Khi sinh viên Stanford khước từ Facebook

on .

ĐH Stanford (Mỹ) với chương trình đào tạo khoa học máy tính trứ danh vốn là cái nôi cung cấp tài năng cho các gã khổng lồ công nghệ. Nhưng sinh viên ngành học này giờ không còn nghĩ về tương lai làm việc cho Facebook hay Google nhiều như trước.

Khi sinh viên Stanford khước từ Facebook - Ảnh 1.

Minh họa của Slate - Ảnh: Bohao Zhao/Wikipedia and Wittayayut/iStock/Getty Images Plus

 Đây là một biểu hiện của phong trào phản kháng, chống lại các ông lớn công nghệ (techlash).

Trụ sở Công ty Palantir nằm cách ĐH Stanford khoảng 15 phút đi bộ. 

Khoảng cách tiện lợi này trở nên hữu ích vào một sáng tháng 6 nọ, khi một nhóm sinh viên Stanford đứng trên tầng ba của một bãi xe bên kia đường, hướng về lối vào hãng phân tích dữ liệu này và giăng một biểu ngữ trước mặt các nhân viên công ty khi họ vừa đến chỗ làm: "PHẦN MỀM CỦA CHÚNG TA QUYỀN LỰC ĐẾN MỨC NÓ LÀM CÁC GIA ĐÌNH LY TÁN".

Những nhà hoạt động mới

Các sinh viên đang biểu tình phản đối phần mềm Palantir mà Sở Di trú và hải quan Hoa Kỳ (ICE) dùng để ghi chép thông tin về những người xin tị nạn, giúp cơ quan này bắt giữ những người sẽ đến đón họ ở Mỹ, vốn cũng là các gia đình không có giấy tờ.

Những nhà hoạt động này là thành viên của một nhóm hoạt động ở trường ĐH gọi là SLAP (Students for the Liberation of All People / Sinh viên vì sự tự do của mọi tầng lớp) - do các sinh viên Stanford năm nhất thành lập vào mùa đông sau khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống. 

Ban đầu nhóm chỉ tập trung vào các mối lo giống như những nhà hoạt động cánh tả khắp nước Mỹ. Ví dụ, trong ngày ông Trump nhậm chức, họ chặn các cửa của chi nhánh Ngân hàng Wells Fargo gần trường để phản đối việc Wells Fargo tài trợ cho đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Dakota Access, và lịch sử cho vay mang tính phân biệt chủng tộc của ngân hàng này. 

Ngày nay, SLAP đã chuyển hướng sang chính ngành công nghiệp liên quan mật thiết đến Stanford: các gã khổng lồ công nghệ.

Ngoài việc phản đối Palantir, SLAP muốn thuyết phục các sinh viên Stanford khác rằng họ không nên làm việc cho các công ty công nghệ lớn mà nhóm này cho rằng không có đạo đức. "Làm việc trong những công ty công nghệ này sẽ không giúp xây dựng tương lai chúng ta muốn thấy" - hai nhà sáng lập SLAP, hiện đang là sinh viên năm cuối ở Stanford, nói. 

Để thuyết phục bạn đồng học, SLAP phân phát các tài liệu và tổ chức diễn thuyết. Họ cũng phá đám một hội chợ việc làm ngành công nghệ và suýt nữa bị bắt khi đang làm thế.

Chương trình đào tạo khoa học máy tính của Stanford, và cả trường ĐH này nói chung, có lẽ là nguồn cung cấp tài năng quan trọng nhất cho Thung lũng Silicon. 

Các cựu sinh viên danh tiếng của trường gồm: Larry Page và Sergey Brin (sáng lập Google), Bill Hewlett và Dave Packard (sáng lập Hewlett-Packard), Kevin Systrom và Mike Krieger của Instagram, cựu giám đốc điều hành Yahoo CEO Marissa Mayer, và cha đẻ của Palantir Peter Thiel và CEO đương nhiệm là Alex Karp.

Giấc mơ thành lập công ty từ phòng ký túc xá để giải quyết các vấn đề của thế giới và thu về nhiều tỉ USD khi công ty phát triển vẫn còn rực rỡ tại Stanford. 

Nhưng sinh viên không thể không để ý đến các tít báo không che đậy vốn đã khiến Thung lũng Silicon khốn đốn nhiều năm trở lại đây: những bê bối dường như không có điểm dừng khi các công ty công nghệ lớn nhất thế giới xử lý dữ liệu không đúng cách, tiếp tay cho thông tin sai, và các phần mềm giúp các cơ quan thực thi chương trình cứng rắn với dân nhập cư của chính quyền ông Trump. 

Tất cả đã trở thành đề tài bàn tán trong và ngoài lớp học, và đã có dấu hiệu rằng mối liên kết từng đáng tin cậy giữa Stanford và Thung lũng Silicon đang dần thu hẹp.

