Nhà mạng ảo có thay đổi ngành viễn thông?
Chỉ hơn một tháng qua, 3 nhà mạng ảo được công bố gia nhập thị trường hoặc đàm phán, ký kết để đi vào hoạt động. Mô hình này cạnh tranh ra sao và đem lại lợi ích gì cho người dùng?
ITelecom, nhà mạng ảo đầu tiên, đã được cấp phép hoạt động. Việt NamPT đã ký hợp đồng cho thuê hạ tầng với nhà mạng ảo của Malaysia RedONE. MobiFone cũng vừa công bố đang đàm phán với một nhà mạng ảo và nhận được đề nghị của nhiều nhà mạng ảo khác.
Mô hình mới này được cho rằng tạo tiền đề mở thêm cửa cho nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia thị trường viễn thông.
Cạnh tranh bằng đa dạng gói cước
Thực ra từ tháng 8-2009, Bộ Thông tin và truyền thông (TT-TT) đã trao giấy phép cung cấp dịch vụ thông tin di động ảo cho ITelecom.
Thời điểm đó, hãng này dự kiến sử dụng hạ tầng của Viettel theo mô hình mạng di động ảo đầu tiên của Việt Nam. Hãng không được cấp tần số, mà chia sẻ hạ tầng vô tuyến 3G với Viettel và được roamming với các mạng GSM 2G và 2,5G khác.
Sau đó, Bộ TT-TT còn tiếp tục nhận được đề án xin cấp phép dịch vụ theo mô hình này của VTC, FPT...
Nhưng phải đến cuối tháng 4-2019, ITelecom mới chính thức gia nhập thị trường khi thuê lại được hạ tầng của nhà mạng Việt NamPT - VinaPhone, nâng số nhà mạng ở Việt Nam lên 6.
Nhà mạng mới này đã "chào sân" bằng gói cước nhắm đến khách hàng công nhân tại các khu công nghiệp ở 9 tỉnh thành bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Đồng Nai với giá cước 75.000 đồng/tháng, được miễn phí tất cả cuộc gọi nội mạng ITelecom và VinaPhone dưới 20 phút, miễn phí 30 phút gọi ngoại mạng, 60 tin nhắn SMS, miễn phí sử dụng 3GB data mỗi ngày.
Nói về mô hình mới, ông Lưu Anh Sơn, phó tổng giám đốc ITelecom, không ngần ngại chia sẻ nhà mạng này "có kế hoạch sẽ kết nối với tất cả nhà mạng có phần dung lượng dư để tạo ra dịch vụ với giá cả, chi phí hợp lý". Hãng này cho hay sẽ cạnh tranh bằng đa dạng gói cước cung cấp cho những nhóm và phân khúc người dùng khác nhau như những người có thu nhập thấp, sinh viên, công nhân...
Tuy nhiên, ông Đoàn Quang Hoan - nguyên cục trưởng Cục Tần số, Bộ TT-TT - cho rằng mức giá cước mà ITelecom đưa ra là 75.000 đồng/tháng với những quyền lợi sử dụng như đã công bố chưa phải là mức cước cạnh tranh. Hiện trên thị trường thì Viettel, thậm chí chính VinaPhone, đang có những gói cước linh động và giá rất thấp.
Mua sỉ bán lẻ chỉ có lợi thế nhất khi không bị cạnh tranh ở phân khúc bán lẻ. Nhưng với việc các nhà mạng có hạ tầng mạng di động ở Việt Nam đều đang nhắm đến thị trường bán lẻ là chính, ông Hoan cho hay chưa hình dung ITelecom sẽ cạnh tranh như thế nào. Đây sẽ là khó khăn lớn nhất để mạng di động ảo có thể trở thành trào lưu ở Việt Nam.
Cơ hội cho nhiều doanh nghiệp tham gia
Dù vậy, mô hình mạng di động ảo MViệt NamO (Mobile Virtual Network Operator) cũng tạo ra một khả năng mới cho thị trường viễn thông Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã - phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT-TT, việc có nhà mạng ảo đã đánh dấu bước quan trọng trong thị trường mua sỉ bán lẻ dịch vụ viễn thông. Cụ thể là nhà mạng đứng ra mua sỉ lưu lượng và bán lẻ cho người sử dụng.
"Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường di động và hơn ai hết khách hàng được sử dụng những dịch vụ mới, gói cước phù hợp nhu cầu của mình" - ông Nhã đánh giá.
Theo các chuyên gia công nghệ, thế giới thay đổi liên tục, tạo ra nhiều biến động lớn trên thị trường viễn thông toàn cầu. Việc hợp tác để triển khai kinh doanh dịch vụ giữa các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và các doanh nghiệp bán lại dịch vụ đã trở thành xu thế tất yếu.
Chuyên gia của một nhà mạng đánh giá việc nhà mạng ảo liên doanh với các nhà khai thác hiện tại sẽ giúp giảm chi phí đầu tư của xã hội. Các nhà mạng hiện tại sẽ khai thác các phân đoạn thị trường, chăm sóc khách hàng tốt hơn, từ đó cải thiện doanh thu bình quân trên một người sử dụng (hiện còn khá thấp) và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Các mạng ảo cũng có lợi. Trong bối cảnh các nhà mạng đi trước đã đi rất xa, với việc ký thuê hạ tầng, nhà mạng ảo không cần thiết phải đầu tư lớn để tập trung nguồn lực cho phát triển kênh phân phối, truyền thông, marketing, chăm sóc khách hàng...
Ông Đoàn Quang Hoan (nguyên cục trưởng Cục Tần số, Bộ TT-TT):
Phải tạo được gói cước hợp lý
Mô hình nhà mạng ảo từng nở rộ ở Mỹ và một số quốc gia hàng chục năm trước nhưng không thành công. Hình thức này thực chất là mở rộng mạng lưới bán hàng, khắc phục những nhược điểm trong hệ thống bán hàng của nhà mạng có hạ tầng. Nếu kinh doanh thành công, cả ba bên đều có lợi: nhà mạng có hạ tầng cho thuê, nhà mạng bán lẻ dịch vụ và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hiện chưa thể đánh giá mô hình kinh doanh này có thành công ở Việt Nam hay không. Thực tế doanh thu bình quân trên đầu thuê bao ở Việt Nam rất thấp, chỉ vài USD/thuê bao/tháng. Giữa các nhà mạng hiện cạnh tranh rất khốc liệt, giá dịch vụ đã rất thấp, các gói dịch vụ đã rất đa dạng.
Lợi thế của nhà mạng ảo là tiết kiệm chi phí đầu tư và vận hành, tổ chức gọn nhẹ nên có thể tiếp cận và hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng. Thách thức của họ là phải chọn được phân khúc thị trường, ra được gói cước hợp lý nhưng vẫn phải đảm bảo chăm sóc khách hàng tốt. Bởi vì khi mua sỉ bán lẻ thì nhà mạng ảo này đã phải cạnh tranh với chính Việt NamPT - VinaPhone.
Ông Mai Liêm Trực (nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông):
Thêm cạnh tranh, người dùng được lợi
Mô hình kinh doanh của mạng viễn thông ảo phản ánh sự năng động của thị trường viễn thông. Hình thức kinh doanh thuê lại hạ tầng của nhà mạng khác để cung cấp dịch vụ theo hình thức bán lẻ đến khách hàng sẽ giúp cả hai nhà mạng tận dụng, khai thác hiệu quả hạ tầng viễn thông sẵn có.
Theo tôi, mạng ảo sẽ không ảnh hưởng đến thị trường viễn thông. Giá dịch vụ viễn thông do thị trường quyết định, để có thể thu hút được khách hàng, mỗi nhà mạng đều phải tìm cách tính toán để có giá dịch vụ hợp lý nhất. Càng có thêm nhà cung cấp dịch vụ, giá dịch vụ viễn thông sẽ càng có sự cạnh tranh, người tiêu dùng được hưởng lợi.
THANH HÀ
Nguồn: https://tuoitre.vn/nha-mang-ao-co-thay-doi-nganh-vien-thong-20190526220406525.htm