Sinh viên kỳ vọng nhận khoản lương đầu tiên khoảng 8,4 triệu, 'lên sếp' sau 2 năm
TTO - Đây là kết quả trích xuất từ khảo sát Thương hiệu nhà tuyển dụng hấp dẫn với sinh viên Việt Nam 2022, có sự tham gia của khoảng 13.700 sinh viên từ 120 trường đại học lớn trên toàn quốc của Anphabe.
Kỳ vọng cao, dễ vỡ mộng
Theo dự báo, đến năm 2025, trung bình cứ 4 người đi làm sẽ có 1 đại diện gen Z(sinh từ năm 1997 đến 2012).
Kết quả khảo sát của Anphabe cho thấy đây là thế hệ được nhận diện là có nhiều kỳ vọng khi đi làm. Cụ thể, mức lương kỳ vọng trung bình mà gen Z mong muốn cho công việc chính thức đầu tiên sau ra trường là 8,4 triệu đồng/tháng.
88% sinh viên khá giỏi chia sẻ rằng họ mong muốn trở thành quản lý trong vòng 2 năm. Ngoài ra, gen Z cũng mong muốn các mục tiêu nghề nghiệp đa dạng khác, như mở rộng các mối quan hệ, trải nghiệm thú vị, đa dạng, và cân bằng công việc - cuộc sống.
Tuy vậy, khảo sát trên nhóm gen Z đã ra trường và đi làm trong vòng 1-2 năm qua cũng cho thấy nhiều bạn trẻ thế hệ Z cũng có dấu hiệu rơi đà, "vỡ mộng" khi những kỳ vọng của họ có độ chênh lớn so với thực tế.
Cụ thể, về lương thực tế, 65% các bạn chia sẻ rằng mức lương đầu tiên nhận về khá khiêm tốn, dao động 4-8 triệu/tháng, chủ yếu là mức 6-7 triệu/tháng.
Giấc mơ "lên sếp" sau 2 năm cũng tan tành vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là vì "độ chênh" giữa cách gen Z tự đánh giá về mình và cách công ty đánh giá về những gì gen Z làm được và chịu trách nhiệm được.
Gen Z đánh giá cao việc mình có ý tưởng và công sức đã bỏ ra, nhưng các sếp thì đánh giá nhân viên dựa vào tính khả thi của ý tưởng và kết quả cuối cùng.
Đồng thời, với thói quen mọi thứ sẽ có "chỉ sau một chạm", gen Z có nhu cầu "ngay và luôn" trong mọi thứ, bao gồm cả tốc độ thăng tiến trong sự nghiệp hay quyết định chuyển việc, trong khi doanh nghiệp thì lại cần những nhân viên chuyên môn có sự tích lũy sâu và cam kết dài theo thời gian.
Một lý do khác khiến Gen Z luôn cảm thấy chênh vênh là vì những định kiến, "nhãn mác" khác biệt từ các đồng nghiệp ở thế hệ trước.
Nếu gen Z đánh giá mình tự tin, năng động, cá tính, đa nhiệm và nhiều ý tưởng thì trong mắt các thế hệ khác, họ dễ bị gán những điều ngược lại: tự cao, yếu bản lĩnh, kém sức bền, quái tính, ít tập trung và thiếu thực tế. Điều này dẫn đến những sự "đụng độ thế hệ" không cần thiết chốn công sở.
Những thách thức này khiến nhiều gen Z "vỡ mộng" và luôn trong tình trạng bất ổn, kết quả là các bạn trẻ rơi vào vòng luẩn quẩn của chán việc - nghỉ việc - nhảy việc.
Cụ thể, 95% gen Z khi ngồi trên ghế nhà trường tin rằng nếu có công việc chính thức đầu tiên sau tốt nghiệp, các bạn sẽ gắn bó ít nhất 1 năm, nhưng thực tế sau khi ra trường chỉ có 38% các bạn hiện thực hóa niềm tin đó.
62% các bạn nhảy việc ngay trong năm đầu tiên, nhiều bạn thậm chí còn nhảy vài lần trong 1 năm.
Không quan trọng "làm cho Tây hay cho ta"
Kết quả khảo sát của Anphabe cũng cho thấy gen Z là thế hệ tự tin và có tư duy độc lập từ rất sớm. Cụ thể, 52% bạn trẻ thuộc thế hệ này đã thực tập hoặc đi làm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong đó 40% bắt đầu trong vòng hai năm đầu đại học.
Khi đi tìm định hướng nghề nghiệp, thế hệ Z sẽ tự tìm hiểu trên Internet, ưu tiên các yếu tố cá nhân như năng lực bản thân hay sở thích cá nhân nhiều hơn 3-4 lần và rất ít khi tham khảo ý kiến bố mẹ, người thân.
Ngoài độc lập trong suy nghĩ, gen Z luôn hướng tới sự tự do trong hành động. Đây cũng là lý do khi lựa chọn nghề nghiệp, họ có xu hướng "mở" hơn nhiều so với các thế hệ trước.
Họ không quá kén chọn loại hình công ty để bắt đầu sự nghiệp. Tỉ lệ gen Z chọn doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp Việt tương ứng là 70% và 60%, không quá khác biệt.
Điều này rất khác với thế hệ Y trước đó. Cụ thể, khảo sát của Universum năm 2015 cho thấy tỉ lệ người trẻ gen Y khi mới đi làm thích doanh nghiệp đa quốc gia hơn gấp 5 lần tỉ lệ thích làm cho doanh nghiệp Việt.
VŨ THUỶ