Thư gửi ba làm bảo vệ: 'Ba là nguồn cảm hứng bất tận'
"Ba không chỉ là ba, là tiền bối, là bạn, mà còn là niềm cảm hứng bất tận của con".
"Từ nhỏ con đã thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ và ba luôn cố gắng bù đắp cho con... Ở bên ba, con không có điều kiện như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Nhưng nếu được sinh ra lần nữa, con vẫn muốn được làm con của ba vì ba cho con nhiều thứ hơn cả một người cha có thể cho con mình".
Đó là những lời chân tình trong bức thư của Lê Đỗ Ngọc Khanh - Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, TP.HCM - viết cho ba nhân ngày lễ trưởng thành.
Nhân vật trong bức thư chính là ông Lê Thanh Bình (44 tuổi), hiện là bảo vệ của Trường THCS Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM. Mười mấy năm qua, ông Bình đã một mình nuôi "con gái rượu" ăn học nên người.
Những ca trực đêm cùng con nhỏ
* Khi ngồi nghe bức thư của con gái trong lễ trưởng thành, ông cảm thấy như thế nào?
- Rất xúc động. Nhưng thật sự những gì tôi lo cho con rất bình thường và không có gì lớn lao cả. Đó chỉ là nhiệm vụ của bậc làm cha làm mẹ. Chỉ có điều công việc bảo vệ cho tôi nhiều thời gian gần gũi con cái nên quấn quýt nhau hơn. Cả đời tôi dành hết cho con, mọi tâm tư nguyện vọng của tôi đều vì con.
* Công việc làm bảo vệ trực ngày trực đêm, ông đã một mình lo cho con như thế nào?
- Tôi làm bảo vệ được 15 năm từ lúc Khanh mới 3 tuổi. Ngày trước tôi làm nghề lái xe, nhưng sau vì gia đình gặp trục trặc nên chuyển sang làm bảo vệ trường học. Khanh theo tôi từ đó. Hồi Khanh học mẫu giáo, hai ba con đèo nhau đi đi về về từ sáng sớm đến tận khuya, có hôm đến 10 giờ tối.
Những ngày phải làm qua đêm, tôi chuẩn bị cho con ở lại trường "trực" luôn với tôi, một tuần 3-4 buổi suốt mười mấy năm nay. Cơm nước tôi chuẩn bị cho con, nhưng chỉ là cơm "công nghiệp" cho học sinh học bán trú Trường Đồng Khởi.
Tối đến, Khanh ngủ trong phòng y tế, còn tôi nằm bên ngoài. Thấy Khanh phải ngủ bụi tôi cũng xót, nhưng hai ba con xa nhau không được.
5h30 sáng, tôi phải chở con đi học để kịp đón học sinh trường tôi vào lớp. Buổi trưa, tôi cũng đợi học sinh tan bớt mới có thể đi rước con. "Nhà" ở hai chỗ nên Khanh để sách vở hai nơi.
Lúc khó khăn phải ăn cơm "công nghiệp" hoài, Khanh than "ngán quá". Tôi dỗ con nhưng rồi cũng đi mua thêm khứa cá hay tô canh chua cho Khanh dễ ăn. Giờ Khanh sắp thi, tôi cũng kiếm thức ăn bồi bổ cho con rồi gói ghém tiền nong cho nó học thêm.
* Trong nhà thiếu một người phụ nữ hẳn rất khó khăn?
- Lương bảo vệ của tôi không nhiều, nên con cái thiệt thòi hơn là điều bình thường. Tôi chỉ ráng động viên con và dặn con đừng đua đòi theo bạn bè.
Điều lớn nhất em học từ ba em chính là sự quan tâm đối với người khác. Ba em thường dùng hết cái tâm để giúp đỡ mọi người.Trong mắt em, ba là “super man” của đời thường, là một tượng đài vĩ đại, là người em muốn trở thành sau này
Lê Đỗ Ngọc Khanh (THPT Nguyễn Thị Minh Khai)
* 18 năm qua, đâu là giai đoạn ông cảm thấy khó khăn nhất?
- Cuối cấp THCS, Khanh bị mục một khúc xương ở tay trái, phải đi bệnh viện. Lúc đó rất rối rắm, các bác sĩ phải tìm xương hiến tặng, xử lý ADN rồi mới mổ ghép vô. Tôi phải chạy tiền đầu này đầu kia, rồi vừa chăm sóc con vừa phải đi làm nên rất cực.
Nhưng ba con tôi nhiều niềm vui lắm. Làm bảo vệ trường học, tôi hỏi thăm được nhiều thứ cho con. Mấy vụ hồ sơ thi đại học tôi tự tìm hiểu và làm giúp con. Mỗi lần nó về đây là rộn ràng vậy đó. Ba con hay nói chuyện nên vắng là thấy nhớ...
Dạy con cái nghĩa cái tình
* Trong bức thư, Khanh nói đã học được ở ông rất nhiều thứ, đó là những gì?