Điều này có thể thấy được ở khắp các trường ĐH khác. Hồi tháng 5-2019, CNBC ghi nhận tỉ lệ sinh viên mới tốt nghiệp từ các trường tốp đầu đồng ý lời mời làm việc cho Facebook đã giảm từ 35-55% tính đến tháng 12-2018, trong khi tỉ lệ đồng ý trong năm học 2017-2018 là 85% (phía Facebook bác bỏ con số này). 

"Sinh viên không cảm thấy làm việc tại Facebook vẫn còn vinh dự như trước đây" - một chuyên viên tuyển dụng ở San Francisco với 15 năm kinh nghiệm cho biết.

Facebook có vẻ không còn là cái tên mà các sinh viên muốn có đầu tiên trên lý lịch việc làm của họ; và vì họ có nhiều lựa chọn, ngày càng có ít lý do để họ đến Facebook, nhất là khi thương hiệu này đã có vết nhơ. 

Nhà tuyển trạch này cho biết thêm các sinh viên đang nhận được những lời mời kèm thu nhập hấp dẫn từ các nơi khác - những công ty công nghệ tỉ đô khác, vốn không suốt ngày xuất hiện trên các tít báo tiêu cực.

Thấu đáo và duy lý hơn về đạo đức

Nhiều sinh viên khoa học máy tính đưa ra ý kiến rất khác nhau khi được yêu cầu mô tả cảm giác của họ về các công ty như Facebook, Microsoft, Amazon và Google. Một số cho biết họ sẽ không bao giờ làm việc cho công ty nào trong số này.

 

Nhiều người nói sẽ làm nhưng hi vọng có thể thúc đẩy thay đổi với vai trò là người nội bộ công ty đó. Một số sinh viên không quan tâm đến các gã khổng lồ này.

Nhưng ngay cả những sinh viên vốn sẽ không chút đắn đo về việc nhận lời làm việc ở Facebook cũng không "giả mù" trước việc công ty này đang được nhìn nhận như thế nào. 

"Có thể mỗi người mỗi khác nhưng ít nhất tôi hi vọng rằng nhiều thành viên trong cộng đồng khoa học máy tính ở Stanford sẽ suy nghĩ thấu đáo và duy lý hơn về đạo đức của việc chọn nơi làm việc ngày nay, thay vì chỉ đeo đuổi danh tiếng" - Neel Rao, sinh viên đang học ngành này ở Stanford, nói.

Cũng như SLAP, nhóm CS+Social Good đang cố gắng tận dụng lúc ngành công nghệ đang mất điểm để khuếch trương hoạt động của mình. 

Nhóm này (do các sinh viên thành lập năm 2014) chuyên giúp sinh viên ngành khoa học máy tính thực tập có trả lương tại các tổ chức phi lợi nhuận cần tuyển người có chuyên môn công nghệ, tạo ra các cơ hội thay thế cho việc thực tập ở Facebook hay Google. 

Những nhóm này không phải tiên phong ở Stanford trong việc tập trung vào yếu tố đạo đức và công nghệ, nhưng trong nhiều thập niên trước, những phong trào như vậy thường chủ yếu phản đối việc quân sự đầu tư cho công nghệ.

Không dùng lối tiếp cận theo hướng hành động trực tiếp như SLAP, CS+Social Good chủ yếu tập trung vào thay đổi việc đào tạo khoa học máy tính ở cấp ĐH bằng cách tác động từ bên trong. 

Tổ chức này đã làm việc với trường ĐH để tạo ra các môn học mới trong khoa khoa học máy tính của Stanford, chẳng hạn các lớp "A.I. for Social Good" (Trí tuệ nhân tạo vì lợi ích xã hội), cho phép sinh viên hợp tác với các tổ chức phi lợi nhuận trong các dự án công nghệ và được tính tín chỉ.

CS+Social Good cũng đã mở rộng sang các trường khác, tổ chức này đã có hơn một tá chi nhánh ở các trường khắp nước Mỹ. Tại Stanford, CS+Social Good có hơn 70 thành viên chủ chốt, và có đến hơn 1.000 sinh viên tham gia các sự kiện của họ hoặc đăng ký học các lớp mà tổ chức này thiết kế.

"Khi tôi là sinh viên năm nhất, nó gần như giống với một văn hóa kiểu "Tuyệt quá, tôi sắp làm việc ở Facebook rồi" - Belce Dogru, đồng sáng lập CS+Social Good, giải thích tại sao nhóm của họ ngày càng đông - Còn bây giờ, câu chuyện sẽ là "Ồ, tôi sắp làm ở Facebook đấy", rồi một người sẽ hỏi "Vậy còn mấy vụ bị mất dữ liệu thì sao?", và người kia sẽ nói kiểu "Tôi đang cố không nghĩ đến nó"".

Tháng 1 năm nay, CS+Social Good mời hai nhân vật đã phanh phui sai phạm của Theranos (startup tai tiếng vì "xạo" về công nghệ thử máu) đến nói chuyện ở Stanford. Hàng trăm sinh viên chen chúc trong khán phòng hi vọng sẽ học được cách phải làm gì nếu họ chẳng may làm việc tại một công ty kém đạo đức sau khi tốt nghiệp.

