Diễn đàn công nghệ thông tin Vietnam Asocio 2014 có gì đặc biệt?

on .

Chính thức diễn ra vào ngày mai (29/10), diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin Vietnam Asocio 2014, sẽ thảo luận những giải pháp ứng dụng công nghệ mới vào phát triển kinh tế và xã hội.

 
 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu với tư cách là khách mời đặc biệt của diễn đàn Vietnam Asocio 2014
Được Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam (Vinasa) đăng cai tổ chức, Vietnam Asocio 2014 sẽ thảo luận về tầm nhìn, định hướng chiến lược, chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp của Việt Nam và các nước trong khu vực nhằm phát huy CNTT làm nền tảng hạ tầng, tạo phương thức phát triển đột phá kinh tế, xã hội, nâng cao hiệu quả dịch vụ công và xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hướng tới một khu vực châu Á - châu Đại Dương năng động, sáng tạo, văn minh, là động lực phát triển kinh tế, xã hội toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và nguyên Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama sẽ tham dự và phát biểu với tư cách là khách mời đặc biệt của diễn đàn Vietnam Asocio 2014.
Diễn đàn Vietnam Asocio 2014 sẽ có 8 phiên thảo luận và tọa đàm chuyên sâu về những công nghệ mới, kinh nghiệm ứng dụng những sáng tạo công nghệ ưu việt nhằm nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, sản xuất, thi công, lắp đặt và vận hành, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống kinh tế và xã hội Việt Nam.
Nổi bật trong đó những chuyên đề về giải pháp CNTT trong tái cấu trúc nông nghiệp, phương thức phát triển mới nâng cao hiệu quả dịch vụ công, y tế thông minh và giao thông thông minh,...
Vietnam Asocio năm nay dự kiến sẽ thu hút sự trên 700 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 250 đại biểu quốc tế đến từ 20 nền kinh tế trong khu vực. Thành phần tham dự gồm: các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp hàng đầu của ngành CNTT và viễn thông, các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng CNTT, các chuyên gia kinh tế và chuyên gia công nghệ.
Minh Quang
Nguồn: http://www.baomoi.com/Dien-dan-cong-nghe-thong-tin-Vietnam-Asocio-2014-co-gi-dac-biet/76/15137281.epi

Người Việt có quan tâm đến 'giáo dục thật'?

on .

(Dư luận) - Do sự rắc rối, đa nghĩa của tiếng Việt, tôi đành phải viết như thế - "giáo dục thật" - để nói về một nền, kiểu, cách, loại giáo dục có chất lượng, phù hợp với xu thế.

Học sinh ở một trường tiểu học (Ảnh minh họa)

Tôi không có ý hỏi người Việt có quan tâm đến giáo dục hay không, vì câu trả lời hiển nhiên là có. Trong một gia đình Việt Nam, không có chuyện nào được nói đến, được bàn bạc nhiều hơn chuyện học hành của con cái. Ngoài việc kiếm sống, không có việc nào chiếm nhiều thời gian của bố mẹ hơn chuyện học hành của con cái. Chi phí cho chuyện học hành có lẽ chỉ đứng sau chi phí ăn uống hàng ngày.

Cho nên, sự quan tâm đến giáo dục của người Việt là rất lớn và rõ ràng.

Tôi muốn hỏi là chúng ta, người Việt, quan tâm đến loại, kiểu giáo dục nào, đến những mục đích giáo dục nào, trong gia đình và trong nhà trường?

Tôi có cảm giác rằng, phần đông người Việt quan tâm đến mục tiêu giáo dục là để con cái sau này có cuộc sống an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền, tốt nhất là được làm quan. Ít ai che giấu mục đích đó. Nó thậm chí còn được bày tỏ, thể hiện như tấm lòng, tình thương của bố mẹ. Con cái thường cũng biết như thế và vui thích với những gì được bố mẹ dành cho. Con cái cũng chẳng lạ với việc bố mẹ chạy trường, chạy lớp, với chuyện quà cáp, phong bì cho các thầy cô giáo để chúng vào được trường tốt, lớp tốt, được điểm cao.

Nhưng kết quả là gì? Kết quả là năng suất lao động xã hội của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 Thái Lan, 1/15 Singapore. Kết quả là Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Thu nhập bình quân tính theo sức mua (PPP) của Việt Nam thua Singapore 28 lần.

