Nghiên cứu và phát triển trong đại học * (Kỳ 1)

on .

Nghien cuu va phat trien trong dai hoc * (Ky 1)

Nghiên cứu và phát triển (R&D) là một thành tố tối quan trọng trong một trường đại học hiện đại. R&D không những quan trọng về mặt kinh tế, phát triển khoa học nói chung và kỹ năng nghiên cứu nói riêng, mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện chất lượng giáo dục.

Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ một vài thu thập, quan sát, và kinh nghiệm cá nhân về việc làm R&D trong đại học. Các ví dụ và quan sát sẽ chủ yếu xoay quanh ngành Khoa Học Máy Tính, vì đó là ngành mà tôi làm việc và có chút ít hiểu biết. Tôi hy vọng rằng các quan sát này có thể phần nào có tính phổ quát và trở nên hữu dụng trong nhiền ngành khác nữa. Cuối cùng, bài viết nêu ra một vài ý tưởng cho việc cải thiện cả chất lẫn lượng của R&D trong các trường đại học ở Việt Nam.

Nghiên cứu và phát triển (R&D) là gì?

Để có một ngôn ngữ nhất quán cho toàn bộ bài viết về ý nghĩa của cụm từ R&D, trước hết chúng ta thống nhất ngữ nghĩa của cụm từ R&D sẽ được dùng cho bài viết này.

Chữ D - phát triển - thì đã tương đối rõ: phát triển một sản phẩm mới hoặc một bộ phận nào đó cấu thành một sản phẩm cụ thể. Trong ngành máy tính thì một sản phẩm mới có thể là một phần mềm mới giải quyết một vấn đề cụ thể, ví dụ như phần mềm điều khiển không lưu. Một bộ phận của một thành phẩm có thể là một con chip, hay một thư viện thuật toán giải quyết các bài toán tối ưu trong vận trù học, mà dùng nó ta có thể giải quyết các vấn đề ách tắc giao thông hay vận chuyển và đóng gói hàng hóa.

Chữ R - nghiên cứu - thì có nhiều tầm mức, và có thể nôm na chia thành hai loại chính,phỏng theo (adaptation) và sáng tạo (innovation). Hai loại nghiên cứu này cũng phù hợp với hai loại nhóm R&D ở các công ty, tập đoàn. Một loại nhóm R&D bao gồm chủ yếu là các kỹ sư, loại còn lại cần được gầy dựng bởi một nhóm các nhà khoa học nghiên cứu. Những nghiên cứu mang tính sáng tạo cao hơn tất nhiên là có rủi ro cao hơn, nhưng khi thành công thì lợi tức đầu tư cũng lớn hơn.

Ý nghĩa kinh tế của R&D

Các nghiên cứu kinh tế cho thấy lợi tức đầu tư công vào R&D thường là khá cao, khoảng 30% đến 100% hoặc hơn nữa, theo các báo cáo của phòng nghiên cứu Kinh Tế Quốc Gia Mỹ (NBER), của các nhà kinh tế Charles Jones và John Williams của Stanford, hoặc của ngân hàng dự trữ liên bang của San Francisco.

Nhiều trường đại học ở Mỹ có các phòng chuyển giao công nghệ làm việc rất tốt. Ở các trường hàng đầu có một “văn hóa” làm chuyển giao công nghệ lâu đời, kết hợp công tư nhuần nhuyễn, thì lợi tức của họ thật sự là đáng ghen tị. Stanford sở hữu bằng sáng chế thuật toán Page-Rank của Google, một công nghệ mang tính đột phá ngành sinh học phân tử (DNA tái tổ hợp - recombinant DNA), cùng với thu nhập từ nhiều công ty khởi nghiệp của sinh viên họ, thu về trung bình 60-100 triệu USD mỗi năm trong 40 năm qua. NYU đồng sở hữu bằng sáng chế thuốc Remicate trị thấp khớp, cùng với các sáng chế khác đã thu về 157 triệu năm 2006 (tổng chi phí nghiên cứu là 210 triệu, lời 75%). Nhưng ta không cần lấy các ví dụ từ các đại học đỉnh của thế giới như MIT, Stanford, Berkeley. Đại học Wake Forest năm 2006 thu về 60 triệu (trên tổng chi phí 146 triệu); phần nào nhờ hệ thống V.A.C., một hệ thống tạo chân không cơ học giúp hồi phục vết thương. Đại học Florida có nước Gatorade, v.v.

