Cuộc chiến Nga - Ukraine: Ngăn tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam
TTO - Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tác động sâu sắc đến kinh tế, tài chính thế giới. Có độ mở kinh tế lớn nên Việt Nam có thể hứng chịu nhiều tác động.
TS Lại Lâm Anh (Viện Kinh tế và chính trị thế giới, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phân tích:
- Với bất kỳ một cuộc chiến nào hay bất ổn chính trị nào đều gây nên những tác động nhất định đến kinh tế. Cuộc chiến này có tác động về mặt chính trị với thế giới là rất lớn, nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Nhiều mặt hàng có thể tăng giá
* Điều đầu tiên là giá dầu tăng. Theo ông, xu hướng có đến mức 200 USD/thùng như một số dự báo?
- Ngay khi Nga tấn công Ukraine thì khu vực nhạy cảm và chịu ảnh hưởng nhiều nhất là thị trường tài chính đã phản ứng khi giảm điểm từ 2-3%. Giá dầu Brent tăng vượt mức 100 USD/thùng.
Khi giá tăng quá cao thì kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với bài toán chi phí tăng, cước vận chuyển tăng, khiến giá hàng hóa cơ bản đều tăng. Trong ngắn hạn thì giá dầu có thể tiếp tục tăng nhưng khó có thể lên mốc cao tới 200 USD/thùng như nhiều dự báo.
Việc tăng giá hàng hóa cơ bản cũng như dòng tiền rút ra khỏi thị trường tài chính để tìm nơi trú ẩn an toàn hơn sẽ khiến cho các ngành sản xuất bị ảnh hưởng và phần nào đó cản trở đà phục hồi kinh tế thế giới, tác động đến dòng đầu tư...
* Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao. Theo ông, xung đột Nga - Ukraine sẽ tác động tới chúng ta thế nào?
- Kim ngạch xuất nhập khẩu của ta với Nga năm 2021 đạt trên 7 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 4,9 tỉ USD. Với Ukraine, thương mại hai chiều mới đạt 720 triệu USD. Tức cả hai thị trường này chỉ chiếm khoảng 1,2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021.
Với quan hệ thương mại như vậy, tác động về mặt kinh tế giữa ta với các nước này chưa lớn. Song về dài hạn sẽ bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của các nước với Nga cũng như bất ổn tại Ukraine, sẽ khiến ta khó thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư một cách sâu rộng hơn.
Các hoạt động giao thương, du lịch, đầu tư, tài chính cũng sẽ phần nào bị ảnh hưởng, đặc biệt khi phương Tây loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.
Nhưng điều đáng lo ngại hơn, cuộc chiến này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm gia tăng lạm phát, sẽ tạo sức ép cho Việt Nam trong ngắn hạn. Đặc biệt khi ta đang thực hiện hàng loạt các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Mục tiêu tăng trưởng năm nay là 6-6,5% và kiềm chế lạm phát dưới 4% là thách thức không nhỏ.
Ở góc độ vi mô, giá dầu tăng kéo theo nguyên vật liệu đầu vào đều tăng như phân bón, sản phẩm hóa chất, than đá... Cộng thêm sự gián đoạn hoặc chi phí tăng thêm của chuỗi cung ứng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, trong đó là các ngành như nông sản, lương thực, thực phẩm, sản xuất công nghiệp...
Khi lạm phát trên toàn cầu tăng sẽ làm cho tiêu dùng vốn đang phục hồi yếu ớt bị thu hẹp lại, sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Khi chi phí đầu vào, nguyên vật liệu tăng sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ giải ngân các gói phục hồi kinh tế của Việt Nam nếu ta không có biện pháp ứng phó chủ động.
Việt Nam cần làm nhiều việc
* Nhưng biến động nào thường đi kèm thách thức sẽ là cơ hội?
- Khi Ukraine khủng hoảng, nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt. Vấn đề là ta phải làm thế nào để có đủ khả năng đón nhận hiệu quả hơn sự chuyển dịch vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn.
Muốn làm được thì phải có chính sách về khoa học - công nghệ phù hợp, thu hút các công ty có trình độ công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận công nghệ và phát triển nguồn nhân lực. Bởi đang có thách thức không nhỏ cho Việt Nam là cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đủ để hấp thụ hết vốn đầu tư cũng như hấp thụ công nghệ cao của thế giới.
Một quốc gia để phát triển được thì phải có sản phẩm công nghệ cao, có khả năng tiêu thụ trên toàn cầu. Kể cả khi chúng ta sản xuất nông sản thì cũng phải chất lượng cao và có giá trị xuất khẩu lớn vượt trội thì người tiêu dùng cũng sẵn sàng chi trả.
* Việt Nam sẽ phải làm nhiều việc để giảm thiểu tác động xấu và tận dụng được cơ hội để phát triển?
- Chúng ta đã cải cách thể chế rất nhiều những năm qua. Nhưng thường thì khó mà tự mình tự thay đổi cơ chế. Chính việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới là cơ hội thay đổi. Điều quan trọng là phải thực hiện tốt nhất FTA đã cam kết và cải cách thực chất nhất.
Cải cách cần dành ưu tiên cho con người. Việc thực hiện sáp nhập, thu gọn các đầu mối bộ, sở, ban, ngành vừa qua đã đặt ra yêu cầu phải làm việc với năng suất cao hơn, chất lượng hơn, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp nhiều hơn. Dịch bệnh vừa rồi là cơ hội để đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin.
Việt Nam cũng cần kiên trì theo đuổi chính sách phát triển theo hướng "Nhà nước nhỏ, xã hội lớn". Tức là Nhà nước cần phải kiên quyết bỏ bớt lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt và Nhà nước không cần phải làm. Cần tăng cường đẩy nhanh xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, công dân điện tử...
NGỌC AN