NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

GS Vũ Hà Văn: Nhà tôi ai thích gì làm nấy

on .

TTO - 'Nhà tôi ai thích làm gì thì làm nấy. Tôi không khuyên các con theo nghề của mình vì mình thấy nghề của mình hay, hay vì mình thành công trong lĩnh vực đó', GS Vũ Hà Văn chia sẻ.

GS Vũ Hà Văn: Nhà tôi ai thích gì làm nấy - Ảnh 1.
 

GS Vũ Hà Văn

 

Cuốn sách Giáo sư phiêu lưu ký của giáo sư VŨ HÀ VĂN (NXB Hội Nhà Văn và Nhã Nam) vừa ra mắt bạn đọc tập hợp các bài viết về giáo dục, văn hóa, lịch sử, du ký… trong nhiều năm của tác giả, cho thấy một chân dung sinh động về nhà toán học Việt Nam nổi tiếng này.

Dịp này ông dành cho Tuổi Trẻ một cuộc trò chuyện cởi mở, từ những câu chuyện cá nhân như "duyên nợ" với văn và toán cho đến những câu chuyện lớn lao của đất nước như chuyện thu hút người tài, nắm bắt cơ hội để Việt Nam thành quốc gia công nghệ...

Tôi rất thích văn Vũ Bằng

* Là nhà toán học nhưng ông vẫn dành thời gian viết lách về các vấn đề văn hóa, lịch sử, xã hội và in sách. Đó là cách ông thỏa mãn tố chất viết lách thừa hưởng từ bố - nhà thơ Vũ Quần Phương?

- Đây không phải cuốn sách tôi cố tình viết ra để trở thành một nhà văn mà là tập hợp các bài tôi viết đăng trên blog cá nhân có lẽ đã 10 năm nay. Nhã Nam có nhã ý tập hợp lại một số bài và in thành một cuốn sách.

Có hai dạng giải trí: một dạng theo dòng sự kiện nào đấy hoặc một dạng bài cung cấp kiến thức gì đấy có lợi cho đại chúng ví như kiến thức chọn trường để gửi con đi Mỹ học, hay việc đào tạo tiến sĩ, hoặc đơn giản là một bài tôi viết về một thành phố tôi yêu thích mà tôi có dịp ghé qua, một kỷ niệm ngày xưa ở Việt Nam...

* Trong cuốn sách, tôi thấy ông đặc biệt ấn tượng mỗi Vũ Bằng. Tại sao vậy?

- Tôi đọc Thương nhớ mười hai đúng lúc tôi đang đi du học, rất hợp với tâm trạng của mình. Trước đó, tôi đã đọc những cuốn khác của cụ. Tôi rất thích vì Vũ Bằng có một lối viết hoàn toàn khác với cách viết của những nhà văn miền Bắc thời đấy mà tôi được đọc, được học trong nhà trường. Ông là một trong số ít nhà văn Việt Nam có khiếu hài hước rất đặc biệt.

* Ông cũng rất hài hước trong các bài viết. Những người hài hước thường là những người rất thông minh?

- Thường nó theo chiều ngược lại. Những người thông minh thì thường hài hước. Thông minh ở đây phải hiểu theo nghĩa rộng, như có người rất thông minh về âm nhạc, về logic, về ngôn ngữ, về cơ thể (như các vận động viên chuyên nghiệp)...

Trong cộng đồng toán, có một số nhà toán học rất giỏi, kỹ thuật thật cao cường, nhưng nói chuyện với họ hơi buồn. Họ chỉ biết mỗi toán học thôi. Nhưng có những người quan tâm rất rộng, nhiều lĩnh vực của đời sống, và quan trọng hơn, luôn nhìn vấn đề theo cách riêng của họ. Nói chuyện với những người đó rất thú vị, học hỏi được nhiều điều.

* Vậy mà gần đây người ta nói nhiều đến chuyện "giải phóng" học sinh, cho các em chỉ chuyên vào một lĩnh vực cho thật giỏi chứ không phải là cố gắng phấn đấu giỏi toàn diện như trước.