Trong các ngành xã hội như kinh tế, chính trị, ngoại giao thì R có ý nghĩa rất lớn về mặt làm chính sách. Ví dụ như trong công cuộc đổi mới giáo dục của chúng ta, chỉ tính trong 3 tháng qua thôi là báo chí đã đăng đầy các dự án, dự thảo về thay đổi quy chế tuyển sinh, cơ chế tự chủ, trang bị máy tính bảng, vân vân. Nhưng ít khi ta thấy một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc đi kèm, đánh giá lợi hại của các dự án dự thảo mới. Các tranh luận trên báo chí phần nhiều mang tính định tính, và kể cả khi có ít định lượng thì cũng manh mún. Dân chúng không biết đâu mà lường là nên theo cái nào, làm cái nào đúng, cái nào không nên.

Một điều không thể chối cãi là R&D đã mang lại các công nghệ và sản phẩm mang tính đột phá, như Internet, hay vaccines và các thiết bị y tế, v.v., những thứ đã trực tiếp cải thiện cuộc sống sinh học, cuộc sống vật chất, và cuộc sống tinh thần của nhiều tỉ người trên trái đất. R&D ở các trường đại học cũng đã giúp khởi nghiệp nhiều nghìn công ty, tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người. Những đóng góp này không thể dễ dàng quy thành đô la.

Ý nghĩa khoa học của R&D

Ở đa số các ngành khoa học (có lẽ chỉ loại trừ Toán lý thuyết), thì làm R&D có ảnh hưởng rất tích cực đến sự phát triển của khoa học và của sự nghiệp khoa học của những nhà nghiên cứu tham gia làm R&D.

R&D giúp các nhà nghiên cứu định hình một tầm nhìn và nhận thức đúng đắn về các đề tài lý thuyết và phạm vi ứng dụng của chúng. Các kết quả lý thuyết hầu như bao giờ cũng bị trói trong một bộ các giả thiết đơn giản hóa vấn đề (như môi trường chân không trong Vật lý, hay thuật toán chạy trong bộ nhớ chính của máy tính). Các bộ giả thiết đơn giản này đôi khi vẫn xấp xỉ thực tế rất tốt và khi đó kết quả lý thuyết có tính ứng dụng trực tiếp cao. Nhưng đôi khi, chúng xa thực tế đến mức trở thành vô dụng. Nếu không làm D, nhà nghiên cứu sẽ có khả năng sẽ sống và thác trong tháp ngà của mình, bất kể chỉ số ảnh hưởng của họ cao đến mức nào. (Các cư dân trong tháp ngà trích dẫn lẫn nhau!)

R&D không chỉ giúp chúng ta phát triển ứng dụng hoặc phủ định các kết quả lý thuyết, mà còn truyền cảm hứng cho chúng ta về những hướng nghiên cứu hoàn toàn mới, được bắt rễ chắc chắn từ những bài toán thực tế và những nhu cầu có thật, hoặc của xã hội, hoặc của các công nghệ liên quan. Ví dụ, mấy năm qua tôi viết chương trình hiện thực hóa một thuật toán của mình cho cơ sở dữ liệu, nhưng lại phát hiện ra nó làm việc tốt hơn rất nhiều nếu dùng để tính một số mô hình đồ thị thống kê, một vấn đề hoàn toàn khác.

Làm R&D cũng giúp cho các nhà nghiên cứu dễ tìm nguồn tài trợ để làm nghiên cứu cơ bản, từ cả các cơ quan tài trợ khoa học cơ bản của nhà nước lẫn từ doanh nghiệp tư nhân. Một đề án nghiên cứu, dù là nghiên cứu khoa học cơ bản, mà có cơ sở ứng dụng vững chắc bao giờ cũng “nặng ký” hơn nhiều các đề tài trên trời, với các động cơ ứng dụng “vẽ vời” ra cho kêu. Điều này hoàn toàn đúng ở Mỹ, và tôi hy vọng nó cũng sẽ phổ biến ở Việt Nam.

Ý nghĩa giáo dục của R&D

Các giảng viên hay giáo sư đã từng làm D bao giờ cũng có khả năng giảng dạy hứng khởi hơn rất nhiều so với những người giảng bài chay. Họ biết cái gì dùng được trên thực tế, những giả thiết nào là những giả thiết đơn giản hóa để gói gọn bài học, và những giả thiết nào hoàn toàn sai thực tế. Họ biết cách thiết kế các bài tập nắm bắt được tinh thần của một vấn đề thực tế, thiết lập ngữ cảnh cho bài tập để sinh viên hiểu tại sao bài tập này lại hữu dụng cho việc phát triển kỹ năng của họ.