Tại Stanford, các công ty như Google, Facebook và Amazon chi từ 20.000 USD trở lên chỉ để được mở gian hàng tại hội chợ việc làm ngành khoa học máy tính.

Đầu năm nay, tại Forum - một hội chợ việc làm lớn của khoa khoa học máy tính và kỹ sư máy tính ở Stanford, các thành viên SLAP đến gian hàng của Salesforce (nơi có hợp đồng cung cấp dịch vụ cơ sở dữ liệu cho Cục Hải quan và biên phòng Hoa Kỳ) phát tờ rơi có nội dung "Hãy lựa chọn", mô tả chi tiết cách các công ty như Microsoft, Amazon, Salesforce và Palantir đã làm việc trực tiếp với các cơ quan phụ trách di trú và thực thi pháp luật của Mỹ.

"Nếu được thì hãy chọn làm việc ở nơi khác - tờ rơi này viết - Hãy nói không với việc thiết kế ra các công cụ để tăng lượng người bị trục xuất, bị bắt giam và các gia đình bị ly tán. Hãy từ chối trở thành một phần của "ống dẫn" từ Stanford đến các công ty công nghệ phân biệt chủng tộc". Hai thành viên SLAP cho biết các nhân viên phụ trách ngày hội việc làm cuối cùng đã gọi cảnh sát đến áp giải họ ra ngoài.

Hồi tháng 7, SLAP cho in một quyển sách với đầu đề "Stop Coding State Violence" (Ngưng lập trình để giúp bạo lực quốc gia), giải thích tại sao nhóm này tập trung chỉ trích các hãng công nghệ bán sản phẩm hay dịch vụ cho các cơ quan thực thi các chính sách liên bang liên quan đến vấn đề nhập cư.

Quyển sách mỏng này chỉ ra cách thức thu thập hồ sơ trong nhiều thập kỷ của cảnh sát và tạo nên một cơ sở dữ liệu mà khi được nạp vào các công nghệ dự báo hành vi phạm tội, như phần mềm của Palantir, có thể làm tăng sự thiên vị về mặt chủng tộc.

Ấn phẩm này cũng bêu tên các hãng công nghệ đã làm việc với ICE và cơ quan biên phòng. SLAP dự kiến sẽ phát tài liệu này cho các sinh viên năm nhất nhập học vào mùa thu này.

Việc thực thi pháp luật liên quan đến vấn đề nhập cư không phải là vấn đề duy nhất giữa SLAP và các gã khổng lồ công nghệ hiện nay. 

Tháng trước, nhóm này mời nhiều diễn giả, trong đó có Stephanie Parker (đang làm việc tại YouTube và là một trong những người đã tổ chức buổi đình công ở Google), đến trường nói chuyện trải nghiệm của bà về các chính sách của Google khi giải quyết vấn đề quấy rối tình dục. 

Parker cũng là thành viên của Tech Workers Coalition và cựu sinh viên Stanford. Hơn 100 người đã đến dự buổi trò chuyện.

"Vẫn còn sớm để nói liệu gió có đổi chiều đối với sinh viên khoa học máy tính tại Stanford không, nhưng tôi nghĩ sự ảnh hưởng đang dần hình thành - Janna Huang, học viên cao học ngành xã hội học đang làm trợ giảng ở Stanford, nói - Hồi năm 2014, người ta rất háo hức được tham gia giới công nghệ, kiểu như phấn khích khi được mặc quần áo do Facebook phát".

Giờ đây, Huang cho biết sinh viên đến lớp với thái độ hoài nghi hơn, nhận định các vấn đề như quyền riêng tư và công bằng của thuật toán nghiêm túc hơn trước. Trong một vài trường hợp, các giáo sư thậm chí còn tìm ra được giá trị giáo dục từ chính băn khoăn của sinh viên.

Nếu bạn đã học một lớp về bảo mật máy tính, bạn sẽ biết Alice và Bob. Họ là các nhân vật hư cấu mà các giáo sư thích dùng để dạy sinh viên cách tấn công (hack) dựa trên các kịch bản hóc búa. Khi Bob bị hack, Alice sẽ ra tay cứu giúp. Khi Bob cần gửi một email mã hóa đến Alice, cô nàng sẽ có chìa khóa để giải mã.

Nhưng trong vài năm trở lại đây, một vai phản diện mới đã xuất hiện để tham gia cùng Alice và Bob trong các lớp khoa học máy tính: Facebook.

"Trong các lớp tôi dạy gần đây về bảo mật và mạng máy tính, bạn sẽ phải hình dung một kẻ tấn công xấu xa nhằm vào mô hình bảo mật của mình, và giảng viên sẽ nói đại để: "Hãy hình dung Facebook đang cố cướp dữ liệu của bạn"" - Dogru, đồng sáng lập CS+Social Good, nói. Cả lớp sẽ cười và chúng tôi bắt đầu thảo luận.

APRIL GLASER (Slate) - TRƯỜNG SƠN (lược dịch)

Nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn/khi-sinh-vien-stanford-khuoc-tu-facebook-20190822212823157.htm