Trăm dâu đổ đầu trạm y tế: Một nhân viên y tế 'gồng gánh' 17.000 người dân
TTO - Y tế cơ sở được xem là một trong hai 'mũi giáp công' chống dịch, là nơi chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Nhưng trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 cũng bộc lộ nhiều điểm yếu và thiếu. Đã đến lúc trạm y tế cần phải được tiếp sức...
Trạm y tế 170.000 dân - Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TP.HCM) nằm trong "top" phường, xã có số lượng dân cư đông nhất TP.HCM. Với chỉ 10 nhân viên y tế, đỉnh điểm có ngày trạm y tế này phải "choàng" đến 300 người F0, áp lực không thể tả nổi.
Hơn 9h sáng, nhưng nhiều suất ăn sáng của nhân viên Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A còn chưa kịp khui. Trong trạm chỉ có tiếng bước chân, lách cách của tiếng đánh máy, cọt kẹt cửa ra vào. Đã hơn 6 tháng nay hình ảnh này cứ diễn ra liên tục...
1 nhân viên "coi ngó" 17.000 người
Khó khăn lắm chúng tôi mới có được ít phút trò chuyện với bác sĩ Phan Thanh Tùng - trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A. Cuộc trò chuyện liên tục bị gián đoạn bởi những cuộc gọi từ người dân, còn ông thì không thể ngồi yên.
"Bác sĩ ơi, ở đây có làm giấy khám sức khỏe không?", "muốn đăng ký tiêm vắc xin phải làm sao bác ơi", "nhà tôi có người test dương tính rồi"... những câu hỏi quen thuộc ngày nào người dân cũng hỏi.
Những ngày giữa tháng 11 tưởng trạm sẽ bớt việc, nhưng ngược lại các nhân viên y tế nơi đây đang phải gồng gánh một "núi" công việc. Bởi không phải cao điểm dịch nhưng nơi đây đang phải quản lý hơn 1.500 người F0.
Bác sĩ Tùng cho biết trạm chỉ có 10 người, trong đó chỉ 1 bác sĩ, còn lại 9 người điều dưỡng, hộ sinh... Như vậy, tính sơ mỗi nhân viên y tế phải gồng gánh trên 17.000 dân.
Ông Tùng nhẩm tính: "Từ công tác tiêm chủng mở rộng, khám lao, điều trị HIV, chăm sóc người già... Rồi trong đỉnh dịch khó khăn nhất là thiếu nhân sự lấy mẫu, điều tra dịch tễ, tiêm chủng vắc xin. Và để đáp ứng nhu cầu của người dân, một người choàng nhiều công việc khác nhau, không khác gì một bác sĩ đa khoa ở bệnh viện".
6 tháng chưa được về nhà...
Hơn 6 tháng nay từ trạm trưởng đến các nhân viên vẫn chưa được về nhà. Họ lấy trạm y tế là nhà, cả 10 con người cùng ăn uống, sinh hoạt tại chỗ. Người có con nhỏ thì mang đi gửi, người có cha mẹ già thì chỉ lẳng lặng đứng nhìn từ xa mỗi khi về.
"Nhiều tháng nay tôi và các anh em trong trạm chưa được nghỉ ngơi lúc nào, cũng chưa từng gặp mặt các con. Chúng tôi chỉ dám nhìn hình ảnh, nghe tiếng con qua điện thoại. Chúng hay hỏi tôi khi nào bố về? Cũng chỉ biết nói hết dịch bố về, còn khi nào dịch hết thì mông lung quá", bác sĩ Tùng trầm ngâm.
Tại Trạm y tế xã Vĩnh Lộc A, cả hai vợ chồng điều dưỡng Lại Thị Trúc cũng đang mòn mỏi trông từng ngày để gần gũi con, nhưng xem ra điều này quá xa vời.
"Lúc mang chiếc balô quần áo đi chống dịch, con còn chưa biết đi, sau 6 tháng xa cách cũng là lúc con chập chững đi vững nhưng không có cha mẹ bên cạnh. Mỗi lần về nhà, mua sữa cho con, vợ chồng tôi chỉ dám để trước cửa nhà nhìn con, rồi lại lẳng lặng đi. Xa lâu quá rồi, con không nhận ra mẹ nữa", chị Trúc kể.
