NGÀNH CNTT TUYỂN SINH NHIỀU CHỈ TIÊU NGÀNH CNTT, CNTT VIỆT NHẬT VÀ KHOA HỌC DỮ LIỆU

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều

on .

TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh, trả lời phỏng vấn Báo Người Lao Động về những giải pháp cần làm ngay trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở TP HCM và cả nước; cũng như kinh nghiệm vừa chống dịch vừa duy trì nền kinh tế từ Anh Quốc.

- Phóng viên: TP HCM và nhiều địa phương trên cả nước đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng chống dịch Covid-19 nhưng đến nay, số ca nhiễm mới vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ông nhận định gì về giải pháp này và những vấn đề cần cải thiện để cuộc chiến với Covid-19 sớm đạt hiệu quả?

TS Hồ Quốc Tuấn: Tôi cho rằng chủ trương áp dụng Chỉ thị 16 là hợp lý. Bởi, điều kiện xã hội cũng như rủi ro quá tải hệ thống y tế của Việt Nam. Bởi, chủng virus Delta có độ lây nhiễm cao và đã có ca nhiễm cộng đồng nên phải cần thời gian để truy vết, kiểm soát số ca bệnh.

 

Điều mà TP HCM và cả nước cần làm lúc này là bảo đảm cho sinh kế người dân để họ yên tâm thực hiện Chỉ thị 16. Chúng ta cần xác định rằng có thể sẽ mất nhiều tuần để số ca bệnh giảm về mức an toàn, và thậm chí sau đó rủi ro bùng phát dịch trở lại vẫn hiện hữu và vẫn phải áp dụng một mức giãn cách xã hội nhất định (dù nới lỏng hơn) trong một thời gian dài sau đó. Vì vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội.

Muốn như vậy, nhu cầu thiết yếu của người dân phải được đáp ứng đầy đủ; những người lâm vào khó khăn phải được hỗ trợ cấp thiết.

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (bìa phải) làm việc tại TP HCM sáng 26-6

 

Để giảm mạnh số ca cần nhập viện nhằm giảm tải cho hệ thống y tế thì vắc-xin là con đường hiệu quả. Các số liệu gần đây của Anh Quốc cho thấy nhiều hoạt động kinh tế - xã hội đã quay trở lại ở mức 75%-90%, thậm chí vượt thời điểm tiền Covid-19 (tháng 2-2020), nhưng số ca bệnh đã có dấu hiệu tạo đỉnh và giảm hơn 50% trong hơn một tuần qua. Điều này là bằng chứng bước đầu cho thấy hiệu quả của vắc-xin (dù là Astrazeneca, Pfizer, hay Moderna...) trong việc giảm thiểu tỉ lệ bệnh nặng phải nhập viện. Vì vậy cần đẩy nhanh tiêm vắc-xin.

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên (bìa trái) thăm hỏi và lắng nghe nguyện vọng người dân quận Bình Tân

Phong tỏa, giãn cách xã hội kéo dài có thể làm gia tăng số ca tử vong bất thường vì người mắc các bệnh khác sẽ không được chăm sóc y tế, hỗ trợ lương thực… Vậy, giải pháp trong tình huống này là gì?

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 3.

+ Thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ trong điều kiện của Việt Nam là giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm rằng trong điều kiện đó thì người dân vẫn được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.

Nói một cách khác, người dân phải bảo đảm được sinh kế, được tiếp cận chăm sóc y tế thì họ mới yên tâm ở nhà giãn cách xã hội. Còn nếu như thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tới mức làm đứt gãy các hoạt động thiết yếu, làm người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết, thiếu thốn lương thực… thì họ sẽ bất an và khó tránh khỏi tình trạng phá vỡ các quy định giãn cách xã hội để tự tìm cách giải quyết nhu cầu cấp thiết của mình.

