Thế giới ngập chìm trong ống hút nhựa
Vào những ngày đầu năm mới, Seychelles, một quốc gia - quần đảo ngoài khơi Ấn Độ Dương với gần 100.000 dân, được coi là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, đã ban bố lệnh cấm nhập khẩu ống hút nhựa, và việc cấm dùng hoàn toàn thứ đồ tiện dụng nhưng cực kỳ có hại cho môi trường này ở Seychelles sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6-2019.
Trước đó nữa, phong trào cấm ống hút nhựa đã khởi phát và lan nhanh ở Mỹ. Cũng đầu tháng 1, nghị viện bang Washington đã đệ trình một dự luật dự kiến sẽ cấm hoàn toàn việc bán và phân phối ống hút dùng một lần ở bang này từ ngày 1-7-2020. Thực ra, ngay từ đầu tháng 7-2018, Seattle, thành phố lớn nhất ở bang Washington, cũng đã trở thành thành phố lớn nhất tại Mỹ cấm ống hút nhựa.
Phong trào đó không chỉ diễn ra ở các vùng hành chính - đô thị, mà ở nhiều doanh nghiệp lớn nữa. Chuỗi cửa hàng cà phê Starbucks đã có kế hoạch ngưng dùng ống hút nhựa tới năm 2020.
McDonald’s mới đây thông báo họ sẽ thực thi chương trình ngừng ống hút nhựa thử nghiệm tại các nhà hàng của họ ở Anh và Ireland. Trong khi đó, Alaska Airlines sẽ là một trong những hãng hàng không đầu tiên ngưng sử dụng ống hút và cây khuấy bằng nhựa trên các chuyến bay của họ.
Tất cả họ đều đang phản ứng lại sự chỉ trích gay gắt từ dư luận đòi hỏi hành động chống lại một sản phẩm mà thoạt nhìn thật đơn giản, nhưng đang đe dọa nhiều đại dương trên thế giới. Chỉ riêng ở Mỹ, một ước tính cho thấy 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng chỉ trong một ngày.
Nghiên cứu "Sản xuất, sử dụng, và số phận của tất cả đồ nhựa từng được tạo ra" do Hiệp hội Nghiên cứu biển Hoa Kỳ thực hiện năm 2018 ước tính có tới 8,3 tỉ ống hút nhựa đang làm ô nhiễm gần như mọi bãi biển trên toàn thế giới.
Có khoảng 8 triệu tấn rác nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, và dù ống hút chỉ chiếm 0,025% trong số đó, nó vẫn là vật thể được chú ý rất nhiều trong các chiến dịch môi trường gần đây.
Một phần lý do, theo giải thích của National Geographic, là bởi tính trực quan của nó. Đồng thời, với hầu hết mọi người, ống hút là thứ họ có thể dễ dàng sống mà không cần.
Việc ngưng dùng ống hút nhựa gần như không đòi hỏi sự thay đổi hành vi lớn nào cả. Điều đó đặt ra câu hỏi lý thú: nếu ta không hẳn là cần ống hút nhựa, thì tại sao nó lại trở nên phổ biến ở quy mô toàn cầu như thế?
Trong khi ống hút nhựa là một phát minh hiện đại, loài người đã dùng những dụng cụ rỗng ruột, hình trụ nhỏ để hút chất lỏng vào miệng từ hàng thiên niên kỷ rồi. Các sử gia hiện vẫn chưa chắc chắn là nền văn minh nào đã nghĩ ra ống hút, nhưng bằng chứng sớm nhất về ống hút tới từ một con dấu tìm thấy trong một lăng mộ của người Sumer cổ xưa niên đại 3.000 năm trước Công nguyên.
Con dấu đó tả cảnh hai người có vẻ dùng ống hút hút bia từ một chiếc vò. Cũng trong lăng mộ đó, giới khảo cổ học tìm thấy chiếc ống hút lâu đời nhất lịch sử nhân loại: một chiếc ống hút bằng vàng và ngọc lưu ly màu xanh biển quý giá.
Ống hút kim loại mà người Argentina dùng để uống thứ đồ uống giàu caffeine mate cũng đã có tuổi đời nhiều thế kỷ. Vào những năm 1800, ống hút bằng rơm bắt đầu phổ biến ở châu Âu và Bắc Mỹ.
Đến năm 1888, một người Mỹ tên là Marvin Stone là người đầu tiên nộp hồ sơ xin cấp bằng sáng chế với ống hút. Theo Viện Smithsonian, Stone gắn liền với giai thoại về việc khi Stone đang uống rượu whisky đá pha bạc hà vào một ngày hè nóng nực thì chiếc ống hút rơm của ông bị đứt.
Stone, vốn là một nhà sản xuất hộp đựng thuốc lá, tin rằng ông có thể chế ra thứ gì đó tốt hơn. Ông quấn những mảnh giấy quanh một cây bút chì, rồi dán chúng lại, và không lâu sau đó sản xuất thử những chiếc ống hút bằng giấy.
Ông xin cấp bằng sáng chế vào năm 1888, và tới năm 1890, nhà máy của ông Stone Industrial (ngày nay vẫn còn hoạt động, thuộc Tập đoàn Precision Products) bắt đầu sản xuất ống hút hàng loạt.
Phải tới những năm 1930, ống hút mới bắt đầu có thêm tính năng bẻ cong. Chứng kiến con mình vất vả với món sữa lắc cùng chiếc ống hút thẳng, nhà phát minh Mỹ Joseph Friedman đã dùng một con ốc chọc thủng chiếc ống hút, dùng vải quấn quanh chỗ thủng, rồi gỡ con ốc ra. Nhờ đó, chiếc ống hút có thể bẻ cong mà không làm hỏng. Friedman xin cấp bằng sáng chế cho phát minh của ông và lập Công ty Flex-Straw để sản xuất thiết kế đó.
