Xăng tăng giá, sinh viên lên phương án tiết kiệm chi tiêu

on .

Nguyễn Quốc Quân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, chia sẻ: giá xăng tăng, giờ mình có hai phương án là hạn chế đi lại bằng xe máy, hoặc tiết kiệm chi tiêu...
Việc đi lại của sinh viên bị ảnh hưởng khi xăng tăng giá /// Khả Hòa
 
Việc đi lại của sinh viên bị ảnh hưởng khi xăng tăng giá._KHẢ HÒA
 
Từ 15 giờ chiều 17.4, giá xăng E5RON92 bán lẻ trong nước tiếp tục tăng 1.115 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 1.202 đồng/lít... Khi hay tin này, nhiều người dân, đặc biệt là người trẻ, sinh viên thở dài, ta thán.
Trần Ngọc Thành, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết: “Sinh viên chúng mình chỉ đi lại bằng 2 phương tiện chính là xe buýt và xe máy. Đường xa thì xe buýt mà đường gần thì xe máy. Mà sắp tới đây vé xe buýt cũng tăng. Còn nay thì xăng tăng. Cảm thấy 'mệt mỏi' khi biết tin xăng tăng giá. Vì nó ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt chi tiêu trong tháng của mình”.
Theo Thành, mỗi tháng vừa đi học vừa đi làm thêm tốn khoảng 35 lít xăng. Tính theo mức tăng giá bây giờ thì nếu đổ xăng RON95-III thì mỗi tháng tốn thêm hơn 42.000 đồng. Còn nếu đổ xăng E5RON92 thì tốn thêm gần 40.000 đồng. “Với sinh viên, thì số tiền tăng như thế không hề nhỏ. Chừng ấy cũng đủ tiền mua card điện thoại để sử dụng trong hai tuần. Hay có thêm một khoản nhỏ để mua dụng cụ học tập, tài liệu...”, Thành than thở.
Xăng tăng giá, sinh viên lên phương án tiết kiệm chi tiêu - ảnh 1
Nhiều người than xăng tăng giá, vì ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ 
KHẢ HÒA
Nguyễn Quốc Quân, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, bộc bạch: “Như vậy là mỗi tháng phải tốn thêm mấy chục ngàn đồng cho tiền xăng nữa rồi. Giờ mình cảm thấy mệt vì hai phương án: Chấp nhận việc hạn chế đi lại bằng xe máy, hoặc tiết kiệm chi tiêu lại. Chứ gia đình mình cho tiền tiêu xài mỗi tháng có một khoản cố định vừa đủ, giờ tốn thêm tiền xăng thì phải cắt giảm chi tiêu”.
Nhiều sinh viên cũng lo ngại việc xăng tăng giá, có thể sẽ khiến giá đi xe ôm công nghệ cũng sẽ tăng giá theo. “Và như thế, 'túi tiền' của sinh viên, những người chưa làm ra tiền, cũng bị ảnh hưởng khi bị hao hụt”, Lê Quang Anh, sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM nói.
Cũng theo Quang Anh, đây không phải là lần đầu tiên giá xăng tăng. “Mình để ý thấy từ giữa năm 2018 đến giờ, thi thoảng là xăng lại tăng giá. Đã có thời điểm nhóm bạn mình rủ nhau đến trường bằng xe đạp hoặc xe buýt để đỡ tốn tiền hơn so với việc đi xe máy”.
Với Huỳnh Mai Thy, sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hài hước nói: “Nếu được hỏi về một ước mơ ngay bây giờ, thì mình sẽ mong là giá xăng bình ổn. Không cần phải giảm xuống, chỉ cần giữ nguyên giá là được. Chứ lâu lâu lại tăng, nhích nhích từng ngàn đồng. Tính giá xăng tăng mỗi lít chỉ hơn 1.000 đồng. Nhưng tính theo tháng, hoặc theo vài tháng, thì số tiền phải bỏ ra cũng khá là nhiều”.
Là người đã đi làm, có tiền trang trải nhưng anh Trần Thanh Cảnh, nhân viên Công ty du lịch Kim Phụng (đường Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) cũng thầy lo vì nghe tin xăng tăng giá. “Chiều hôm qua nghe tin xăng tăng giá mà rầu ơi là rầu. Mà lạ thật, rất ít khi nghe xăng giảm giá, mà toàn nghe xăng tăng giá, giá xăng tăng mạnh, giá xăng tiếp tục tăng mạnh,... Mong là xăng dầu giữ ổn định ở một mức giá thôi, đừng có tăng nữa, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người lắm. Mình mới ra trường đi làm, cũng có được vài đồng lương mà cảm thấy lo vì giá xăng tăng, nên càng cảm thông với những bạn sinh viên chưa làm ra tiền”, anh Thành nói.