Sâu sắc hơn một chút, khi ta có các dự án R&D mà một nhóm sinh viên được làm việc trực tiếp, tham gia giải quyết một góc của một vấn đề thực tế, thì đây là môi trường huấn luyện tuyệt vời cho các kỹ sư tương lai: khi ra trường họ đã có sẵn kinh nghiệm thực tế để làm việc. Ngược lại, phần nghiên cứu của R&D cho sinh viên các trải nghiệm làm nền tảng để họ có thể phát triển thành các nhà nghiên cứu độc lập nếu họ muốn theo đuổi con đường hàn lâm. Tất cả các sinh viên tôi đã từng tham gia hướng dẫn làm R&D, đại học hay sau đại học, đều nói rằng việc tham gia một dự án R&D dạy cho họ những kinh nghiệm quí báu hơn việc học chay rất nhiều lần.

Tham gia dự án R&D liên kết với doanh nghiệp là một dòng rất có giá trong resume của cả sinh viên lẫn chủ nhiệm đề tài.

Tại sao R&D trong trường đại học mà không phải ở các tập đoàn hay công ty?

Do các áp lực thị trường và lợi nhuận thường là ngắn hạn, khu vực tư nhân (private sector) có xu hướng không hoặc ít đầu tư vào R&D đúng nghĩa. Ở Mỹ chẳng hạn, đầu tư vào R&D từ các công ty tư chỉ khoảng 1/4 con số “tối ưu”, nói chung. Tất nhiên, khi nói riêng thì có các ngoại lệ như các chàng khổng lồ tương đối rủng rỉnh kiểu Microsoft, Facebook, Google, IBM, có hệ thống R&D rất sung mãn; và các ngành công nghiệp “sống” bằng R&D như ngành dược, và các công nghệ đột phá như công nghệ sinh học, công nghệ nano. Ở những ngành này thì các cty tư nhân có thể chi trả đến 75% chi phí cho R&D. Một lý do nữa mà các cty đầu tư ít vào R&D là trong một số công nghiệp thì quá dễ để các đối thủ copy ý tưởng. Trong ngành máy tính chẳng hạn, hệ thống bảo hộ bằng sáng chế ở Mỹ là một hệ thống hoàn toàn mục ruỗng, làm cản trở sáng tạo, tốn tiền tỉ cho các luật sư. Do đó, hệ thống bằng sáng chế không giải quyết được vấn đề sở hữu trí tuệ, làm các cty tư nhân ít đầu tư theo diện rộng vào R&D hơn.

Ở các đại học ta thường có nhân lực giá rẻ, kỹ năng nghiên cứu và kiến thức cao, tiếp cận được với những phát kiến mới nhất của nhận loại. Nhân lực ở đại học sở hữu tốt kỹ năng thực hiện chữ R trong R&D.

Chỉ có môi trường đại học, mà về mặt lý tưởng nó dung dưỡng tuyệt đối sự tự do tìm tòi, độc lập khỏi các áp lực thị trường ngắn hạn, mới có nhiều khả năng ươm các phát kiến mang tính đột phá.

Cuối cùng, như đã nói ở trên, R&D trong các đại học có ý nghĩa lớn về giáo dục, về khoa học, về phát triển sự nghiệp cho sinh viên, giảng viên, và giáo sư, và còn đóng góp về kinh tế cho trường, địa phương, quốc gia, và đôi khi cả nhân loại. (Còn tiếp)

-------------------------------------------------------

Tham luận của GS Ngô Quang Hưng (ĐH bang New York tại Buffalo, Mỹ) tại Hội thảo Hội thảo cải cách giáo dục đại học VED 2014.

(Tác giả xin chân thành cảm ơn các thành viên Nhóm Đối Thoại Giáo Dục, các anh Lương Thành Nam, Cao Hoàng Trụ, Võ Hưng Sơn, và Nguyễn Xuân Long, đã đóng góp các ý kiến quý báu cho bài viết này. Lỗi trong bài là lỗi của cá nhân tôi, không phải của họ.)

Nguồn: http://www.baomoi.com/Nghien-cuu-va-phat-trien-trong-dai-hoc-Ky-1/53/16973146.epi