Các bệnh viện là những nơi đầu tiên sử dụng ống hút bẻ cong, vì chúng giúp bệnh nhân vẫn uống được trong tư thế nằm. Trong nhiều thập niên sau đó, ống hút giấy bắt đầu len lỏi vào đời sống ăn nhậu trên khắp nước Mỹ, cho tới khi đồ nhựa tổng hợp ra đời.
Dân Mỹ vẫn còn dùng ống hút giấy là chủ yếu khi ngành sản xuất nhựa đã bắt đầu ăn sâu bén rễ. Do người Mỹ tên John Wesley Hyatt phát minh lần đầu vào năm 1870, những sản phẩm nhựa đầu tiên làm từ một nguyên liệu tên là celluloid bắt chước các sản phẩm động vật như ngà voi.
Các món đồ nhựa khác dần phổ biến trong những thập kỷ sau đó: bakelit được dùng cho các vật dụng trong nhà, nilông cho vớ và đồ lót, và acrylic trong các máy bay quân sự.
Bền và rẻ, nhựa được sản xuất với tốc độ chưa từng có tiền lệ ở các nhà máy khắp thế giới trong Thế chiến II. Khi cuộc xung đột chấm dứt, những nhà sản xuất nhựa ở Mỹ cần một thị trường mới, không phục vụ chiến tranh.
Trong cuốn sách Đồ nhựa: Một chuyện tình nhiễm độc (Plastic: A Toxic Love Story), tác giả khoa học Susan Freinkel mô tả nền sản xuất nhựa thời chiến bỗng nhiên không còn khách hàng và bắt đầu hướng sang thị trường hàng tiêu dùng giá rẻ. "Nhờ đồ nhựa, dân Mỹ giờ có đủ thứ hàng hóa rẻ tiền để lựa chọn" - Freinkel viết.
Ống hút là một trong rất nhiều sản phẩm nhựa được nhanh chóng sản xuất hàng loạt từ các nghiệp đoàn lớn. Gần như không cần cải tiến kỹ thuật nào, việc sản xuất ống hút nhựa ngay lập tức trở nên nhanh, nhiều, bền, rẻ hơn so với ống hút giấy.
Không thấm nước, không dễ rách hay gãy như giấy, và có thể đặt ở bất kỳ đâu trong một nhà hàng. Suốt những năm 1960, cơ sở hạ tầng để sản xuất hàng loạt ống hút nhựa ra đời.
Năm 1969, Công ty Flex-Straw của Friedman được bán lại cho Nghiệp đoàn Maryland Cup ở Baltimore, vốn sản xuất đủ loại đồ nhựa và nhanh chóng trở thành một trong những nhà sản xuất ống hút nhựa lớn nhất nước.
"Nó tốt hơn, rẻ hơn, và không hư hỏng - David Rhodes, giám đốc toàn cầu của hãng sản xuất ống hút Aardvark Straws, một bộ phận của Tập đoàn Precision Products, quảng cáo - Nó thực sự là một sản phẩm tốt hơn với giá rẻ hơn, và trong thời đại đó, chẳng ai nghĩ tới chuyện tác động tương lai lên môi trường".
Ống hút nhựa gần như không thay đổi gì nữa từ đó cho tới nay. Có chăng thì chỉ là tăng về số lượng sản xuất, bởi nhu cầu xã hội cứ ngày càng phình to. Plastics Europe, một trong những hãng sản xuất đồ nhựa lớn nhất thế giới, nói họ cho ra lò 1,5 triệu tấn sản phẩm vào năm 1950, nhưng tới năm 2015, con số đó là 322 triệu tấn.
Thế giới lúc này đang ngập ngụa trong ô nhiễm nhựa. Các công ty, chính quyền địa phương, và cả quốc gia, đang đề xuất và triển khai những lệnh cấm ống hút nhựa. Một số công ty sản xuất ống hút kim loại và thủy tinh có thể mang theo để dùng riêng, dù chúng hẳn sẽ bất tiện hơn so với loại ống hút nhựa sẵn ở nhà hàng.
Steve Russell, phó chủ tịch phụ trách mảng nhựa của Hội đồng hóa chất Mỹ (ACC), một tổ chức hội doanh nghiệp đại diện cho các nhà sản xuất, nói với National Geographic là công chúng không nên chỉ tập trung vào ống hút hay bất kỳ sản phẩm cụ thể nào.
"Tập trung vào một sản phẩm đơn lẻ khiến chúng ta không chú ý và thảo luận đủ về cách thức quản lý rác thải vốn cần sự chú tâm lớn hơn nhiều - Russell nói - Chúng tôi nghĩ hiện sẽ tốt hơn nếu ống hút nhựa không có sẵn, mà chỉ được đưa cho khách hàng khi có yêu cầu".
Tuy nhiên, các nhóm môi trường nói cấm ống hút nhựa sẽ là một bước đi biểu tượng quan trọng để họ nhắm tới mục tiêu tối thượng: chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng các món đồ nhựa dùng một lần.
"Điều đó có nghĩa là xác định lập trường với ô nhiễm rác thải nhựa" - Kate Melges của Greenpeace nói với một đài phát thanh ở Seattle sau khi lệnh cấm của thành phố này có hiệu lực từ ngày 1-7.
Giống như nhiều thứ khác được con người phát minh ra, ống hút nhựa rồi sẽ trở thành một thứ lỗi thời, theo lời Rhodes: "Một cái ống hút giấy đắt hơn một xu so với ống hút nhựa. Với các tập đoàn lớn, điều đó tương đương hàng trăm triệu đôla, nhưng tổn hại cho môi trường biển thì bạn không thể tính giá được".