Lối ra cho nền kinh tế trong dịch Covid-19
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế lao đao vì dịch Covid-19, một số ngành công nghiệp số như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, thể thao điện tử, vận tải giao hàng… đang tạo ra điểm sáng tích cực cho nền kinh tế.
Kinh tế số góp phần vào tăng trưởng kinh tế và khiến các nền kinh tế thay đổi về chất: các nguồn lực phát triển mới là tài nguyên số, của cải số đang dần được công nhận và có nhiều đóng góp bên cạnh tài nguyên truyền thống. Tài nguyên số giải quyết được các vấn đề về môi trường, tránh lãng phí và tạo ra nghề nghiệp mới. Chiến lược phát triển công nghệ số gắn với tăng trưởng kinh tế bền vững đã được nhiều quốc gia ứng dụng, ví dụ Mỹ với trọng tâm phát triển tại thung lũng Silicon hay Úc với kế hoạch "Số hóa nước Úc".
Việt Nam đã triển khai Quyết định 749/QĐ-TTg về "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025" và bước đầu đạt kết quả tích cực. Báo cáo Digital Marketing Report 2021 của Adsota có 44% người dùng Việt lựa chọn mua sắm qua các sàn thương mại điện tử, thu 11,8 tỉ USD vào năm 2020. Cùng với đó, thanh toán trực tuyến phát triển nhanh với 30 triệu giao dịch không dùng tiền mặt mỗi ngày. Số liệu của ZaloPay - một trong top 5 ví điện tử tại Việt Nam - 6 tháng đầu năm nay, tính năng mua hàng trực tiếp ngay trên tài khoản Zalo chính thức của các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm đạt 10 triệu giao dịch. Sự tăng trưởng đột biến của thương mại điện tử trong giai đoạn dịch bệnh cũng tạo cú hích mới cho mảng vận tải - giao nhận...
Cùng với sự phát triển của thể thao điện tử thế giới, tiềm năng phát triển của thể thao điện tử Việt (eSports) đang rất lớn. Năm 2019, doanh thu toàn thị trường eSports thế giới vượt mốc 1.000 tỉ USD với 495 triệu người theo dõi trên toàn cầu. Nguồn thu này chủ yếu từ tiền quảng cáo, tài trợ, tiền bản quyền trò chơi, bản quyền truyền hình và vé tham dự các trận đấu. Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA, tổng doanh thu của FIFA với bộ môn thể thao có tuổi đời hơn 100 năm này chỉ đạt xấp xỉ 766 triệu USD, chưa bằng 8% của thể thao điện tử. Do đó, từ mùa giải 2019-2020 trở đi, FIFA phải chuyển hướng "đánh" mạnh sang mảng FIFA eNations Cup (giải bóng đá trực tuyến trên nền tảng Xbox và PlayStation) để bắt kịp xu hướng.
2020 cũng là năm Việt Nam bắt đầu thương mại hóa 5G. Với nhu cầu giải trí ngày càng lớn và yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng đồ họa trò chơi trên di động, người dùng tìm đến 5G để có trải nghiệm mượt mà hơn. Đây là cơ hội vàng để eSports phát triển tại Việt Nam và ngược lại, eSports tạo bùng nổ về lưu lượng dữ liệu tiêu thụ mạng 5G.
Khi rất nhiều giải đấu thể thao truyền thống trên thế giới phải hoãn do đại dịch, nhiều giải đấu eSports tổ chức trực tuyến. Đây là cũng bộ môn thể thao không đòi hỏi sự đầu tư quá nhiều trong khâu tổ chức, vận hành, đào tạo như nhưng vẫn đem lại doanh thu và góp phần quảng bá thương hiệu quốc gia.
Tháng 11-2020, eSports chính thức được đưa vào 1 trong 40 bộ môn thi đấu giành huy chương tại SeaGames 31 tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ góp phần tạo lực đẩy cho ngành còn rất nhiều dư địa phát triển như eSports.
PHỤNG ĐÀI
Nguồn: https://nld.com.vn/cong-nghe/loi-ra-cho-nen-kinh-te-trong-dich-covid-19-20211231095351796.htm