Tự chủ đại học và học phí: Nguồn thu đại học các nước đến từ đâu?
TTO - Ở nhiều quốc gia, chính phủ vẫn hỗ trợ tài chính cho trường ĐH, dù là công hay tư. Nguồn thu từ học phí chiếm phần không quá lớn trong tổng doanh thu.
Tuổi Trẻ ghi ý kiến, chia sẻ của các chuyên gia, giảng viên đang làm việc tại các trường ĐH trên thế giới về chủ đề này.
GS NGUYỄN VĂN TUẤN (ĐH New South Wales, Úc):
Nhà nước hỗ trợ tài chính ĐH
Ở Úc, các ĐH có nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học theo chiến lược mà chính phủ hoạch định. Do đó, nguồn thu nhập chính của các ĐH Úc là từ tài trợ của chính phủ liên bang, và số tài trợ cho mỗi ĐH tùy thuộc vào số sinh viên mà ĐH thu nhận mỗi năm.
Chẳng hạn như năm 2020, các ĐH Úc có tổng thu nhập là 34,6 tỉ đôla Úc, trong số này 12,1 tỉ đôla (gần 35%) là tài trợ của chính phủ cho việc đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh. Số còn lại là học phí từ sinh viên nước ngoài (9,2 tỉ đôla), học phí sinh viên nội địa (khoảng 6 tỉ đôla), tư vấn cho kỹ nghệ (2 tỉ đôla), các nguồn thu nhập từ tài trợ cho nghiên cứu khoa học và tiền lời từ đầu tư tài sản và tài chính (gần 1 tỉ đôla).
Học phí là do chính phủ liên bang ấn định, nên ĐH không có quyền tăng hay giảm. Cứ mỗi hai năm, các ĐH quy tụ với nhau và gây áp lực lên chính phủ nên điều chỉnh học phí để phù hợp với lạm phát, nhưng chính phủ thì rất cẩn thận trong việc này vì liên quan đến việc bầu cử. Tuy vậy, chính phủ lúc nào cũng có các chương trình hỗ trợ cho sinh viên. Có nhiều sinh viên không có khả năng tài chính thì chính phủ đứng ra "cho vay" và khi sinh viên tốt nghiệp, họ có thể trả dần dần. Nói chung, học phí cho sinh viên nội địa không cao so với thu nhập bình quân ở Úc. Chẳng hạn như để theo học chương trình bác sĩ y khoa, học phí cho sinh viên nội địa khoảng 10.000 đôla mỗi năm (còn cho sinh viên nước ngoài thì khoảng 50.000 - 70.000 đôla mỗi năm).
Tôi ngạc nhiên khi biết nguồn thu nhập chính của ĐH ở Việt Nam là từ học phí của sinh viên. Tôi nghĩ ĐH là một thiết chế của nhà nước có nhiệm vụ đào tạo nhân tài, thì nhà nước phải có trách nhiệm tài trợ cho ĐH ở một mức độ thích hợp. Dĩ nhiên, ĐH vẫn phải thu học phí từ sinh viên, nhưng tôi vẫn nghĩ không nên đẩy tất cả gánh nặng tài chính vào sinh viên, vì đa số sinh viên Việt Nam xuất thân từ các gia đình nghèo.
Tôi nghĩ với cơ chế hiện nay, các ĐH rất khó đa dạng hóa nguồn thu nhập. Chẳng hạn như các ĐH khó có thể đầu tư vào thị trường chứng khoán. Còn nguồn thu nhập từ nghiên cứu khoa học và tư vấn cho kỹ nghệ thì tôi nghĩ chẳng là bao. Do đó, nhà nước phải tài trợ cho các ĐH, còn tài trợ theo mô hình nào, công thức nào thì đòi hỏi phải có nghiên cứu cẩn thận.
GS TRƯƠNG NGUYỆN THÀNH (ĐH Utah, Hoa Kỳ):
Học phí chỉ chiếm 20% doanh thu
Không như các ĐH Việt Nam, nguồn thu của các trường ĐH Hoa Kỳ đến từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó học phí chỉ là một phần. Các loại doanh thu bao gồm học phí, ngân sách hỗ trợ của chính phủ và tiểu bang, từ các khoản tài trợ từ tư nhân, lợi tức đầu tư... Ở các trường công, thông thường các hỗ trợ từ chính phủ, tiểu bang và chính quyền địa phương chiếm hơn 50% tổng doanh thu. Nguồn thu từ học phí chỉ chiếm khoảng 20% doanh thu của trường.
Đối với các trường tư, các khoản tài trợ và trao tặng chiếm phần lớn doanh thu của trường. Nguồn thu cho các trường ĐH tư tăng trưởng khá ổn định, trong đó có nguồn từ học phí, tài trợ liên bang. Doanh thu từ học phí của trường tư rơi vào khoảng 30 - 40% tổng doanh thu của trường. Ở Mỹ, không chỉ trường công mà trường tư cũng nhận được hỗ trợ tài chính từ chính phủ và chính quyền tiểu bang, địa phương. Rất nhiều trong số này đến dưới dạng trợ cấp và các hợp đồng.
Các trường ĐH Việt Nam cũng có thể đa dạng nguồn thu của mình nhưng phải biết cách vượt qua cái khó vì hiện tại các ĐH chỉ biết tìm doanh thu từ học phí là chính.
MINH GIẢNG ghi