NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Thành bại của một nền thể thao

on .

TTCT - Khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV Olympic 2016, tôi không cho rằng đó là một thành công rực rỡ của thể thao VN. Và bây giờ, thể thao VN rời Tokyo tay trắng, tôi nghĩ cũng không nên cho rằng đó là một thất bại! Bởi chúng ta đừng xét sự thành bại của một nền thể thao quốc gia chỉ dựa trên số lượng huy chương tại các kỳ đại hội.

Những người quan tâm đến thể thao đã tranh luận khá gay gắt xung quanh việc thể thao VN trắng tay tại Olympic Tokyo. 

 

Ánh Viên. Ảnh: Vietnamplus

 

Có tờ báo đã giật tít “Ánh Viên về bét vòng loại”. Những người yêu thương các VĐV thì dẫn lại một câu nói nổi tiếng, đại ý khi bạn không sát cánh cùng chúng tôi lúc thất bại thì xin đừng có mặt bên chúng tôi lúc vinh quang. 

Quả thực, xét về mặt tình cảm, nghe có chút bạc bẽo khi mới ngày nào sểnh ra là “cô gái vàng”, là “tiểu tiên cá”, còn giờ đây thì dùng từ “bét”. 

Nếu Ánh Viên kiêu căng, lười biếng tập luyện trong khi ngân sách lấy từ thuế của dân để đầu tư cho cô cả núi tiền thì nói thế hiểu được. Nhưng thực tế ra sao: cả năm nay cô gần như tập luyện một mình ở Trung tâm HLTT quốc gia 2 (Thủ Đức, TP.HCM). 

Ai cũng thấy những gì Ánh Viên đạt được là nhờ chuyến đi Mỹ tập huấn dài hạn cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Sau thành công rực rỡ ở đấu trường SEA Games, hai thầy trò có rạn nứt, dẫn đến việc chấm dứt chuyện đi Mỹ. 

Lãnh đạo ngành thể thao chỉ làm một việc: đưa Ánh Viên về Thủ Đức tập một mình ở đó. Chỉ cần nhìn thực đơn dinh dưỡng hằng ngày của Ánh Viên tại Trung tâm 2, đã có thể dự đoán được thành tích của cô hầu như chắc chắn sẽ đi xuống.

Ngay giám đốc Trung tâm 2 Võ Quốc Thắng cũng nhìn nhận “không thể nào bằng được như hồi Ánh Viên ở Mỹ”. 

Rồi chưa kể, người ta bắt Ánh Viên càn quét huy chương cho đơn vị ở các giải trong nước - một điều vô cùng phản khoa học nhưng vẫn cứ diễn ra. Báo chí lên tiếng về việc này thì nhận được lời giải thích nhẹ tênh: Cô ấy phải có trách nhiệm mang thành tích về cho đơn vị chủ quản!

Thể thao VN chọn thành tích là thước đo quan trọng nhất, thế nên mới đi theo hướng của Trung Quốc, là “nuôi gà chọi”. 

Nhưng muốn “nuôi gà chọi” thành công thì đòi hỏi đầu tư từ nhà nước phải lớn và hiệu quả, đội ngũ huấn luyện viên phải giỏi. Cả hai điều ấy, thể thao VN đều thiếu trầm trọng. Ngân sách nhà nước dành cho thể thao luôn rất thấp. Sáp nhập thể thao vào với văn hóa và du lịch thì tiếng nói của thể thao luôn yếu nhất.

Thích thành tích nhưng không đầu tư lớn, bài toán này ai giải cho nổi?

Khi nhiều bạn đọc phàn nàn chuyện một số phóng viên giật tít, viết bài theo kiểu bỉ bôi các VĐV thi đấu không thành công tại Tokyo, tôi lại nghĩ khác. 

Không nên trách các phóng viên ấy, vì họ cũng là kết quả của một nền giáo dục quá trọng thành tích. Giáo dục ở đây không chỉ trong nhà trường mà bao gồm cả gia đình lẫn xã hội.

Trong gia đình, các bậc cha mẹ đánh giá chuyện học tập của con mình qua thước đo nào, nếu không phải chủ yếu qua điểm số, thứ hạng? 

Ở trường học, vì thành tích, thầy cô bắt học sinh chép văn mẫu. Trong xã hội, làm thì có thể không ra gì, nhưng dứt khoát báo cáo phải giỏi... Trong một xã hội chuộng thành tích như vậy thì việc hành xử kiểu “thắng thì ca, thua thì mắng” là điều tất diễn ra.

Trong những ngày diễn ra Olympic Tokyo, hẳn những người xem đều nhận thấy VĐV nhiều nước phát triển đã đến với Olympic một cách rất hồn nhiên, chuyên nghiệp. 

Nhìn cảnh các VĐV thể dục dụng cụ Mỹ vừa thua đội Nga trong chung kết đồng đội, đã chạy đến ôm chúc mừng đối thủ với những nụ cười không hề gượng gạo, sẽ thấy đó là thể thao đích thực. 

Năm 2016, thể dục dụng cụ Mỹ thành công vang dội về số lượng huy chương, nhưng không lâu sau đó, chính người Mỹ cho rằng thể dục dụng cụ của họ đã thất bại khi bị báo chí phanh phui vụ lạm dụng tình dục.

Tại Olympic Tokyo, khi siêu sao thể dục dụng cụ Mỹ Simone Biles rút lui giữa chừng ở trận chung kết đồng đội với lý do cô thấy không thoải mái, không thể làm những điều mà bản thân không muốn, dù cả thế giới mong mỏi, đáp lại quyết định bất ngờ này của Biles, từ chủ tịch Ủy ban Olympic Mỹ đến người phát ngôn Nhà Trắng đều thể hiện sự tôn trọng, hoan nghênh quyết định đó. Nếu đó là một vận động viên người Việt thì sao?

Có nhiều huy chương SEA Games, Asiad, Olympic cũng chưa thể gọi đó là một nền thể thao thành công, nếu nó không truyền cảm hứng vào xã hội, không tôn vinh được những giá trị con người. 

Nếu học sinh vẫn thiếu sân chơi thể thao trầm trọng, trẻ em suy dinh dưỡng và béo phì vẫn còn rất nhiều; tử vong do đột quỵ, tim mạch vẫn tăng vì người dân ít rèn luyện... thì HCV Olympic để mà làm gì?

Theo Tuổi Trẻ - Cuối tuần

Nguồn: https://cuoituan.tuoitre.vn/van-hoa-giai-tri/thanh-bai-cua-mot-nen-the-thao-1596729.html