thoát nước càng nhanh càng tốt. Từ đó hình thành thói quen sử dụng nước không tiết kiệm của nông dân.
Những năm gần đây vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp vấn đề về hạn, mặn, nước về Đồng bằng sông Cửu Long ngày càng ít. Hầu như vùng này không còn ngập lũ nữa, mà mùa khô là đối mặt vấn đề thiếu nước và hạn mặn.
* Hiện nay một số địa phương đã làm hồ chứa nước, tuy nhiên hiệu quả lại chưa cao. Theo ông, cần có thêm những giải pháp nào nữa để người dân có đủ nước sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất?
- Theo tôi, Đồng bằng sông Cửu Long nên ưu tiên phục hồi các vùng trữ nước tại các khu đất ngập nước sẵn có mang tính thuận thiên hơn. Ngoài ra còn có thể phát triển một kiểu du lịch tại vùng này kết hợp với các mô hình sinh kế xung quanh vùng sẽ mang tính rất đặc trưng cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Ở các đô thị, hệ thống hồ, sông, kênh đô thị thời gian qua bị lấn chiếm khá nhiều, thậm chí có một số bị khai tử, do đó chúng ta nên chú ý phục hồi hệ thống này cho đô thị, cấm san lấp ao hồ.
Việc xây dựng công trình hồ chứa cũng là một giải pháp, tuy nhiên quy mô sẽ khá lớn để có thể đáp ứng cho mục đích tưới tiêu, sản xuất.
Ngoài ra, cần cân nhắc kỹ và dựa trên bài toán nhu cầu nước của từng vùng trong quyết định 174 năm 2023 của Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Việc trữ nước sinh hoạt sẽ có nhiều cách, chúng ta nên cân nhắc thêm phương án trữ nước khác kết hợp.
* Thiếu nước sinh hoạt một phần cũng là do người dân Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay ít dùng các thiết bị chứa nước để dự phòng cho mùa khô hơn so với trước?
- Đúng là có thực tế này. Đối với nước sinh hoạt, tôi được biết Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ) đã có nghiên cứu, thiết kế bể trữ bao nhiêu khối nước mùa mưa, tính toán khá chi tiết về cách thu nước mưa của từng hộ dân tính theo từng diện tích mái nhà để có nước sử dụng cho mùa khô.
Tôi nghĩ đã đến lúc phải khuyến nghị, khuyến khích người dân trữ nước thích ứng với rủi ro hạn mặn kéo dài. Việc khó khăn gặp phải cho bà con sẽ là vốn để đầu tư dạng bể chứa lớn hơn.
Do đó, chính quyền địa phương, các dự án quốc tế muốn giảm thiểu tình trạng thiếu nước, vì lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia, nên hỗ trợ người dân đầu tư, nhất là khu vực đang thiếu nước sinh hoạt mùa khô. Chúng ta có thể làm theo phương án hỗ trợ thực hiện giải pháp này theo mức hộ dân hoặc phương án khu vực với bể trữ nước bán tập trung cho quy mô 10-20 hộ.
Canh tác lúa, tưới tiêu cần công nghệ tiết kiệm nước
* Ông có góp ý gì cho việc sử dụng nước trong canh tác lúa, nhất là khi chúng ta đang triển khai chương trình 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp?
Người dân vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang chuẩn bị dụng cụ trữ nước truyền thống, nhưng cũng không có nước để trữ - Ảnh: HOÀNG TRÍ DŨNG
- Kỹ thuật sử dụng nước, tưới tiêu hợp lý được ứng dụng trong chương trình này là kỹ thuật tưới khô ẩm xen kẽ được nghiên cứu và đề xuất từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI). Đây là một công nghệ tiết kiệm nước giúp giảm tiêu thụ nước tưới trên ruộng lúa mà không làm giảm năng suất.
Theo các nghiên cứu được công bố, kỹ thuật này ở một vài giai đoạn sinh trưởng cây lúa cho phép mực nước thấp hơn mặt ruộng đến 15cm và có thể giảm lượng nước sử dụng lên tới 28% và khí thải metan lên tới 48%.
Nếu phần lớn nông dân nắm bắt và sử dụng kỹ thuật này thành thạo sẽ chia sẻ được gánh nặng nước tưới vào mùa khô đối với các loại cây trồng vật nuôi khác, cũng như giúp canh tác lúa bền vững hơn.
Kỹ thuật tưới này không quá phức tạp. Nông dân dễ dàng tiếp cận được, nhất là vùng được chọn thực hiện chương trình 1 triệu héc ta là nơi làm lúa lâu năm, có nhiều nông dân giỏi.
* Vừa qua, có cảnh báo nước ngầm cũng bị nhiễm mặn. Ông có thể chia sẻ thông tin cụ thể hơn về vấn đề này?
Lúa chết vì bị mặn xâm nhập trong mùa khô năm 2024 - Ảnh: CHÍ QUỐC
- Đúng là có việc nước ngầm một vài nơi ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị nhiễm mặn. Nhóm nghiên cứu về nước ngầm của Trường đại học Cần Thơ đã và đang kết hợp với Liên đoàn Tài nguyên nước Miền Nam nghiên cứu tìm hiểu xâm nhập mặn nước ngầm xu hướng sắp tới như thế nào.
Qua khảo sát nghiên cứu ở Bến Tre, Vĩnh Châu (Sóc Trăng), nhóm nghiên cứu chúng tôi nhận biết sự xâm nhập mặn ngoài yếu tố mực nước ngầm bị suy giảm, còn một yếu tố khai thác là nguồn nước mặn để phục vụ nuôi tôm của người dân, vô hình trung đã dẫn nước mặn càng sâu vào bên trong.
Về địa chất, căn bản Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng sáu túi nước (kể cả tầng sâu lẫn tầng nông). Những túi càng sâu nước càng sạch, càng tốt, tuy nhiên lượng nước ngọt tốt tại các túi nước sâu thì hầu hết ở vùng thượng lưu (từ Cần Thơ trở lên trên), còn vùng hạ lưu (từ Cần Thơ trở xuống) thì nhiều túi nước sâu thông với biển.
Do đó, người dân vùng ven biển đã và đang khai thác được nước mặn là từ tầng sâu này để nuôi tôm. Đây cũng là một tác động khó phục hồi nếu để xảy ra lâu dài. Do đó địa phương cũng cần chú ý để phối hợp với các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu tác động và có biên pháp cho vấn đề này.
Nguồn: https://tuoitre.vn/den-luc-phai-su-dung-hop-ly-nguon-nuoc-20240425205355513.htm