Vì vậy, giảm bớt những khó khăn của người dân do giãn cách xã hội quá chặt thật ra lại chính là cách tốt nhất để bảo đảm việc thực hiện Chỉ thị 16 ở TP HCM thành công.

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 4.

- Vậy theo ông, những nhóm đối tượng nào cần được hỗ trợ khẩn cấp để không gặp rủi ro, nguy cơ không chỉ vì dịch mà còn vì sinh kế hàng ngày…?

+ Nhóm người có thu nhập thấp, người lao động bị mất việc hay bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh, người già không có người chăm sóc và những người có bệnh nền cần đặc biệt được chú ý. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, họ phải gánh rủi ro sức khỏe và an nguy sinh mệnh, từ đó buộc phải "phá rào" để mưu sinh. Khi đó sự thành công của giãn cách xã hội bị đe dọa.

- Là người đang giảng dạy ở Anh, theo ông kinh nghiệm chống dịch ở nước Anh thời gian qua và những giải pháp nào có thể áp dụng vào thực tế tình hình hiện tại ở TP HCM nói riêng, cả nước nói chung?

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 5.

+ Ở Anh sau những sai lầm ban đầu vì chống dịch có phần lơi lỏng thì đã thực hiện 3 giai đoạn phong tỏa nền kinh tế từ tháng 4-2020 đến tháng 4-2021, sau đó vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đến tận 19-7-2021. Vì vậy, về cơ bản, nước Anh vẫn thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là những dịch vụ thiết yếu như cung cấp dịch vụ thức ăn mang về, sản xuất, kinh doanh thiết yếu như siêu thị, ngân hàng, hoạt động logistics, vẫn được vận hành. Thật ra khi các hoạt động này còn được vận hành, người dân ở nhà có thể yên tâm được giao hàng tận nơi thì họ sẽ hạn chế ra đường, đến những điểm công cộng, giảm thiểu rủi ro tiếp xúc với người có bệnh.

Kinh nghiệm thứ 2 quan trọng là nước Anh đã thực hiện tiêm vắc-xin trên diện rộng. Khoảng 70% người Anh đã tiêm một mũi vắc-xin và hơn 56% đã tiêm đủ 2 mũi. Điều này tạo điều kiện cho Chính phủ Anh gỡ bỏ hầu như tất cả các biện pháp phong tỏa vào ngày 19-7, mà truyền thông Anh gọi là ngày tự do.

Sau khi gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội, mặc dù ban đầu số ca bệnh có tăng lên gần 60.000 ca/ngày, nhưng sau đó đã giảm khoảng một nửa. Quan trọng là số người tử vong ở mức rất thấp và số nhập viện trong tầm kiểm soát của ngành y tế.

Hiện người Anh vẫn còn thận trọng trong đánh giá tác động từ việc mở cửa các hộp đêm và việc học sinh bắt đầu nghỉ học và các gia đình đi nghỉ hè, nhưng nhìn chung mọi hoạt động đã trở lại bình thường 75%-90% theo số liệu hoạt động cộng đồng của Google, trong khi số ca bệnh đang giảm. Hy vọng lần này, "ván cược" của Chính phủ Anh sẽ thành công với sự trợ giúp của vắc-xin.

Điều này cho thấy, đường lối chống dịch của Việt Nam là phù hợp, kết hợp giãn cách xã hội với tiêm vắc-xin cho người dân. Tuy nhiên, điểm yếu của Việt Nam là số lượng vắc-xin thiếu. Do đó cần phải tăng hỗ trợ sinh kế cho người dân trong thời gian chờ đợi được tiêm vắc-xin đủ lớn để miễn dịch cộng đồng, để có thể mở cửa trở lại nền kinh tế như Anh Quốc.

- Dưới góc nhìn của ông, những giải pháp nào có thể áp dụng để vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế, gọi là "mục tiêu kép" mà Việt Nam đang thực hiện?