- Tới lúc nào đó cũng phải chuyên vào một cái gì đấy để đi làm. Nhưng biết nhiều thứ thì bao giờ cũng sẽ tốt hơn. Còn khái niệm "giỏi toàn diện" rất mông lung, nói thật là tôi chưa gặp ai giỏi toàn diện cả.

GS Vũ Hà Văn: Nhà tôi ai thích gì làm nấy - Ảnh 2.

GS Vũ Hà Văn và bố - nhà thơ Vũ Quần Phương - Ảnh: NVCC

Chính bố bảo tôi đừng làm gì liên quan văn chương

* Quay về chuyện gia đình, bố của ông là một nhà thơ nổi tiếng, lẽ thường ông nên tiếp nối con đường thơ văn của gia đình chứ không phải từ văn quay sang toán. Hay toán và văn thực ra rất gần nhau?

- Tôi học chuyên toán từ bé và người muốn tôi học chuyên toán chính là bố tôi. Chính bố tôi bảo tôi đừng có làm gì liên quan văn chương. Tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy muốn làm nghề này. Tôi làm khoa học tự nhiên hợp hơn. Cũng chưa bao giờ nghĩ in sách (ngoài chuyên môn) từ những thứ mình viết.

Về kỹ năng viết, theo tôi, làm bất kỳ nghề gì thì kỹ năng này cũng quan trọng. Đối với người làm toán, người làm khoa học nói chung, lại càng hữu ích. Bản thân toán học đã mang tính kỹ thuật rất cao, viết không tốt thì vấn đề dễ cũng trở thành rườm rà, còn vấn đề khó chả ai hiểu cả. Biết giản đơn hóa những vấn đề kỹ thuật, mà vẫn thâu tóm được nội dung/tinh thần chính, là một trong những chìa khóa của thành công.

* Công việc của một nhà toán học có khiến ông hoàn toàn hạnh phúc?

- Được làm nghiên cứu, làm toán với tôi rất sung sướng. Tất nhiên những năm đầu rất vất vả.

* Ông có ý định làm thơ không?

- Hiện chắc là không. Với lại cái gì được gọi là thơ thì chắc cũng có nhiều định nghĩa. Có những người làm thơ nhưng tôi đọc lên thấy không giống thơ lắm. Có một số người viết văn xuôi nhưng tôi đọc vẫn thấy chất thơ trong đó.

* Ông có thích thơ của bố mình không?

 

- Tôi cũng thích một số bài, nhất là các bài cụ viết hồi trẻ.

* Các con của ông có theo nghiệp toán của bố không?

- Không. Một bạn đang học công nghệ máy tính, bạn kia học tâm lý và truyền thông. Trước đó, bạn này đã lấy một bằng nấu ăn chuyên nghiệp tại Học viện Nấu ăn Hoa Kỳ (Culinary Institute of America, NY). 

Nhà tôi ai thích làm gì thì làm nấy. Tôi không khuyên các con theo nghề của mình vì mình thấy nghề của mình hay, hay vì mình thành công trong lĩnh vực đó. Con tôi hay nói với tôi bây giờ có nhiều thứ để thích lắm.

* Ông nghĩ sao về một thế hệ người Việt như các con ông, sinh ra lớn lên ở nước ngoài và lựa chọn tiếp tục sống ở nước ngoài?

- Thật ra bây giờ thế giới phẳng rồi. Nhiều bạn người Mỹ sinh ra ở Mỹ nhưng có khi không ở Mỹ mà có thể lang thang sống ở châu Âu, châu Á. Còn các con gắn bó với quê hương gốc gác, ông bà nội ngoại được bao nhiêu thì tùy vào cách của mỗi gia đình.

GS Vũ Hà Văn: Nhà tôi ai thích gì làm nấy - Ảnh 3.

Cuốn sách Giáo sư phiêu lưu ký của GS Vũ Hà Văn - Ảnh: T.ĐIỂU

Kêu gọi người tài về giúp nước không chỉ bằng lời nói

* Ông có bao giờ nghĩ về hiện thực rằng các nhà khoa học giỏi như ông và GS Ngô Bảo Châu đều đang làm việc ở nước ngoài?

