NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Các dự án thắng giải Sáng kiến Khoa học 2022 giờ ra sao?

on .

Gần một năm sau khi thắng giải cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2022 nhiều nhóm đã sử dụng tiền thưởng vào marketing sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, hỗ trợ nghiên cứu khoa học.

Năm 2022, cuộc thi Sáng kiến Khoa học do VnExpress tổ chức có 7 sáng kiến được trao giải. Trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất trị giá 50 triệu đồng, giải nhì 30 triệu đồng, giải ba 20 triệu đồng cùng 3 giải khuyến khích, mỗi giải 10 triệu đồng.

Tác giả Đồng Quang Hồng (Khánh Hòa), đại diện nhóm giải đặc biệt với sản phẩm công nghệ vệ tinh ứng dụng trong phao dò cá, cho biết, đã đẩy mạnh marketing sản phẩm. Nhiều khách hàng biết đến phao dò cá hơn. Nhóm triển khai thông qua một số chương trình gồm hỗ trợ dùng thử miễn phí 3 tháng đầu, hỗ trợ trả chậm trong 6 tháng. "Một phần nhỏ tiền thưởng cũng được trích để tiếp tục tập trung nghiên cứu, cải tiến thêm các tính năng nhằm phù hợp hơn với điều kiện nghề cá của Việt Nam", anh cho hay. Anh Hồng cho biết cách thức tổ chức chuyên nghiệp của ban tổ chức đã tạo điều kiện và hỗ trợ các startup trẻ, tạo động lực giúp Zunibal Vietnam phát triển hơn.

Nhóm nhà khoa học trẻ thuộc Viện hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã triển khai một số ý tưởng phát triển nâng cao từ quy trình công nghệ chiết tách thành công lycopen từ gấc - giải pháp giành giải Nhất. TS Hồ Thị Oanh, thành viên nhóm, cho hay tiền thưởng được đưa vào quỹ phòng để phục vụ nghiên cứu. Khoảng gần cuối năm 2022, nhóm mua nguồn nguyên liệu sinh khối tảo nhằm chiết astaxathin, trong đó áp dụng công nghệ tương tự chiết lycopen từ quả gấc để tiếp tục nghiên cứu. "Loại chiết mới cũng có hoạt tính sinh học cao, một số hoạt tính như giảm lipit, chống oxy hóa còn cao hơn lycopen", TS Oanh nói.

BS chuyên khoa II Phạm Trung Hiếu, Phụ trách trung tâm nghiên cứu công nghệ in 3D y sinh, Đại học VinUni, trưởng nhóm nghiên cứu đoạt giải Nhì, cho biết đã sử dụng nhóm dùng kinh phí cho chuyến đi công tác tại Bỉ, tham dự hội thảo 3D trong y khoa toàn thế giới.

Nhóm nghiên cứu của BS Phạm Trung Hiếu (thứ 3 từ trái sang) gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu quốc tế trong hội thảo 3D trong y khoa toàn thế giới tại Bỉ.

Nhóm nghiên cứu của BS Phạm Trung Hiếu (thứ 3 từ trái sang) gặp gỡ và trao đổi kinh nghiệm với các nhà nghiên cứu quốc tế trong hội thảo 3D trong y khoa toàn thế giới tại Bỉ. Ảnh: NVCC

Mang theo công nghệ thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D, chuyến công tác của nhóm bác sĩ tại Bỉ một tháng với các khóa đào tạo nâng cao về kỹ thuật thiết kế 3D tại trụ sở chính của Materialise. "Chúng tôi có được cơ hội kết nối với các đồng nghiệp trên thế giới cùng sử dụng công nghệ 3D in các trợ cụ cá thể hóa (PSI) ứng dụng trong chấn thương chỉnh hình", bác sĩ Hiếu cho hay. Tại đây nhóm không chỉ học hỏi về kinh nghiệm thực tế về thiết kế các trợ cụ cá thể hóa còn đem thiết kế của riêng mình chia sẻ tới các đồng nghiệp tại Bỉ, Đan Mạch, Đức, ...

Dự án "Website hỗ trợ người dân tộc Mông ôn thi bằng lái xe máy" của nhóm học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội Trú tỉnh Điện Biên nhận giải khuyến khích. Đại diện nhóm Đoàn Thị Hà Giang cho biết đã duy trì và mở rộng website và chi phí cho các cộng tác viên dịch ngôn ngữ mới. Hiện website đã có thêm ngôn ngữ dân tộc Thái, Cống, Sila- đây là 4 dân tộc chủ yếu của Điện Biên. Hà Giang tiết lộ thêm, nhóm cũng trích một số tiền nhỏ tặng Quỹ học bổng nhà trường cho học sinh nghèo vượt khó và nhóm tham gia nghiên cứu khoa học năm học 2023-2024.

Nguyễn Long Hoàng chỉ vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM lúc nhận giải khuyến khích Cuộc thi Sáng kiến Khoa học mùa 1 với dự án Trà định tâmAssamica. Hoàng cho hay, những góp ý từ Ban giám khảo về phương pháp trồng cây và cách thức tiếp cận khách hàng rất hữu ích cho nhóm.

Sau cuộc thi, nhóm MEDTECH đã thay đổi đặc tính trong quản lý cây trồng, xử lý bao bì mới thân thiện hơn với môi trường và hướng tiếp cận người tiêu dùng phù hợp hơn. Hoàng thông tin, khi đưa 1.000 sản phẩm dùng thử tới người tiêu dùng hơn 92% khách hàng phản hồi yêu thích và mong muốn mua.

Long Hoàng kể thêm, thông qua cuộc thi nhóm kết nối được với Viện trường để hoàn thiện sản phẩm và được nhiều khách hàng chào đón. "Nhờ hiệu ứng truyền thông tốt của cuộc thi, nhiều độc giả còn gọi điện trực tiếp tới nhóm để mua sản phẩm và còn giúp em kết nối tốt với nhiều đơn vị báo đài, cuộc thi khác", Hoàng cho hay.

Năm nay, giải thưởng Sáng kiến Khoa học 2023 được nâng lên 300 triệu đồng. Trong đó, giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng cùng giải khuyến khích 20 triệu đồng. Đặc biệt cuộc thi có thêm hạng mục "Giải sáng kiến" được trao cho sản phẩm, sáng kiến đặc biệt phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, miền núi trị giá 30 triệu đồng.

Ngoài phần thưởng tiền mặt, các tác giả dự thi còn có các lợi ích khác như cơ hội được truyền thông trên các nền tảng của Báo điện tử VnExpress, được kết nối tới các đối tác quan tâm để phát triển, hoàn thiện, kinh doanh sản phẩm.

Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2023 do VnExpress tổ chức bước sang năm thứ 2 với mong muốn tạo sân chơi cho những người yêu khoa học, công nghệ; hướng tới các nhà khoa học chuyên và không chuyên, tuổi dưới 40, nhằm tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp, sản phẩm có giá trị ứng dụng trong cuộc sống. Cuộc thi tìm kiếm và tôn vinh các giải pháp, sáng kiến thuộc lĩnh vực: y sinh - hóa sinh, công nghệ, nông nghiệp, môi trường và vật liệu mới.

Cuộc thi nhận hồ sơ đến ngày 2/3/2023. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào tháng 5. Những người yêu khoa học, các nhà nghiên cứu có thể gửi hồ sơ tham dự tại đây.

NHƯ QUỲNH

Nguồn:https://vnexpress.net/cac-du-an-thang-giai-sang-kien-khoa-hoc-2022-gio-ra-sao-4572618.html