Cuộc thi 'Tôi chọn nghề': Sự lan tỏa tích cực
Ngày 5-6, tại Hà Nội đã diễn ra lễ tổng kết trao giải cuộc thi "Tôi chọn nghề" do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, thương binh & xã hội) và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức lần đầu tiên.
Ban tổ chức trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhì và giải Ba - Ảnh TRẦN LÂM
Cuộc thi có sự đồng hành của một số trường cao đẳng. Chỉ sau ba tháng phát động đã thu nhận gần 300 bài viết của các tác giả trên khắp cả nước.
Các câu chuyện liên quan tới việc chọn nghề được đề cập đến rất đa dạng do tác giả là các thầy, cô giáo hoặc chính các học sinh đang học tại các trường nghề viết hoặc kể lại.
Mỗi câu chuyện mang lại cho người đọc sự thú vị về hành trình chọn nghề, những lý do để các bạn trẻ nuôi dưỡng đam mê và gắn bó với các nghề nghiệp khác nhau.
Ban giám khảo đã chọn được 8 bài viết tốt nhất để trao giải. Giải nhất dành cho tác giả Đỗ Thị Minh Thủy (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) với bài viết "Đường đến Sydney"; giải nhì cho tác giả Phạm Văn Trung (Cần Thơ) với bài "Khởi nghiệp với tinh thần bền bỉ"; giải ba cho tác giả Yến Nguyệt (Hà Nội) với bài "Tôi làm công chúa điện tử".
Có 5 giải khuyến khích gồm các bài dự thi "Tôi là sinh viên trường nghề" (Nguyễn Ngọc, Bình Dương), "Lễ tân - Bước khởi đầu của đam mê" (Trần Thị Thùy Dung, TP.HCM), "Tôi hạnh phúc với Bartender" (Tấn Khôi, TP.HCM), "Thành tỉ phú nhờ học nghề sớm" (Nguyễn Hoàng Chương, Lâm Đồng) và "Dù nhọc nhằn tôi vẫn chọn nghề trông trẻ" (Nguyễn Thu Hiền, TP.HCM).
Đánh giá về cuộc thi, nhà báo Đặng Dũng, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết cuộc thi đã triển khai nghiêm túc, tạo nên sự lan tỏa tích cực thu hút sự quan tâm của giáo viên, học sinh, phụ huynh tham gia. Mỗi bài viết trong các cuộc thi đều có thể là các câu chuyện giáo dục nghề nghiệp cho giới trẻ.
Cuộc thi tạo nên sân chơi cho học sinh các trường nghề, giới thiệu các tấm gương thành đạt từ học nghề. Đó là nhưng minh chứng sống động nhất cho việc chọn học nghề của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Tuy nhiên, ông Đặng Dũng cũng cho biết công tác tổ chức cuộc thi còn những hạn chế như sự thiếu nhiệt tình của một số trường trong khối giáo dục nghề nghiệp, nhiều bài thi chất lượng còn chưa tốt.
Từ thực tế tổ chức cuộc thi lần đầu tiên, ông Đặng Dũng cho biết để cổ vũ cho việc học nghề, cuộc thi "Tôi chọn nghề" sẽ vẫn được tiếp tục tổ chức. Nhưng hình thức tổ chức sẽ đa dạng, thu hút nhiều người tham gia hơn. Cụ thể cuộc thi sẽ tổ chức thông qua các hình thức thi sản phẩm của học sinh trường nghề, thi hùng biện về việc chọn nghề của giới trẻ.
"Báo Tuổi Trẻ sẽ có những tuyến bài về gương các bạn trẻ thành đạt từ học nghề, về những ngành nghề đang thiếu hụt lao động, những trường nghề được doanh nghiệp đánh giá cao để có thêm thông tin cho các bạn trẻ, phụ huynh và xã hội" - nhà báo Đặng Dũng chia sẻ.
Phát biểu tại lễ trao giải, ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, thương binh & xã hội) - khẳng định cuộc thi đã tạo nên kênh tuyên truyền thiết thực, hiệu quả, góp phần cùng công tác truyền thông của giáo dục nghề nghiệp làm thay đổi nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, giúp các em học sinh vượt qua các rào cản để yên tâm lựa chọn học nghề trước ngưỡng cửa vào đời.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói 'Đường đời là một chiếc thang không có nấc chót, học tập là một quyển vở không có trang cuối cùng'. Kiến thức không bao giờ có giới hạn, vì vậy, học tập không thể có điểm dừng. Nhưng học thế nào, học cái gì, học để làm gì, học cho ai, học ở cấp độ nào và học sao cho phù hợp với năng lực, đúng với sở trường, tìm được đam mê là chuyện không dễ dàng.
Những câu chuyện của "Tôi chọn nghề" đã phần nào trả lời những câu hỏi đó. Những câu chuyện được kể trong "Tôi chọn nghề" chân thành, mộc mạc là những câu chuyện rất thật. Thành công luôn đến với những ai tìm được đam mê trong nghề nghiệp và sẵn sàng thực hiện đam mê với tình yêu thiết tha, bùng cháy với nghề" - ông Trương Anh Dũng nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho biết với những kết quả đã đạt được của cuộc thi, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ nghiên cứu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông theo nhiều hình thức với nhiều cách thể hiện phong phú, sâu sắc hơn, trong đó có việc tổ chức các cuộc thi như "Tôi chọn nghề"
Các tác giả giao lưu tại lễ trao giải - Ảnh TRẦN LÂM
Trong phần giao lưu sau lễ trao giải, Phạm Văn Trung, tác giả đoạt giải nhì của cuộc thi, chia sẻ thông điệp mà anh muốn nói qua bài viết dự thi của mình. "Đại học không phải lựa chọn duy nhất mà còn nhiều cơ hội công việc khác để các bạn trẻ thử sức. Kinh nghiệm mình học được trên hành trình học nghề, làm nghề có thể là điều giúp các bạn trẻ thành công", anh nói.
Trung tâm sự khi trò chuyện với một số học sinh lớp 12 ở Cần Thơ, Trung đã rất bất ngờ khi có những bạn cho biết sẽ học nghề mặc dù điều kiện của em đó có thể cho em các cơ hội học đại học. Trung đề xuất báo Tuổi Trẻ cần có những hình thức cung cấp thông tin về học nghề và truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ chọn nghề.
Nguyễn Ngọc (Bình Dương), tác giả bài viết "Tôi là sinh viên trường nghề", là một sinh viên trường nghề có thành tích học tập rất cao. Ngọc cho biết bài viết chính là dòng tự sự của Ngọc về lựa chọn của em.
"Gia đình em rất khó khăn. Nếu học đại học 4 năm em lo gia đình không lo nổi. Vì thế em tìm hiểu trường nghề và thấy có thể học và chọn một nghề phù hợp hơn" - Ngọc cho biết. Trao đổi tại buổi lễ, Ngọc tâm sự: "Chỉ cần có một nghề trong tay thì tương lai chúng ta sẽ tốt đẹp hơn".
Danh sách đoạt giải bài viết hay nhất tuần (mỗi giải 2 triệu đồng do Trường CĐ Quốc tế TP.HCM trao tặng):
Danh sách đoạt giải Bài viết hay nhất tháng (mỗi giải 5 triệu đồng do Công ty TNHH Toàn Á trao tặng):