Bên cạnh clip dùng búp bê xin học giỏi gây dậy sóng dư luận của Thơ Nguyễn, còn rất nhiều clip mang nội dung độc hại khác đang tràn lan trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Không gian mạng xã hội là một kho tri thức bao la nhưng cũng là một cái "chợ đầy rác".

Kiểm soát nội dung chặt chẽ

Hiện nay, những clip có nội dung như Heo Peppa Pig thử thách treo cổ, cầm dao hoặc Spiderman & Elsa có những hành động phản cảm, tự tử theo Momo... có rất nhiều trên YouTube, trẻ dễ dàng tìm kiếm. Những nội dung độc hại này đều lựa chọn các nhân vật hoạt hình được nhiều em nhỏ yêu mến.

Thoạt nhìn, phụ huynh sẽ nghĩ rằng con mình đang xem hoạt hình, nhưng thực chất những clip mang nội dung độc hại như bạo lực, nhạy cảm, chửi tục… trẻ dễ làm theo dẫn đến hậu quả khó lường, thậm chí là tự tử.

 

Ở độ tuổi mầm non, tiểu học, các em không thể phân biệt được clip đó mang tính giáo dục hay không giáo dục. Các em xem vì thích những thứ màu mè, mới lạ, mang hình tượng mình yêu quý như công chúa, siêu nhân, anh hùng…

Bảo vệ trẻ trước nội dung độc hại trên YouTube - Ảnh 1.

Những nội dung độc hại tràn lan trên nền tảng YouTube. (Ảnh cắt từ clip)

Anh Đỗ Ngọc Lâm (quận 5, TP HCM) hiện đang có hai con ở độ tuổi tiểu học và mầm non cho rằng thực tế nhiều ba mẹ đưa cho con chiếc điện thoại thông minh mà không quan tâm con xem gì trên YouTube, Tiktok, Facebook. Vì không kiểm soát được nội dung nên không thể biết con bị tiêm nhiễm những thứ độc hại vào đầu từ khi nào.

"Khi giao thiết bị có kết nối internet cho con trẻ, cha mẹ cần tìm cách kiểm soát nội dung, nghiêm cấm xem các kênh không được phép. Cài đặt chế độ lọc nội dung trong YouTube, vô hiệu hóa tính năng gợi ý các video, tắt tính năng tìm kiếm" - anh Lâm chia sẻ.

Đồng quan điểm, chị Trần Thị Nhật Linh (quận Bình Thạnh, TP HCM) chỉ cho con xem trên YouTube Kids, đăng ký tài khoản theo độ tuổi cho con để lọc ra những nội dung phù hợp. Chị cũng giám sát thời gian xem của con bằng phần mềm Family link.

 

Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho biết ở độ tuổi THCS-THPT, học sinh đã bắt đầu nhận thức được, biết cách lựa chọn thông tin. Nhà trường cần có những buổi sinh hoạt cách sử dụng mạng xã hội để học sinh tiếp cận kiến thức tích cực, hướng dẫn học sinh sử dụng mạng xã hội một cách có hiệu quả cho mục đích học tập, truy tìm các kiến thức hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học. Cha mẹ cũng phải giáo dục con mình hằng ngày, nhắc nhở con em mình không tương tác với những thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm duyệt, thông tin làm nhục, bêu xấu một ai đó hay một tổ chức.

"Giáo dục luật an ninh mạng là hết sức cần thiết và phải làm ngay, làm thường xuyên, phải áp dụng hình thức kỷ luật mạnh để đủ sức răn đe cho các hành vi vi phạm với các em học sinh" - thầy Phú nhấn mạnh.

Có quy định khi sử dụng internet

Theo chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên, cha mẹ phải đặt ra giới hạn cho trẻ, thiết lập nội quy được sử dụng internet một ngày bao nhiêu giờ. Khi đặt ra nội quy, phụ huynh phải nghiêm khắc thực hiện với trẻ, không nuông chiều, nếu trẻ sử dụng nhiều hơn số giờ quy định sẽ bị phạt hoặc trừ vào hạn mức của lần sử dụng sau.

Bên cạnh đó, để hạn chế giờ sử dụng của trẻ, phụ huynh có thể thực hiện những thủ thuật như khi sử dụng phải mang ra không gian công cộng, nơi có nhiều người như ba mẹ, ông bà, cô dì, chú bác, không sử dụng ở phòng riêng. Có thể đặt máy tính, iPad trên bục cao ngang ngực người lớn, khi trẻ muốn sử dụng, buộc phải đứng, như vậy sẽ giảm giờ dùng internet của trẻ trong vô thức vì không thể đứng được lâu. Không tạo điều kiện chỗ ngồi thoải mái để trẻ sử dụng thiết bị kết nối internet.

Anh Phạm Thanh Giang (quận Gò Vấp, TP HCM) cho hay nên cho trẻ xem tivi kết nối internet để mở những chương trình trẻ em và ba mẹ có thể kiểm soát được. Không được dùng điện thoại, máy tính bảng. Đồng thời, phải tập cho trẻ tính không được đòi hỏi, chỉ được phép làm những gì ba mẹ đồng ý. Đặt ra khuôn giờ cố định, từ 17 giờ sẽ cho con xem chương trình thiếu nhi đến 18 giờ 30 phút, đến 19 giờ cả nhà cùng xem thời sự. 

Cha mẹ phải chủ động bảo vệ con

Chuyên gia giáo dục Bùi Khánh Nguyên cho biết hầu hết những nền tảng mạng xã hội đều được cung cấp bởi các hãng phương Tây. Cách tiếp cận của họ là tự do thông tin, người sử dụng phải tự bảo vệ mình. Nhưng nhiều phụ huynh ở nước ta luôn nghĩ rằng sẽ có ai đó bảo vệ, chọn lọc thông tin cho con em, dẫn đến không kiểm soát được nội dung trẻ tiếp cận. Vì vậy, chính cha mẹ, nhà trường cần quan tâm, giám sát trẻ nhiều hơn khi các em sử dụng các nền tảng, đừng chủ quan nghĩ có cơ quan nào kiểm duyệt được tất cả những nội dung.

Nguyễn Thuận

Nguồn: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bao-ve-tre-truoc-noi-dung-doc-hai-tren-youtube-2021031321400036.htm