Tiêm vắc xin nhanh hơn, công nhân Bình Dương an tâm
Sau khi tình trạng vắc xin nằm trong kho dù người dân đang 'khát' được phản ánh, việc tiếp cận vắc xin của công nhân và doanh nghiệp đã thuận lợi hơn nhờ có sự tham gia hỗ trợ của hệ thống y tế tư nhân.
Nhiều công nhân và doanh nghiệp đang ở "tuyến đầu sản xuất" tại các đơn vị thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" chia sẻ sự vui mừng và an tâm sau khi được tiêm vắc xin.
Công nhân và người lao động xếp hàng tiêm vắc xin tại Nhà văn hóa An Phú, TP Thuận An - Ảnh: BÁ SƠN
An tâm
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 7-8, nhiều điểm tiêm vắc xin trong khu công nghiệp và các khu vực đông công nhân tiếp tục được triển khai. Trong đó có các điểm tiêm tại TP Thuận An, Dĩ An... gồm 50.000 liều do Công ty cổ phần Vắc xin Việt Nam (VNVC) thực hiện.
Cách làm của Bình Dương đã linh hoạt hơn, trong đó chi phí hỗ trợ cho đơn vị tiêm chủng VNVC được "xã hội hóa" do một tập đoàn giày da tài trợ, Nhà nước và người lao động không phải trả chi phí này.
Tại các điểm tiêm như Nhà văn hóa An Phú (phường An Phú), Khu công nghiệp Việt Hương... từ sáng sớm đã có hàng ngàn công nhân tới để tiêm vắc xin, danh sách được các cơ quan chức năng cung cấp. Tại mỗi điểm tiêm, đều có cảnh sát cơ động và bảo vệ được tăng cường để giữ gìn trật tự và làm tốt công tác phòng chống dịch.
Anh Hồ Viết Cửu (công nhân công ty tại phường An Phú, TP Thuận An) cho biết anh trông chờ được tiêm vắc xin từ nhiều tháng nay. Công ty của anh tổ chức sản xuất "3 tại chỗ" nên khi được tiêm vắc xin, anh vừa an tâm sản xuất, vừa vui vì người lao động như mình đã được quan tâm.
Chị Bùi Thị Hà, vui vẻ cầm phiếu xác nhận tiêm chủng, cho biết do vừa tiêm xong, không biết có tác dụng phụ như thế nào nhưng được tiêm rồi thì chị cảm thấy an tâm hơn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp hiện nay.
"Tối qua khi nhận tin mai sẽ được tiêm vắc xin, tôi vừa mừng vừa hồi hộp. Sáng nay tôi đã đến rất sớm để xếp hàng" - chị Phạm Thị Kim Loan, nhân viên một công ty bưu chính vận chuyển hàng hóa, chia sẻ.
Chị Kim Loan cho biết đặc thù công việc của chị phải tiếp xúc rất nhiều khách hàng, lại làm việc liên tục ngay cả trong thời gian giãn cách nên chị và các đồng nghiệp rất hồi hộp, nhưng nay được tiêm vắc xin đã giúp chị yên tâm hơn rất nhiều.
Đại diện công đoàn một công ty có công nhân được tiêm vắc xin đợt này chia sẻ việc tiếp cận được vắc xin đã giúp giảm áp lực rất nhiều cho các doanh nghiệp và người lao động.
Ông cho biết so với thiệt hại xảy ra nếu có dịch sẽ rất lớn thì chi phí tiêm vắc xin nhỏ hơn nhiều. Vì vậy, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí, nhưng rất cần cơ chế và nguồn phân bổ vắc xin, điều phối của Nhà nước.
Để đảm bảo tiến độ của chiến dịch, VNVC cho biết đã huy động 300 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hỗ trợ (quản lý, quản lý chất lượng, kho vận, chăm sóc khách hàng, IT...) từ nhiều địa phương, bao gồm cả lực lượng dự bị của VNVC vốn đã nghỉ việc khi dịch bùng phát.
