NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Cảnh giác với lừa đảo ở trường học

on .

"Tối 27-3, sau khi đọc thông tin về vụ lừa học sinh ở cổng Trường THPT Phú Nhuận (TP.HCM), tôi đem tình huống này hỏi hai con trai. Câu trả lời khiến tôi rụng rời...".

 
Cảnh giác với lừa đảo ở trường học - Ảnh 1.
 

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, phụ huynh có hai con học lớp 6, lớp 9 ở TP Thủ Đức, cho biết.

Trước thực trạng lừa đảo ngày càng phổ biến, chúng tôi lo nhất là trường hợp phụ huynh đón con quá trễ. Học sinh ra về tiết trễ nhất là 17h15 nhưng có em đến 19h mới được đón.

Thầy Trần Ngọc Lâm (hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, TP.HCM)

Phụ huynh lo lắng

Chị Thoa kể: "Tôi hỏi con tan học mà không thấy ba mẹ đến đón, có người đàn ông chạy đến nói ba con bị tai nạn, lên xe chú chở đến bệnh viện, chú là bạn của ba con thì con tính sao.

Không ngờ cả hai con trả lời: Thì phải lên xe cho chú chở đến bệnh viện xem ba tai nạn thế nào. Ông xã tôi nghe vậy, hỏi lại: Đến bệnh viện con sẽ làm gì? Nếu chỉ muốn xem ba bị sao chỉ cần gọi điện cho mẹ là được. Chưa kể chú tự xưng là bạn của ba nhưng thực tế là kẻ lừa đảo thì sao?". Chị Thoa kể nghe ông xã chị nói vậy, hai con mới ngớ người ra.

Không chỉ chị Thoa, nhiều phụ huynh tâm sự họ rất lo lắng sau sự việc kể trên. "Đưa chuyện lừa đảo ở Trường THPT Phú Nhuận cho tụi nhỏ xử lý mới thấy các con thiếu kỹ năng ứng phó với các tình huống bất ngờ trong cuộc sống", chị Phương Mai, phụ huynh ở quận 10, nhận định.

Trường ra khuyến cáo

Cô Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận 1, cho biết ngoài việc gửi thông tin về vụ việc lừa đảo cho các phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm sẽ sinh hoạt, hướng dẫn học sinh những lưu ý khi tiếp xúc với người lạ. Khi chờ cha mẹ đón phải ở trong sân trường hay xung quanh cổng trường.

  • Sở Giáo dục yêu cầu các trường cảnh giác với trò lừa đảo 'ba con bị tai nạn'Vô tư khoe thông tin, hình ảnh trên mạng: Mồi ngon cho lừa đảo 

"Trường khuyên phụ huynh nhắc nhở thêm con em để tăng cường đề phòng, tránh tiếp xúc với người lạ. Khi học sinh tham gia học nhóm, phụ đạo tại trường phụ huynh cần xác nhận với giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi cũng khuyến cáo phụ huynh đưa con đến trường phải đảm bảo con đã vào hẳn khu vực trường và cố gắng sắp xếp đón con đúng giờ quy định. Trong thông báo, trường cũng nhắc lại đường dây nóng của trường và cả số điện thoại của Công an phường Bến Thành, Công an quận 1 (nơi trường trú đóng) để phụ huynh tiện liên lạc khi cần thiết", cô Trang nói thêm.

Tương tự, ở Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, thầy Nguyễn Xuân Đắc, hiệu trưởng, chia sẻ ban giám hiệu đã sinh hoạt với học sinh toàn trường việc cảnh giác với người lạ. 

"Tôi nói với học sinh là khi không biết người đó là ai thì không tiếp xúc, không làm theo yêu cầu của họ. Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo ngày càng tinh vi. Có thể hôm nay họ xưng là bạn của ba mẹ nhưng hôm sau có thể xưng là giáo viên. Tôi dặn học sinh nếu có người xưng là giáo viên của trường nhưng em không biết người đó thì có quyền từ chối làm theo yêu cầu của họ", thầy Đắc nhấn mạnh.

Thầy Trần Ngọc Lâm, hiệu trưởng Trường THCS Văn Lang, quận 1, cho hay: "Chúng tôi hướng dẫn học sinh các bước cần thực hiện khi tiếp nhận thông tin về người thân của mình. Trong đó, các em không được tự xử lý mà phải quay vào trường nhờ thầy cô hoặc bác bảo vệ hỗ trợ, phải kiểm tra thông tin từ những người trong gia đình mình. Đặc biệt là từ chối nói chuyện với người lạ".

Thường rơi vào trường hợp đón trễ

Đáng lưu ý, hiệu trưởng nhiều trường cho hay những học sinh gặp kẻ lừa đảo ngoài cổng trường thường rơi vào trường hợp phụ huynh đón con quá trễ.

"Khi các bạn đã về hết, chỉ còn vài học sinh ở lại trường, tâm lý các em sẽ sốt ruột, không chịu ngồi trong sân trường mà ra ngoài cổng đứng ngóng. Lúc ấy, trường chỉ còn lại các chú bảo vệ mà họ thì không thể quán xuyến những việc ngoài trường. Do đó, thời điểm này học sinh rất dễ gặp nguy hiểm. Có lần, 18h30 tôi mới xong việc và ra về. Thấy ngoài cổng có một phụ nữ đang chia kẹo cho hai học sinh mặc đồng phục trường mình. Tôi hỏi thăm mới biết học sinh chẳng quen người phụ nữ kia. Tôi phải đưa hai em vào ngồi chỗ chú bảo vệ, đồng thời dặn dò các em không nên nhận đồ từ người lạ", cô Ch., hiệu trưởng một trường THCS ở vùng ven TP.HCM, kể.