+ Muốn vừa chống dịch vừa duy trì kinh tế thì bắt buộc phải chấp nhận 3 quan điểm:

Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 6.
Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 7.
Hiến kế chống dịch Covid-19: “Mục tiêu kép” phải chấp nhận 3 điều - Ảnh 8.

Nếu chấp nhận ba quan điểm này, chúng ta sẽ đi đến kết luận là cần có một gói hỗ trợ kinh tế toàn diện với từng gói hỗ trợ khác nhau cho từng nhóm doanh nghiệp. Cụ thể:

 

Những doanh nghiệp không thiết yếu nhưng không đủ khả năng sản xuất an toàn thì cho dừng hoạt động nhưng được hỗ trợ chi phí trả lương nhân viên trong giai đoạn nghỉ giãn việc để họ có thể tái sản xuất trở lại ngay khi số ca bệnh giảm mạnh.

Những doanh nghiệp còn có thể sản xuất an toàn và thiết yếu thì tiếp tục cho hoạt động nhưng nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ, vì chi phí thực hiện sản xuất "ba tại chỗ" vô cùng lớn. Và nếu có thể, nên lắng nghe doanh nghiệp, cần tìm một giải pháp khác ít tốn kém hơn cho đến khi nhân viên trực tiếp sản xuất của công ty có thể được tiêm vắc-xin.

Kết hợp với gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh như đề cập ở trên và kế hoạch chi tiêu công thiết yếu trong chiến lược kinh tế xã hội dài hạn của chính phủ thì đây là một chương trình chi tiêu toàn diện, nhắm vào 3 mặt: một là sinh kế của người dân; hai là bảo đảm doanh nghiệp được hỗ trợ để tồn tại; ba là tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và những ngành có triển vọng (như các ngành năng lượng thay thế, công nghệ sinh học, vắc-xin, và chuyển đổi số).

- Ở những quốc gia có tiềm lực kinh tế thì đơn giản. Với Việt Nam, theo ông nguồn kinh phí ở đâu để thực hiện những gói hỗ trợ này nhanh nhất, khả thi nhất?

+ Trong các gói hỗ trợ, 2 gói chi tiêu hỗ trợ sinh kế và doanh nghiệp là những gói chi có tính chiến thuật để đối phó với dịch bệnh cần phải được triển khai nhanh nhất và thực chất. Đối với doanh nghiệp, số tiền này phải là những khoản chi trực tiếp, có thể thông qua giảm chi phí điện, nước, hay trực tiếp hỗ trợ chi lương cho nhân công thay vì chỉ miễn giảm thuế. Đối với người dân, tiền mặt cần phải đến được với họ nhanh nhất. Khâu thực thi là cực kỳ quan trọng.

Cuối cùng, cần nhận ra là với nhiều khó khăn hiện tại, không có giải pháp tốt nhất cho Việt Nam mà chỉ có giải pháp gần tốt, nghĩa là phải đánh đổi một cái gì khác. Việt Nam không thể kiên trì mục tiêu kép chống dịch và tăng trưởng kinh tế mà không có trả giá.

Cái giá thấp nhất có thể là tăng vay nợ qua phát hành trái phiếu chính phủ ở thị trường nội địa và quốc tế để đẩy mạnh chi tiêu công nhằm giảm nhẹ tác động của giãn cách xã hội trong lúc chờ đợi vắc-xin được tiêm rộng rãi.

Trong lúc lãi suất toàn cầu đang thấp kỷ lục, tăng vay nợ lúc này là ít rủi ro nhất. Nhiều quốc gia đã chi bất thường 20%-40% GDP để hỗ trợ kinh tế trong dịch, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể chi ra 3%-5% GDP. Chỉ 3%-5% GDP thôi cũng đã cao hơn rất nhiều gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng hiện đang triển khai để hỗ trợ kinh tế.

Quan trọng, nếu tiền vay về mà chi trực tiếp vào tay người dân thì không lo người dân không ủng hộ.