TÂM HOA TRỔ THIÊN LƯƠNG
Trong tác phẩm Thú chơi sách, học giả Vương Hồng Sển cho biết: “Năm 1941, tôi làm thơ ký nơi Dinh Thống đốc Nam Kỳ, tôi có một bạn đồng liêu là Bùi Văn Hai được đi Hà Nội học bổ túc về khoa gìn giữ thư viện (archiviste). Có tin thi sĩ Tản Đà từ trần, nhờ đến cụ bà Nguyễn Khắc Hiếu xin vài kỷ niệm của thi sĩ, thì bà cụ rất sẵn lòng”. Lá thư trả lời ngày 22 Novembre 1941 của bạn cụ Sển, nay đọc lại, tự dưng tôi lại liên tưởng đến một nhà thơ ở đất Bình Dương: Lê Hưng VKD, tịnh danh lhvkd.
Tại sao thế?
Không liên tưởng sao được khi trong thư có đoạn thuật lại câu nói của vợ nhà thơ Tản Đà nhận xét về chồng: “Ông sẽ làm nhiều loại về tiểu thuyết v.v… nữa nếu ông còn vì bao giờ trong lòng ông vẫn có thơ văn muốn thì có”. Rõ ràng, đây là phẩm chất của người viết chuyên nghiệp, tất nhiên cũng cần phải có tài năng thì bất kỳ lúc vào cũng có thể viết.
Từ lâu nay, có cơ may lẫn cơ duyên được “kết bạn” sáng tác văn nghệ với nhà thơ, nhà giáo, lương y, nhà nghiên cứu Lê Hưng VKD, tôi nhận thấy ông cũng là một mẫu người như thế. Là một cảm hứng hết sức giồi dào, mạch chảy của thi hứng tưởng chừng bất tận, có thể viết đều đặn mỗi ngày, ông đã chạm đến đề tài khác nhau và phóng bút ở nhiều thể loại. Sức viết ấy, khi con người ta đã ngoài 80 thì lại càng quý và hiếm.
Thời trai trẻ, như nhiều người viết khác, ồ, ai cũng thế thôi, đó là lúc thi nhân viết về tình yêu đôi lứa thì nay không còn trẻ nữa, ông đã hướng một thế giới khác: Tâm linh, Tôn giáo, Siêu hình... Để từ đó, ông quán niệm, suy ngẫm bằng thơ - là thơ là vần điệu là câu chữ nhưng ám ảnh trong đó, triết lý trong đó là nhằm đạt đến thấu cảm về Lẽ sống, về sự Vĩnh cữu, về Sắc Không của Đời. Tôi nghĩ đó là thpơ của một người khi đã đến một độ tuổi nào đó, đã “đạt đạo” thì mới có thể.
Với tập thơ "Đóa mẫu đơn trên môi" đã viết và đang viết là mạch cảm xúc mà nhà thơ Lê Hưng VKD từng ngày ngao du cùng nàng thơ, kể ra, trong mỗi ngày cỏn giữ được cảm xúc ấy thật kỳ diệu và hoan hỉ cho chính mình và cho bao người khác. Ở đây là những suy ngẫm thú vị, thí dụ trước đây, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã từng viết những câu tự nhắc nhở cho mình và cho người về cách thở:
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm, chậm, sâu, đều
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được
Với Lê Hưng VKD cũng là thở/ tập thở nhưng lại là một khái quát:
ÂM hít vào là "nhận"
DƯƠNG thở ra là "cho"
Vòng xoay tạo khỏe khoắn
Tâm hồn nhẹ như... THƠ !
.
Hít vào sâu, chậm rãi
Thêm việc phình bụng lên
Rồi thót nhanh bụng lại
Thở ra: quán chiếu "thiền"
Không ai thay Ta thở
Không ai thay Ta thiền
Âm Dương là thế đó
Nhờ Âm Dương đắc DUYÊN
Đây là một trong những bài thơ tạo ra ấn tượng khó quên. Rồi, trong cuộc sống này, há ai lại không từng nghe đến lời dạy của người xưa: “Nhẫn nhất thời phong bình lãng tĩnh, thoái nhất bước hải khoát thiên không” (Nhẫn một lúc thì sóng yên bể lặng, lùi một bước sẽ thấy biển rộng trời cao). Ngẫm ra lời dạy này thời nào cũng đúng và càng có ý nghĩa hơn trong tốc độ sống, nhịp sống của thời đại thế giởi phẳng. Nay trong suy ngẫm ngày, nhà thơ Lê Hưng VKD nhìn lại và diễn đạt bằng thể loại thơ bảy chữ, bốn khổ thơ:
Cứ bình tĩnh, dù đường đi chưa tới
Hành giả ơi, áo đã đẫm mồ hôi
Chân thấp chân cao, bóng chiều le lói
Đêm ngủ ngồi, rồi lặng ngắm sao rơi
Cứ bình tĩnh, trên cọc đời tạm trú
Hành giả ơi, chim bói cá tinh ma
Bầy ác điểu chờ thời cơ... gây sự
Đừng quan tâm, không bỏ áo cà sa
Cứ bình tĩnh, quên miệng người tán thán
Hành giả ơi, buông bỏ hết khen, chê
Lời ong tiếng ve, đấy là kiếp nạn!
Đã ra đi, sao biết được ngày về?
.
Cứ bình tĩnh, đành vậy thôi, thế nhé
Hoang mạc xa, rồi tịnh thất - nghiêm đường
Chuông và mõ, hành trì kinh CỨU THẾ
Hành giả ơi, tâm hoa trổ THIÊN LƯƠNG
Cảm xúc này, nhìn từ ngoại cảnh để tự nhủ lòng mình. Nhẫn, được soi rọi ở gó độ bình tĩnh, an nhiên, an tịnh, không vội vã cũng không sơ hãi, cứ bình tâm với chính mình để cuối cùng vẫn là mình là xét theo nghĩa của tử “thiên lương”. Tôi thích hai từ “thiên lương” kết thúc bài thơ này, là “Phần tốt đẹp có sẵn của con người do trời ban cho” (Hán - Việt tân tự điển, Nguyễn Quốc Hùng). Hầu như hiện nay ít ai sử dụng từ này nữa, vì thế, khi đọc của Lê Hưng VKD, tôi nhớ đến nhà thơ Tản Đà lúc lên Hầu trời (1921), Trời bảo công việc của tác giả "Giấc mộng lớn", "Giấc mộng con" ở trần gian:
Trời rằng: "Không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc "thiên lương" của nhân loại,
Cho con xuống thuật cùng đời hay."
Hiểu điều này, càng thấy bài thơ của Lê Hưng VKD đã hướng đến sự cốt lõi nhất khiến ta phải ngẫm nghĩ. Những bài thơ trong tập "Đóa mẫu đơn trên môi", luôn khiến người đọc phải trầm tĩnh suy ngẫm, không đọc vội, bình tâm nhẩn nha sẽ gặt hái được những điều mà ai ai cũng nói với lòng mình:
TÂM khỏe là ĐẠO khỏe
Đạo khỏe hết nguy nan
Vài dòng thơ chắp nối
Kỳ vọng sống BÌNH AN
L.M.Q