Đến năm 2020, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chuyển 95% sinh viên học tại Thủ Đức
Ngày 2/8, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho hay, phấn đấu đến năm 2020, khi tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động thì tỷ lệ sinh viên học tại khu đô thị của ĐH này ở Thủ Đức đạt 95%. Hiện tại sinh viên học tại Thủ Đức chiếm 65% và 35% còn lại vẫn học tại nội thành.
Chiều nay 2/8, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang đã đến thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt ĐH Quốc gia TP.HCM.
Nhấn để phóng to ảnh
Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang thăm phòng thí nghiệm của ĐH Quốc tế nằm trong khuôn viên Khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM
Trong buổi làm việc, PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết ĐH này đặt mục tiêu dần dần chuyển đào tạo từ cơ sở nội thành lên khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM (tại Thủ Đức). Trên cơ sở đó, ĐH này ưu tiên xây dựng phòng học, phòng thí nghiệm phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.
Theo ông Đạt, hiện nay tỷ lệ sinh viên học tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM đạt 65% (có nghĩa 35% sinh viên vẫn học tại nội thành). Phấn đấu đến năm 2020, khi tuyến đường sắt Bến Thành - Suối Tiên đưa vào hoạt động thì tỷ lệ sinh viên học tại khu đô thị đạt 95%.
Bên cạnh nguồn vốn cấp từ ngân sách nhà nước, ông Đạt cho biết, ĐH này đang nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa các công trình dịch vụ phục vụ sinh viên thông qua phương thức hợp tác công tư PPP và cơ chế sử dụng tài sản công vào hợp tác kinh doanh. Từ đó triển khai dự án khoa Y - Bệnh viện ĐH Quốc gia TP.HCM và một số dự án dịch vụ phục vụ sinh viên khác, tham gia chương trình kích cầu của TP.HCM để tăng cường đầu tư các hạng mục công trình đào tạo, nghiên cứu khoa học.
Diện tích sàn xây dựng hiện nay đạt khoảng 850.000 m², chiếm 33% diện tích sàn xây dựng theo quy hoạch điều chỉnh. Về hạ tầng, tổng số đường nội bộ trong khu quy hoạch đã hoàn thành là 21 km, đạt tỷ lệ khoảng 65%.
Cũng theo ông Huỳnh Thành Đạt, ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ từng bước chuyển đổi cơ chế hoạt động từ nay đến năm 2020 theo hướng tăng dần tính tự chủ cho các đơn vị thành viên. Do đặc thù và thế mạnh của từng đơn vị, ĐH này sẽ hình thành 2 nhóm đơn vị tự chủ.
Trong đó nhóm 1, thực hiện cơ chế tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên do đơn vị tự đảm bảo (Trường ĐH Quốc tế). Ở nhóm 2, gồm các trường thực hiện cơ chế tự chủ với kinh phí chi thường xuyên do đơn vị tự đảm bảo phần lớn. Cụ thể là tự chủ đối với các ngành đào tạo có khả năng tự chủ tài chính. Nhà nước tiếp tục đảm bảo kinh phí hoạt động theo hình thức đặt hàng (giao nhiệm vụ đặc biệt) đối với các ngành đào tạo khoa học cơ bản, khó tuyển.
Ở nhóm này sẽ có các đơn vị tham gia gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Kinh tế - Luật, Trường ĐH Công nghệ thông tin (đang chờ phê duyệt phương đề án trở thành đơn vị tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên) và khoa Y.
Nhấn để phóng to ảnh
Ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao quá trình phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, đánh giá cao quá trình phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM. Theo ông Quang, hỗ trợ cho sự phát triển của ĐH Quốc gia TPHCM cũng là sự hỗ trợ cho chính sự phát triển của thành phố. Nếu phát triển, mối quan hệ giữa ĐH Quốc gia TP.HCM và Thành phố, chúng tôi cũng cảm thấy tự tin hơn, cảm thấy nhiều hy vọng hơn về định hướng phát triển của Thành phố trở thành một trung tâm về khoa học công nghệ, về Thành phố thông minh, Thành phố sáng tạo, đô thị phía Đông Thành phố, và những vấn đề lớn lao khác mà chúng tôi đang rất cố gắng cùng mọi người phát triển”.
Ông Quang nói thêm, hiện Thành phố đã giao cho Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nghiên cứu quy hoạch khai thác hai bên tuyến metro số 1 tỉ lệ 1/500, có thể đây là nguồn lực để ĐH Quốc gia TPHCM khai thác sớm trở thành Khu đô thị thông minh.
Lê Phương