Trong chiều 4-8, 60 đội tiêm của đơn vị đã về Bình Dương, sẵn sàng cho chiến dịch quy mô tiêm chủng vắc xin COVID-19 của tỉnh.
Ông Bùi Kim Khánh - giám đốc toàn quốc Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết: "Chúng tôi có lợi thế về hệ thống lớn gần 60 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, trong đó có 25 trung tâm ở miền Nam.
Vì vậy, chúng tôi có sẵn quy trình an toàn tiêm chủng đảm bảo việc tiêm lưu động với số lượng lớn, dễ dàng điều động, tăng cường nhân sự cho các địa phương. Tất cả bác sĩ, nhân viên đều rất nhiệt thành khi tham gia chiến dịch, dù phải xa nhà, đi vào vùng dịch với nhiều nguy cơ lây nhiễm".
Dưới sự chấp thuận và hỗ trợ của Sở Y tế Bình Dương, doanh nghiệp TBS đã đề nghị VNVC tham gia chiến dịch này bởi đánh giá cao về năng lực triển khai tiêm chủng an toàn, nhanh chóng, giúp chiến dịch tiêm chủng lần này có thêm một lực lượng tinh nhuệ, đảm nhiệm số lượng lớn mũi tiêm, giúp người lao động của các doanh nghiệp như TBS khẩn trương được tiêm ngừa, đảm bảo yên tâm sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng cho các đối tác quan trọng.
Đồng thời, địa phương cũng giảm gánh nặng trong việc triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có, giảm áp lực cho đội ngũ y tế công đang đảm nhiệm trọng trách điều trị bệnh nhân COVID-19 với số ca tăng nhanh từng ngày.
Sau 3 ngày, VNVC thực hiện được 50.000 mũi tiêm, lực lượng tiếp tục sẵn sàng cho các chiến dịch sau.
Tốc độ tiêm vắc xin đã được đẩy nhanh và mở rộng nhiều đối tượng do có nhiều bàn tiêm hơn - Ảnh: BÁ SƠN
Mở rộng xã hội hóa
Ông Bùi Minh Trí - trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương - cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, ban đang phối hợp với các doanh nghiệp và chủ đầu tư hạ tầng của các khu công nghiệp để triển khai nhanh tiến độ tiêm vắc xin. Cách làm cũng sẽ theo hình thức xã hội hóa.
Theo đó, Nhà nước sẽ phân bổ vắc xin, phê duyệt đối tượng, giám sát quá trình tiêm... Còn địa điểm, nhân sự tiêm và chi phí phát sinh sẽ do doanh nghiệp hỗ trợ (không thu của người lao động).
Trong ngày 7-8, hàng ngàn công nhân tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 (TP Thủ Dầu Một) đã bắt đầu được tiêm vắc xin và các khu công nghiệp khác trên địa bàn tỉnh cũng đã lên kế hoạch, sẽ tiêm ngay khi nhận được vắc xin theo điều phối của tỉnh Bình Dương.
Theo đề xuất mới nhất của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tổng cộng hơn 412.000 liều vắc xin sẽ được tiêm trong vòng khoảng 10 ngày, đảm bảo xong trước 15-8. Số điểm tiêm đã được mở rộng so với trước, không chỉ tại các cơ sở y tế công lập mà tổ chức tiêm ngay tại các khu công nghiệp, các trạm y tế phường và các điểm tiêm lưu động.
Nhờ đa dạng hình thức tiêm, từ việc chỉ tiêm được 2.000 - 5.000 liều/ngày, tới nay công suất tiêm đã tăng lên gấp nhiều lần, tới hàng chục ngàn liều/ngày. Tính hết ngày 6-8, Bình Dương đã tiêm được 143.000 liều vắc xin.
BÁ SƠN - MINH HUỲNH
Nguồn: https://tuoitre.vn/tiem-vac-xin-nhanh-hon-cong-nhan-binh-duong-an-tam-20210807234232687.htm