Theo bác sĩ Tùng, nhiều năm nay trong cuộc họp nào trạm cũng cố gắng đề xuất thêm nhân sự nhưng chưa có. Với số dân đông như Vĩnh Lộc A, trạm cần 5 đến 10 bác sĩ, chứ không phải 1 như hiện nay.
Ám ảnh chợ Vườn Chuối
Với bà Nguyễn Phương Liên - trưởng Trạm y tế phường 4, quận 3 - hai chiếc điện thoại là vật không thể tách rời với chị trong hơn 5 tháng qua. Cuộc trò chuyện với chị Liên cũng diễn ra trong tình thế bất đắc dĩ, một nhân viên y tế, một phóng viên, trong bộ đồ bảo hộ bít bùng, trên chiếc xe máy, đi khắp khu vực phường 4, lấy mẫu, thăm khám, động viên gia đình có ca bệnh.
Nhắc về công việc trong đợt dịch vừa qua, chị Liên nói đó là 100 ngày kinh hoàng đối với phường 4, bởi nhân viên y tế làm việc không còn kể ngày đêm, hễ người dân cần, người dân gọi là có mặt. "Không một ai nghĩ rằng tốc độ dịch tăng kinh khủng đến vậy, cả khu chợ Vườn Chuối đều phong tỏa kín, bao trùm mùi xịt khử trùng, ám ảnh không quên...", chị Liên nhớ lại.
Chị bảo khối lượng công việc quá lớn, nếu không có các lực lượng hỗ trợ thì trạm y tế khó đủ sức vượt qua.
"Thấy một bệnh nhân nguy kịch, thật sự nhân viên y tế ai cũng muốn cứu chữa ngay, tuy nhiên chuyên môn điều trị hạn chế, thiết bị không có, thuốc men cũng không đủ đầy, buộc lòng chuyển lên tuyến trên.
Khi tuyến trên quá tải, chúng tôi chỉ có thể cho bệnh nhân thở bằng máy tạo oxy, đôi lúc bất lực khi thấy họ mất trước mặt mình, để những đêm không tài nào ngủ được...", chị Liên bồi hồi kể lại, rồi tiếp tục bấm chuông ngôi nhà tiếp theo...
Với dân số hơn 30.000 người, nhân lực chỉ có 7 người, nhớ về đợt dịch "tàn khốc" vừa qua, bác sĩ Nguyễn Văn Mót - Trạm y tế phường Đông Hưng Thuận, quận 12 - nói đó là một đời không quên.
"Làm việc ngày đêm, không có khái niệm nghỉ, không biết ngày cuối tuần. Một vài nhân viên đã phơi nhiễm trong quá trình làm việc, nhưng nếu khi điều trị có tải lượng virus thấp thì vẫn phải đi làm vì không còn đủ nhân lực để gồng gánh", bác sĩ Mót kể.
Áp lực công việc một thì áp lực tinh thần tới mười. Ông nói rằng có những trường hợp người dân tự cách ly tại nhà, dù không có triệu chứng, chỉ số SpO2 ổn định nhưng vẫn liên tục gọi bắt nhân viên y tế xuống xét nghiệm, thăm khám cho mình.
"Khi mà mình không xuống theo yêu cầu thì họ la mắng, lớn tiếng, thậm chí hù dọa báo chủ tịch, báo Sở Y tế. Mình buồn và áp lực lắm chứ nhưng cũng phải thông cảm tâm lý khủng hoảng của người bệnh. Muốn chiến thắng dịch bệnh, hơn hết là đồng cảm và thương nhau", ông trầm ngâm.
Còn với Trạm y tế phường 5, một trong những phường đông dân nhất quận 8, hơn 40.000 dân, theo lời bác sĩ Bùi Văn Tuấn là chuỗi ngày "trăm dâu đổ đầu nhân viên y tế".
"Không có xe chuyển bệnh, bệnh viện quá tải để nhận, trạm không thể xoay xở kịp, lúc đó tất cả sự bốc đồng, bực tức của người dân đều trút lên đầu trạm y tế", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Bàn cân y đức và cuộc sống
Đã gắn bó với trạm y tế 20 năm nay, nhưng hiện nay lương của bác sĩ Tùng (trạm trưởng) chưa đến 6 triệu đồng/tháng, có điều dưỡng làm vài năm mà lương chỉ 4,2 triệu đồng/tháng. Với chế độ như thế, hầu như các nhân viên y tế còn bám trụ với nghề, với trạm đều vì đam mê, lương tâm của mình với người dân. Cũng đã có những bác sĩ nghỉ việc vì mức lương thấp, không đủ để lo cho gia đình khi họ là trụ cột chính.