Vào thời điểm còn 6 năm trước mốc trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, câu hỏi khó được nêu ra ở nghị trường là tại sao Việt Nam không sản xuất nổi cái sạc pin, tai nghe, ốc vít cho điện thoại di động Samsung? Rồi tại sao không sản xuất nổi ốc vít cho cánh máy bay Boeing B777? Ốc vít chỉ là một thứ nhỏ, cụ thể, để nêu lên một câu hỏi rất lớn về khả năng nghiên cứu - phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối các sản phẩm công nghiệp của nước ta. Khó nhớ ra được một sản phẩm công nghiệp chế tạo nào của Việt Nam trong suốt mấy chục năm nay sau xe công nông. Khó tìm được các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng mang thương hiệu Việt tại các siêu thị điện máy. Các mặt hàng nông sản chế biến của ta cũng rất khó thấy ở các siêu thị nước ngoài.

Rõ ràng là "chất lượng người" của chúng ta có vấn đề, mặc dù người Việt quan tâm rất nhiều đến giáo dục và các gia đình chi rất nhiều công sức, tiền bạc cho giáo dục.

Vì thật ra chúng ta quan tâm đến loại, kiểu giáo dục không khoa học và tiến bộ. Chúng ta có những mục tiêu giáo dục không lành mạnh. Nếu nói nặng hơn, cả trong giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, đã và đang tồn tại những thứ phản giáo dục.

Nhiều người muốn con cái được làm quan, nhưng trong bất kỳ xã hội nào, quan chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Xã hội càng phát triển, tỷ lệ quan càng giảm. Dù tấm lòng, mong ước của bố mẹ với đứa con của mình thế nào, cơ hội để nó trở thành quan rất nhỏ.

Nhiều người muốn con cái được an nhàn, làm những việc nhẹ nhàng mà dễ ra tiền. Ít có những cơ hội như thế trong cuộc sống thực và, nếu như có, thì cuộc cạnh tranh để chiếm được cơ hội cũng khốc liệt, người thắng thường là người có năng lực hơn. Xã hội càng phát triển, cạnh tranh trên thị trường lao động càng cao.

Vậy thì, cái quyết định tương lai của một đứa trẻ nằm ở "chất lượng người" của đứa trẻ; ở kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh, đạo đức của đứa trẻ, hoàn toàn không nằm ở tấm lòng, tình cảm của bố mẹ dành cho nó, càng không phụ thuộc gì vào mong muốn của bố mẹ là nó sẽ trở thành ai, làm công việc gì trong tương lai.

Một điểm chung dễ nhận thấy trong sự phát triển mạnh mẽ của các nước Singapore, Hàn Quốc, Israel là chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Những gì một người học được ở môi trường quân đội khắc nghiệt rất tốt cho việc hoàn thiện, nâng cao "chất lượng người" ở các nước đó. Đó là tính kỷ luật; sự kết hợp giữa tính cụ thể và khả năng bao quát; khả năng, kỹ năng chịu đựng thách thức và giải quyết thách thức; tính đồng đội, khả năng chia sẻ, phối hợp, kỹ năng tổ chức nói chung... Quân đội là một trường học lớn. Những điều học được và những mối quan hệ gây dựng được trong quân đội rất có ích để một người thành công trong nhiều công việc, cuộc sống của mình.

Để con cái trong gia đình và học sinh trong nhà trường có được một sự giáo dục tiến bộ, cần thực sự thấm nhuần 4 mục đích học tập trụ cột của UNESCO: "Học để Biết"; "Học để Làm"; "Học để Chung sống"; "Học để Tự lập"

Các mục đích học tập là như vậy. Còn giáo dục gia đình, giáo dục nhà trường là công cụ để thực hiện các mục đích học tập đó. Không có mục đích nào là học để làm quan. Không có mục đích nào là học để an nhàn, để làm ít hưởng nhiều.

Trong những ngày này, một câu chuyện đang làm nóng dư luận là việc các gia đình ở xã Hương Bình, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho 600 con em (có nhiều em đi học mẫu giáo và tiểu học) hai tháng nay nghỉ học để phản đối quyết định sáp nhập trường cấp hai.

Khi những đứa trẻ còn chưa đầy 10 tuổi phải hy sinh quyền lợi đến trường, trở thành "con tin" cho cuộc đấu tranh của các bố mẹ, tôi trăn trở mãi với câu hỏi: Những người bố mẹ đó có hiểu đúng về giáo dục, có vì con cái mình một cách có hiểu biết không?

Thương con mà thiếu hiểu biết rất có thể làm hại con.

