Người Việt 'học ăn' để bớt phung phí, tại sao không?
Ai cũng phê phán chuyện người Việt lãng phí trong những buổi tiệc và đều mong sớm loại bỏ. Nhưng, vì đâu chuyện ăn uống thừa mứa vẫn còn? Cần phải làm gì để có thói quen tốt trong ăn uống? Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, muốn vậy cần phải học.
Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài phân tích, đồng thời kèm theo những giải pháp của TS Nguyễn Hoàng Chương.
1. Nỗi lòng của chủ
Tính toán mời khách, gia chủ (hoặc người được giao trách nhiệm đặt tiệc ở cơ quan, công sở...) đều có tính toán. Tùy mục đích, mối quan hệ, khả năng tài chính, tiếp đón mà mời bao nhiêu khách, đặt số lượng món ăn, thức uống. Mời là một chuyện, đi hay không là chuyện khác.
Như tiệc cưới chẳng hạn, phát thiệp mời bao nhiêu, tính toán số bàn, nhưng, do thời tiết, khách mời bận việc, có lúc cùng thời điểm khách nhận được nhiều thiệp mời, vậy là phong bì thay cho người đi dự tiệc.
Có những đám, thừa đến hai, ba bàn, nên chăng cần nhân rộng cách làm, cuối thiệp mời, chú thích khách dự hay không, xác nhận lại với gia chủ hoặc người được giao trách nhiệm ở đơn vị đặt tiệc.
2. Nhiều cho đủ đầy
Tổ chức tiệc tại nhà riêng hay nhà hàng, tâm trạng chung, chủ luôn muốn nhiều món, mỗi món ăn phải đầy đặn để tỏ lòng hiếu khách, có khi còn muốn phô trương (?)
Nhà hàng, quán sá có thói quen xấu, món ăn được họ làm nhiều lượng (vì đã có người thanh toán hoặc để bán với giá cao), khách dùng một, hai món đầu là no, những món sau ít người dùng, vậy là thành thức ăn thừa.
Giá mà tính toán để mỗi món ăn số lượng vừa đủ, khách dùng ngon miệng, còn dùng được món tiếp theo, vừa hết, đẹp biết mấy! Buffet ở Việt Nam cũng vậy, có nhiều món, thường phải đến hơn chục món; quảng bá ẩm thực để thu hút du khách, nhưng, nên làm theo cách khác.
Nhiều khách sạn tại Singapore, buffet chỉ vài món nhưng khách du lịch vẫn đến nườm nượp. Văn minh, tiết kiệm, trách nhiệm, an toàn, xanh sạch, hấp dẫn thì du khách luôn tìm đến và trở lại.
3. Uống bia rượu nhiều
Bao tử người có giới hạn, vậy mà hết chai này sang chai khác, hết thùng này khui tiếp thùng kia, uống no, dù trên bàn lúc này đủ sơn hào hải vị, thực khách cũng chỉ nhìn rồi gắp vài miếng lấy lệ.
Thức ăn thừa mứa là do vậy, có địa phương, cơ quan linh hoạt, họ để khách - chủ mang thức ăn thừa ra về, chỉ tiếc là cách làm này không được nhiều nơi thực hiện.
Cần đặt món ăn chừng mực, cân nhắc số lượng khách mời, tránh tình trạng mời nhiều quá, khó làm vừa lòng nên "đồng phục" mỗi bàn tiệc cho an toàn, khỏi bị khách chê trách. Dùng rượu bia vừa phải, đồng thời, tập thói quen ăn không hết, chia nhau mang về.
4. Mở cuộc vận động
Nhiều văn bản hướng dẫn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về thực hiện văn hóa trong tổ chức cưới xin, tân gia, hội nghị tổng kết.... Quy định chặt chẽ nhưng chỉ nằm trên giấy, không ai nhớ, chẳng ai kiểm tra, giám sát, cũng chẳng thấy tuyên truyền, nhắc nhở.
Chủ gia đình, sếp cơ quan phóng tay đặt tiệc, phung phí mà không bị quy trách nhiệm, xử phạt. Lãng phí đó, không cách nào thu hồi được.
Cần nhanh chóng đưa các quy định liên quan đến tổ chức liên hoan vào cuộc sống, mỗi cơ quan, khu dân cư, trong từng gia đình ai ai cũng ghi nhớ và thực hiện đầy đủ.
Tại các nhà hàng, có quy định, đồng thời nhắc nhở, tư vấn cho người đặt tiệc, cho thực khách và cho chính quản lý nhà hàng. Có câu, "học ăn, học nói, học gói, học mở", học ăn được đặt lên hàng đầu.
Từ trong gia đình, nhà trường, phối hợp giáo dục con em có văn hóa trong tổ chức liên hoan, tham gia tiệc tùng .
Học ăn để, ăn sạch - đủ chất - ngon miệng - tiết kiệm - thoải mái, tại sao không?
TS NGUYỄN HOÀNG CHƯƠNG
Nguồn: https://tuoitre.vn/nguoi-viet-hoc-an-de-bot-phung-phi-tai-sao-khong-20180612104428944.htm