- Tôi nghĩ nếu ở Việt Nam có điều kiện làm việc tốt thì rất nhiều người sẽ muốn làm việc ở Việt Nam. Ví dụ Hàn Quốc hay Trung Quốc chiêu mộ được rất nhiều nhà khoa học từ Mỹ về nước làm việc, với những chủ trương cụ thể. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay ở Việt Nam, với những nhà khoa học trẻ, điều kiện làm việc tốt nhất cho họ vẫn là ở các nước phát triển.

Vừa rồi tôi có nói chuyện với một số lãnh đạo một địa phương đã có cơ chế đặc biệt có thể trả mức lương khá cao cho giảng viên ĐH từ nước ngoài về nhưng vẫn không chiêu mộ được nhiều người giỏi, thậm chí một số người còn không bằng những người đã có sẵn. Điều này cho thấy ngay cả khi có tiền thì việc lựa chọn cũng không phải dễ dàng. 

Nhưng nói gì thì nói lương phải đáp ứng điều kiện cần tối thiểu. Sinh hoạt ở Việt Nam bây giờ không rẻ, ở các thành phố lớn mua nhà hay cho con đi học có khi còn đắt hơn ở Mỹ, vì vậy khó có thể kêu gọi động viên chỉ bằng lời được.

* Về nước làm giám đốc khoa học của Viện Big Data (Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn) có phải là một cách ông đóng góp cho đất nước?

- Làm ở Big Data quả thật phải hy sinh một phần sự nghiệp nghiên cứu cá nhân. Làm các sản phẩm thật, cho nhiều người tiêu dùng mà độ phức tạp của nó, từ kỹ thuật cho đến quản lý nhân sự, còn khó hơn toán.

Bù lại tôi hy vọng những việc làm này tạo được sự tác động ra xã hội. Chúng tôi đã có được một số sản phẩm, mà theo tôi, định hướng được việc ứng dụng khoa học dữ liệu ở Việt Nam. 

Ngoài ra, Big Data còn vận hành Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ (Quỹ VINIF) của Vingroup, với mục đích hỗ trợ phi lợi nhuận các hoạt động khoa học ở Việt Nam, nhằm tạo ra được một lớp nhà khoa học trẻ tinh hoa tiệm cận được với thế giới. Quỹ được cộng đồng đánh giá là một luồng gió tươi mới với nền khoa học Việt Nam. 

Sự hỗ trợ vừa dồi dào vừa minh bạch, nhanh chóng không những mang lại hiệu quả tức thời (quỹ giải ngân hơn 600 tỉ chỉ trong 3 năm đầu tiên), mà còn góp sức tạo ra văn hóa nghiên cứu mới ở Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn VINIF sẽ có ảnh hưởng rộng hơn trong xã hội để trong tương lai không xa sẽ xuất hiện nhiều quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học tương tự từ các đơn vị khác.

* Không kể khối tư nhân năng động, từ phía Nhà nước, ông thấy quyết tâm của Chính phủ muốn đưa đất nước bước lên được con tàu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã được thực hiện tốt chưa?

- Ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đó chúng ta đã không tham gia được bởi nhiều lý do chủ quan cũng như khách quan. Ở cuộc cách mạng lần thứ tư này, Việt Nam biết và cảm nhận việc lên được chuyến tàu công nghệ là rất có lợi và phải làm. Nhưng vấn đề là làm thế nào?

Nhà nước có ngân sách cho việc này nhưng có lẽ việc đầu tư chưa thật nhanh và hiệu quả. Có lẽ cần có một số nhà tư vấn tử tế, là những chuyên gia có chuyên môn sâu và kinh nghiệm. Hiện thành phần của nhiều ủy ban hơi nặng về quản lý. Một số đơn vị còn phải trả lại một phần ngân sách cuối năm vì không tiêu được, vì vướng mắc khá nhiều quy định. Trong khi đó, thế giới vẫn đi rất nhanh trên con đường của họ.

THIÊN ĐIẾU

Nguồn: https://tuoitre.vn/gs-vu-ha-van-nha-toi-ai-thich-gi-lam-nay-20220714090521452.htm