Kiến thức về "giáo dục thật" của nước ta đang ở đâu, trong dân và trong ngành giáo dục?

Nguồn Vnexpress.net

Đội CENIT đoạt giải nhất cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC)

on .

Đội CENIT (Sinh viên Khoa Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin ĐHQG-HCM) đoạt giải nhất cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC)

Ngày 22/10 tại TPHCM, hội nghị quốc tế về lĩnh vực vi mạch (4S-2014/AVIC14) đã chính thức khai mạc. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin (CNTT) tại TP.HCM và Việt Nam trong năm 2014.

Bên lề hội nghị, Ban tổ chức cũng đã tiến hành tổng kết và trao giải cuộc thi Ứng dụng Vi điều khiển Việt Nam lần thứ nhất (VMAC). Giải nhất với phần thưởng trị giá 30.000.000đ đã thuộc về đội CENIT (Vũ Mạnh Cường, Phan Trần Như Ngọc, Võ Hữu Tài – 3 SV của Khoa Kỹ thuật Máy tính, trường Đại học Công nghệ Thông tin, ĐHQG-HCM) với đề tài Robot hút bụi tự động.

Nguồn: http://www.uit.edu.vn/tin-tuc/thong-tin-chung/thong-tin-hoat-dong/888-doi-cenit-vo-dich-vmacv2.html

Thông tin từ Bộ Công an về vụ tấn công ở VCCorp

on .

Vụ việc trung tâm dữ liệu của VCCorp (VCC) bị tấn công, theo Cục C50 - Bộ Công an, đây không phải là dạng tấn công từ chối dịch vụ DDoS - dạng tấn công đã từng xảy ra trước đây.

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), đây là một dạng tấn công mới xuất hiện tại Việt Nam. Nguyên nhân do có một đoạn mã độc đã bị cài vào hệ thống máy chủ. Sau đó tự động nhận lệnh từ bên ngoài thực hiện hành vi tấn công, xóa sạch dữ liệu trên hệ thống các máy chủ bị nhiễm.

Theo C50, hiện khoảng 1.000 máy chủ tại Việt Nam bị đoạn mã độc này xâm nhập. Đây là đợt tấn công mạng nguy hiểm nhất từ trước đến nay và có thể gây ra những thiệt hại khó lường. Thủ phạm chưa được làm rõ nhưng có thể do một nhóm hacker đã thực hiện hành vi tấn công.

 
Theo C50 - Đây không phải là cuộc tấn công DDoS.

Sự cố này làm cho VCC thiệt hàng tỷ đồng . Hàng chục báo lớn và khoảng 200 website bao gồm cả website thương mại điện tử và quảng cáo trực tuyến bị “chết đứng” từ sự cố này. Bắt đầu từ ngày 13/10, hệ thống các trang web của VCC đã xảy ra sự cố dẫn tới việc tải trang quá chậm hoặc nhận được thông báo “Không tìm thấy”, “Data center đang gặp sự cố, vui lòng quay lại sau” khi truy cập vào các website của VCCorp như Kenh14.vn, Gamek.vn, Genk.vn, CafeF hay các website thương mại điện tử như muachung.vn, rongbay.com, enbac.com,muare.vn…. một số báo điện tử có hợp tác vận hành kỹ thuật là Dân trí, Vneconomy.vn, Gia đình & Xã hội, nld.com.vn

Sang ngày 15/10, một số tờ báo như Dân Trí , Gia đình & Xã hội, Vneconomy.vn… đã hoạt động trở lại, nhưng tốc độ truy cập rất chậm. Một số trang web thuộc hệ thống của VCCorp vẫn chưa truy cập được.

Diễn biến càng trở nên phức tạp hơn khi trong ngày 17/10, một trong hai tên miền quốc tế của hệ thống thanh toán SohaPay thuộc sở hữu của VCC là sohapay.com cũng bất ngờ bị chuyển về một trang blog có tên là VCCorp tự truyện.

Cục Cảnh sát C50 khuyến cáo, các công ty công nghệ IT cần chú trọng hơn đến hệ thống bảo mật và cần có hệ thống dữ liệu dự phòng, đề phòng sự cố xảy ra. Với người sử dụng, máy tính nên được cài các phần mềm có bản quyền và không truy cập vào những tin nhắn lạ.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Thong-tin-tu-Bo-Cong-an-ve-vu-tan-cong-o-VCCorp/76/15131879.epi

Bí quyết thành công của các tỷ phú

on .

