TP HCM tiến hành 3 giai đoạn xét nghiệm thế nào?
(NLĐO) - TP HCM đưa ra 3 giai đoạn xét nghiệm với mục tiêu cụ thể. Cư dân "vùng xanh", "cận xanh" sẽ được xét nghiệm 2 lần, cách nhau 7 ngày; khu phong tỏa sẽ được tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa
Một trong 10 nhóm đầu việc được UBND TP HCM đưa ra thực hiện trong Kế hoạch 30 ngày chống dịch của TP là xét nghiệm để phát hiện kịp thời bệnh nhân Covid-19 nhằm điều trị hiệu quả; đồng thời thu hẹp "vùng đỏ", "vùng cam", "vùng vàng", mở rộng "vùng xanh" trên địa bàn.
Thực hiện hiệu quả đầu việc này sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện mục tiêu lớn của TP HCM là phấn đấu kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn trước 15-9 như Nghị quyết 86 của Chính phủ đề ra.
3 giai đoạn xét nghiệm
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP HCM nhấn mạnh công tác xét nghiệp phải đảm bảo tính khoa học, thiết thực, hiệu quả; có trọng tâm, trọng điểm. Việc xét nghiệm tiến hành theo 3 giai đoạn để đảm bảo hiệu quả, cân đối giữa nguồn nhân lực y tế dự phòng và điều trị, phù hợp với tổng công suất xét nghiệm hiện nay của TP.
Theo đó, từ ngày 15-8 đến 22-8: giai đoạn giải phóng vùng sạch và đánh giá nguy cơ tại các vùng có tỉ lệ nhiễm cao.
Từ ngày 23-8 đến 31-8: giai đoạn tách nguồn lây nhiễm mạnh.
Từ ngày 1-9 đến ngày 15-9: duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng.
TP HCM sẽ tiến hành xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm để kịp thời phát hiện F0 để điều trị kịp thời
Giai đoạn giải phóng vùng sạch:
Tại các vùng "xanh", "cận xanh": TP HCM sẽ thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (10), đại diện hộ gia đình tại các Tổ dân phố, Tổ nhân dân với tần suất 2 lần, cách nhau 7 ngày.
Tiêu chuẩn giải phóng vùng sạch:
+ Không có trường hợp (+) sau 2 lần xét nghiệm hoặc dương tính có Ct>30
+ Tỉ lệ tiêm chủng đạt 50% (đối tượng > 18 tuổi)
+ Có khả năng đảm bảo thực hiện giãn cách trong cộng đồng
Riêng tại các vùng "vàng": sẽ thực hiện xét nghiệm ngẫu nhiên, có trọng điểm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp (5), đại diện hộ gia đình.
Giai đoạn đánh giá vùng nguy cơ cao và rất cao (vùng "đỏ", "cam"):
Đối với các khu phong tỏa: sẽ tổ chức xét nghiệm để thu gọn phạm vi, biến khu phong tỏa thành điểm phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm gộp mẫu test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 theo hộ gia đình
+ Trường hợp dương tính, tiến hành giải gộp bằng test kháng nguyên nhanh và hướng dẫn cách ly, chăm sóc, xét nghiệm và điều trị theo quy định hiện nay.
+ Trường hợp âm tính: có thể giải phong tỏa nếu đủ điều kiện và tiếp tục theo dõi thực hiện xét nghiệm lại khi phát hiện những trường hợp có triệu chứng nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Đối với các khu vực vẫn tiếp tục phong tỏa thì tổ chức xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để tiếp tục thu hẹp thành điểm phong tỏa, tiến tới giải phong tỏa khi đủ điều kiện.
Đối với nơi ngoài khu vực khu phong tỏa:
+ Thực hiện xét nghiệm đối với người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi- rút SARS-CoV-2.
+ Tùy vào điều kiện thực tiễn, thực hiện giám sát ngẫu nhiên ở địa bàn dân cư có nhiều yếu tố nguy cơ lây nhiễm theo mẫu gộp hộ gia đình.
Giai đoạn duy trì và kiểm soát lây nhiễm trong cộng đồng:
Tiến hành giám sát, phát hiện sớm những người có triệu chứng nghi ngờ nhiễm vi-rút SARS-CoV-2 hoặc người có yếu tố nguy cơ là những người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh lý nền, người béo phì cộng với yếu tố dịch tễ (sống chung nhà với F0 hoặc có tiếp xúc với F0).
Thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR hoặc bằng test nhanh phát hiện kháng nguyên SARS-CoV-2 (nếu dương tính thì thực hiện tiếp RT-PCR trong khi xử lý như một trường hợp nghi nhiễm).
Lãnh đạo TP HCM thị sát "vùng xanh" trên địa bàn TP
Đối với các đơn vị đang được phép hoạt động ở một số lĩnh vực có tiếp xúc nhiều như: y tế, quân đội, công an, nhà máy, doanh nghiệp, giao hàng (shipper)..., ngoài những biện pháp phòng chống dịch như quy định hoặc hướng dẫn của các cơ quan chức năng, cần chủ động xây dựng kế hoạch giám sát bằng xét nghiệm (test kháng nguyên nhanh hoặc RT-PCR) đối với nhân viên của đơn vị mình định kỳ mỗi 7 ngày.
Đối với các trường hợp dương tính không có triệu chứng, xác định bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh, được phát hiện ở cộng đồng: tổ chức cho cách ly, chăm sóc, theo dõi tại nhà theo hướng dẫn của ngành y tế. Nếu những trường hợp này có triệu chứng hoặc có các yếu tố nguy cơ (như mắc các bệnh nền, béo phì hoặc ở trong khu dân cư có nguy cơ lây lan cao) thì cho chuyển đến các cơ sở điều trị để được theo dõi và xử lý kịp thời những diễn biến nặng.
Trung tâm Điều phối xét nghiệm TP HCM phối hợp triển khai các hoạt động, tổ chức kiểm tra, giám sát. Sở Y tế ban hành các hướng dẫn cụ thể về chuyên môn; tổ chức triển khai, kiểm tra, giám sát và báo cáo kết quả hoạt động của các địa phương.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức đánh giá mức nguy cơ của các Tổ dân phố, Tổ nhân dân, xác định các khu phong tỏa để chủ động thực hiện việc xét nghiệm; tổ chức lực lượng đảm bảo mục tiêu, giải pháp thực hiện việc lấy mẫu, nhập liệu, giao mẫu xét nghiệm đạt hiệu quả tốt nhất.
Bài: Phan Anh; Ảnh: TL
Nguồn: https://nld.com.vn/suc-khoe/tp-hcm-tien-hanh-3-giai-doan-xet-nghiem-the-nao-20210818083743964.htm