Thầy Nguyễn Xuân Đắc cũng bày tỏ: "Giờ ra về học sinh ùa ra rất đông. Cổng trường lại nhỏ nên phụ huynh thường hẹn con ở một điểm gần cổng trường. Tuy nhiên, sau vụ việc lừa đảo học sinh ba con bị tai nạn, chúng tôi nhắc nhở học sinh là khi ba mẹ đến đón trễ thì em hãy quay trở về trường để chờ đợi".

Ông Trịnh Duy Trọng Trưởng Phòng chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.HCM):

Giúp học sinh nhận biết, phòng tránh

Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các trường rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông. Cần thông tin cho phụ huynh biết các số điện thoại cần liên lạc với trường, đảm bảo các kênh thông tin giữa trường và phụ huynh luôn được thông suốt.

Bên cạnh đó, sở đã yêu cầu các trường nhắc nhở, lưu ý, tập huấn... cho học sinh, sinh viên, giúp các em nhận biết và phòng tránh các hành vi lừa đảo. Quan trọng nhất là hướng dẫn các em không tiếp xúc, trao đổi với người lạ.

Trong những tình huống cấp bách, các em cần bình tĩnh gọi điện thoại cho cha mẹ hoặc nhờ thầy cô giáo giúp đỡ. Ngoài ra, học sinh cũng cần có ý thức bảo mật thông tin cá nhân của bản thân và gia đình, tránh để kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo.

Hướng dẫn học sinh lên mạng đúng cách sẽ hạn chế lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Hướng dẫn học sinh lên mạng đúng cách sẽ hạn chế lộ lọt thông tin cá nhân - Ảnh minh họa: QUANG ĐỊNH

Thông tin có thể lộ lọt từ 3 nguồn

Theo các chuyên gia bảo mật, việc lộ lọt thông tin trong vụ lừa "con bị tai nạn ở trường" có thể đến từ một trong ba nguồn: cơ sở dữ liệu và các hoạt động của nhà trường, học sinh và phụ huynh.

Từ nhà trường, đó có thể là hệ thống sổ liên lạc điện tử giữa trường và phụ huynh. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi tội phạm mạng phải xâm nhập được vào cơ sở dữ liệu của phần mềm. Bên cạnh đó, danh sách học sinh hoặc phụ huynh trong thông báo của trường được chia sẻ qua các kênh như bảng thông báo, email, trang web, Facebook... hoàn toàn có thể xảy ra lộ lọt thông tin.

Từ học sinh, có thể là các tài khoản Facebook, TikTok, Zalo cá nhân hoặc hội, nhóm lớp, diễn đàn... các em tham gia. Nhiều học sinh khoe hình ảnh cá nhân, tập thể lớp, trường dễ dàng tìm thấy trên Facebook.

Từ phía cha mẹ có thể là các hội, nhóm phụ huynh tham gia trên Facebook, Zalo dùng để liên lạc với giáo viên chủ nhiệm. Các hội nhóm này có thể thêm thành viên mới dễ dàng mà không cần phải xác thực chính danh. Trong các hội nhóm này có đầy đủ thông tin về học sinh, số điện thoại, họ tên, địa chỉ liên lạc của phụ huynh.

Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ có thói quen khoe hình ảnh về con mình, trường học của con hay các thành tích con đạt được, hoặc kết nối với tài khoản Facebook của con. Những hình ảnh, hoạt động (bình luận) đó luôn chứa đựng các thông tin giúp kẻ lừa đảo có thể tìm ra được các thông tin về học sinh, số điện thoại phụ huynh để tiến hành thực hiện chiêu lừa "con đang cấp cứu".

Theo các chuyên gia bảo mật, nhà trường hoạt động như một doanh nghiệp. Do đó cũng cần thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo mật. Trường cũng cần cài đặt, nâng cấp hệ thống bảo mật thông tin, thường xuyên kiểm tra, vá lỗi hệ thống, lỗ hổng bảo mật, phối hợp kịp thời với cơ quan chức năng khi có sự cố xảy ra.

Đồng thời trường cũng cần đưa ra những điều khoản thỏa thuận rõ ràng với người dùng về việc thu thập thông tin dữ liệu và mục đích sử dụng dữ liệu đó.

Với học sinh, nhà trường và cha mẹ cần khéo léo truyền đạt ý thức bảo vệ thông tin cá nhân cũng giống như thân thể của mình. Với các bậc cha mẹ, theo các chuyên gia của Hãng bảo mật Kaspersky, cha mẹ nên thận trọng khi tiết lộ thông tin về bản thân, đặc biệt là thông tin, hình ảnh của con trên mạng xã hội.

Phụ huynh và học sinh luôn phải ý thức nếu chia sẻ càng nhiều, họ càng hấp dẫn kẻ tấn công đang tìm cách đánh cắp dữ liệu cá nhân hoặc thậm chí danh tính.

HOÀNG HƯƠNG - ĐỨC THIỆN

Nguồn: https://tuoitre.vn/canh-giac-voi-lua-dao-o-truong-hoc-20230329082231467.htm