Với tầm nhìn chiến lược cùng những nỗ lực phấn đấu, từ hai bàn tay trắng, họ đã vươn lên trở thành những người giàu có nhất thế giới. Không ngần ngại chia sẻ bí quyết tạo nên những thành tựu của mình cho những ai muốn lắng nghe, dưới đây là những lời khuyên của các tỷ phú giành cho các bạn.

 

Theo T homas Edison - nhà phát minh vĩ đại, tự mãn là kẻ thù của thành công khi phát biểu: "Hãy cho tôi thấy một người hoàn toàn hài lòng với bản thân và tôi sẽ cho bạn thấy một thất bại".

Đối với Henry Ford, nhà sáng lập Ford Motor Company, tiết kiệm ở tuổi trẻ là không cần thiết khi ông tuyên bố: "Tôi nghĩ hầu hết những lời khuyên tiết kiệm cho giới trẻ là sai lầm. Tôi chẳng bao giờ tiết kiệm xu nào cho đến khi 40 tuổi. Thay vào đó, tôi đầu tư cho chính mình, học hành, làm chủ các kỹ năng và chuẩn bị. Những người bỏ vài đô la vào ngân hàng mỗi tuần sẽ tôt hơn nhiều nếu bỏ nó vào chính họ".

Khác với nhiều lý thuyết về phân tán rủi ro khi đầu tư, Andrew Carnegie, tỷ phú - nhà sáng lập Carnegie Steel Company, cho rằng: "Cách để trở nên giàu có là đặt hết trứng của bạn vào một rổ và rồi canh chừng chiếc rổ đó".

Sam Walton, nhà sáng lập Wal-mart lại nhắc nhở các bạn trẻ về vai trò của khách hàng: "Chỉ có duy nhất một ông chủ, đó là khách hàng. Anh ta có thể sa thải bất cứ ai, từ chủ tịch tới nhân viên, bằng cách tiêu tiền ở nơi khác".

Khi nói về cơ hội, John Rockefeller, tỷ phú dầu mỏ - sáng lập Standard Oil Company đã tuyên bố: "Hãy cố biến mọi thảm họa thành cơ hội".

Warren Buffet, nhà đầu tư, CEO Berkshire Hathaway chia sẻ nguyên tắc về tiền : "Nguyên tắc đầu tiên: đừng bao giờ đánh mất tiền. Nguyên tắc thứ hai: đừng bao giờ quên nguyên tắc đầu tiên".

Huyền thoại Steve Jobs: Là người có ảnh hưởng lớn nhất đối với ngành công nghiệp máy tính, Steve Jobs đã dành trọn đời mình cho sự phát triển của Apple. Đối với ông, phương châm sống chính là: " Hãy sống như không có ngày mai". Điều này được ông chia sẻ trong một diễn văn tại lễ tốt nghiệp Đại học Stanford năm 2005.

Lời khuyên của Michael Bloomberg- Thị trưởng thành phố New York cho các bạn là: "Đừng giậm chân tại chỗ quá lâu". Để thành công, luôn luôn phải tiến về phía trước.

Câu nói nửa đùa nửa thật của Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft về tình bạn: "Hãy tử tế với những gã nghiện máy tính, biết đâu sau này bạn sẽ làm việc cho ai đó trong số họ". Trong cuộc sống, hãy luôn tử tế với mọi người, không ai biết trước những người nào sẽ trở thành sếp, cộng sự hay đối tác của bạn trong tương lai.

Joanne "Jo" Rowling, OBE cư ngụ tại thủ đô Edinburgh, Scotland là tiểu thuyết gia nổi tiếng người Anh, tác giả bộ truyện giả tưởng nổi tiếng Harry Potter với bút danh J. K. Rowling. Trước khi viết cuốn Harry Potter đầu tiên bà từng là bà mẹ độc thân sống dựa vào tiền trợ cấp. Nhờ bộ sách này mà J.K Rowling đã có được những thành công vang dội với huân chương Bắc Đẩu Bội tinh, được công nhận là 1 trong 25 nghệ sĩ của năm 2007. Phương châm của bà là: "Thất bại là mẹ thành công"

Để đi đến thành công hôm nay, Mark Zuckerberg- CEO Facebook đã luôn làm theo phương châm: "Làm những gì mình yêu thích"

Nguồn: http://www.baomoi.com/Bi-quyet-thanh-cong-cua-cac-ty-phu/76/15130518.epi