Dù là trước hay trong cuộc chiến với COVID-19 thì với các bác sĩ, còn có thêm một cuộc chiến nội tâm, trên bàn cân của y đức và cơm áo gạo tiền của cuộc sống.
"Cũng có nhiều nhân viên y tế ở trạm muốn nghỉ việc vì không thể chịu được áp lực kinh tế khi đồng lương quá thấp, lương của một bác sĩ ở trạm chỉ khoảng 5-6 triệu đồng. Chi phí đó lo cho bản thân mình còn phải gói ghém, huống chi còn phải gánh gồng thêm gia đình", bác sĩ Mót bộc bạch.
Càng khó khăn hơn, đó chính là các bác sĩ trẻ được phân công, điều động về với các trạm y tế xã, phường.
Vừa về công tác tại Trạm y tế phường 4, quận 3 chưa lâu thì đợt dịch thứ 4 ập đến, giờ đây bác sĩ Nguyễn Đình Phương trở thành "trụ cột" tại phường có 20.000 dân này.
Trải qua 5 tháng dịch bệnh đầy ám ảnh, khi phải cáng đáng "trăm công nghìn việc", bản thân bác sĩ Phương và gia đình đều đã nhiễm bệnh. Giờ đây, khi dịch đã bớt căng thẳng, bác sĩ Phương lại phải tranh thủ những khoảng thời gian rảnh để làm thêm công việc tư vấn bệnh online, kiếm thêm thu nhập, bởi với mức lương hiện tại không đủ lo cho bản thân và cha mẹ già.
"Muốn có thu nhập đủ sống thì bắt buộc mình phải tìm thêm một công việc khác hỗ trợ, đó cũng là một phần áp lực đối với nhân viên y tế tuyến cơ sở. Tuy nhiên cũng không thể vì tiền lương mà xin nghỉ việc bởi đã chọn nghề này thì y đức vẫn là thứ đặt lên trên", bác sĩ Phương tâm sự.
Tại sao trạm y tế yếu và thiếu?
Trạm y tế yếu và thiếu không phải đến bây giờ mới được đưa ra mổ xẻ. Bên cạnh lý do khách quan về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, đãi ngộ... theo tìm hiểu một phần xuất phát từ việc chưa được chú trọng khai thác hết tiềm năng, và từ yếu tố "niềm tin của người dân".
Ghi nhận lúc chưa có dịch, trong khi các bệnh viện lớn ở TP.HCM quá tải triền miên thì hầu hết trạm y tế phường lại ế ẩm, có một số nơi nhân viên y tế "ngồi chơi xơi nước"; thậm chí trạm được trưng dụng cho thuê một phần làm điểm buôn bán tạp hóa, kinh doanh nhà thuốc hoặc mở phòng khám chuyên khoa.
Theo một cán bộ trạm y tế, thông tư 33 của Bộ Y tế quy định chức năng của trạm y tế là thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn. Thế nhưng trong quy định về danh mục thuốc được bán của trạm y tế phường rất eo hẹp, chỉ cho vài chục loại thuốc. Do đó người dân vừa mất công khám lại không có đủ thuốc, họ phải ra ngoài mua nên rất phiền hà.
Chị M.T.H. (ngụ TP Thủ Đức) cho biết rất hiếm khi tìm đến trạm y tế để khám do thiếu sự tin cậy. "Tôi chỉ biết đến trạm y tế sau khi cưới chồng có con. Mỗi khi tổ chức tiêm chủng cho con, gia đình có đưa con đến tiêm một vài lần nhưng sau đó chuyển qua dịch vụ tiêm chủng để đảm bảo an toàn, không gian thoải mái và được phục vụ tốt hơn" - chị H. nói.
HƯƠNG THẢO
Nguồn: https://tuoitre.vn/tram-dau-do-dau-tram-y-te-mot-nhan-vien-y-te-gong-ganh-17-000-nguoi-dan-20211123221216077.htm