- Tôi dạy con nên giúp đỡ người khác. Khi lên THPT, Khanh có xe máy nên thường rước bạn đi học chung. Khanh sợ tôi lo, nhưng tôi nói giúp được thì cứ giúp. Rồi bạn trong lớp Khanh cần máu phẫu thuật, tôi cũng động viên con hiến giúp bạn.
Tôi dặn con nên dè sẻn tiêu xài. Nhiều người cũng hứa hẹn khi Khanh học đại học sẽ hỗ trợ chút đỉnh, nhưng tôi không muốn dựa dẫm vào người khác.
Tôi viết thời khóa biểu bên hông tủ trực để những lúc ngồi đợi con tôi sẽ soạn tập giúp nó. Giờ Khanh 18 tuổi rồi. Ông nội cho Khanh chiếc xe máy 50 phân khối, nhưng mỗi ca trực đêm Khanh vẫn ở với tôi. Khanh ở nhà một mình, tôi không an tâm.
* Khanh có viết rằng "lục tung cả thế giới lên cũng không kiếm được người con rể nào như ba", ông là người rất tình nghĩa?
- Ông Cốc mà Khanh viết trong bức thư là ông ngoại vợ tôi, là người ngày xưa đứng ra làm lễ cưới cho tôi. Dù vợ chồng đã chia tay, nhưng vì cái tình cái nghĩa nên khi ông bệnh, tôi vẫn vô chăm sóc ông. Do phải ở lại ban đêm với ông, tôi phải gửi Khanh qua nhà người thân ngủ nhờ.
Với đồng nghiệp, tôi thường giúp họ sửa điện, sửa nước. Mấy lần họ chuyển chỗ trọ, tôi cũng phụ một tay. Cán bộ trong trường nhiều người còn khổ hơn mình, nên phụ được gì là tôi làm hết.
Làm bảo vệ nên tôi cũng thương học sinh trong trường lắm. Nhiều đứa 5h15 đã tới trường như Khanh nhà tôi. Tôi gọi mấy cháu vô trường ngồi, khóa cửa trường lại, rồi vừa sửa soạn cho con vừa canh chừng tụi nó. Giúp người khác tôi cũng không suy nghĩ gì nhiều, chủ yếu từ cái tâm của mình.
* Khanh nói mình đã lớn và "xúi" ông lo cho hạnh phúc riêng. Ông nghĩ sao?
- Không biết con có người yêu chưa mà dạo gần đây Khanh suy nghĩ: ba nên đi bước nữa, con đi học rồi không ai lo cho ba. Tôi nói giờ ba toàn lực lo cho con, lo cho ai nữa làm gì thêm mệt. Tôi phân tích cho nó hiểu những trở ngại khi lấy vợ ở tuổi này, với lại làm nghề bảo vệ như tôi cũng khó. Nó ngơ ngác: Nếu vậy rồi sao hả ba? Tôi nói: Bình thường, sau này con lo cho ba.
Tôi cũng như mọi người thôi, mọi người có thương con mọi người không? Chỉ khác ở chỗ điều kiện của tôi chỉ có một đứa nên thương con hơn, chứ đâu có gì lớn lao!
Nhà trường luôn tạo điều kiện cho anh Bình
Tôi thật sự rất khâm phục tình cảm của anh Bình dành cho con. Một tay anh Bình tắm rửa, chải tóc cho bé từ nhỏ. Có lẽ tình cảm của tôi dành cho con cũng không thể bằng tình cảm của anh Bình dành cho Khanh.
Ở trường, dù là bảo vệ, anh không ngại giúp đỡ mọi người. Đồng lương bảo vệ vốn eo hẹp, nhưng anh Bình luôn sẵn sàng san sẻ khoản tiền ít ỏi cho những công nhân viên khó khăn hơn.
Cô Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (hiệu trưởng Trường THCS Đồng Khởi)
"Ba là nguồn cảm hứng bất tận của con"
"Khi có con, ba đã dốc hết toàn lực của mình để nuôi con, cho con học hành đến nơi đến chốn. Ba nói: "Người ta có tiền tỉ để lại cho con cái, ba không có thứ gì hết, thứ ba để lại cho con là kiến thức. Tiền xài rồi cũng hết, mình có kiến thức làm cái gì cũng được".
Ba luôn tôn trọng ý kiến của con, tôn trọng điều con muốn làm, miễn là chuyện đó không hại ai cả. Ba xem con như một người trưởng thành nên thường tâm sự với con rất nhiều chuyện, kể cả những chuyện trọng đại trong gia đình. Điều đó làm con rất vui và thấy được trách nhiệm của mình.
Ba không chỉ là ba, là tiền bối, là bạn, mà còn là niềm cảm hứng bất tận của con. Con luôn muốn trở thành người giống như ba: lạc quan vui vẻ, giúp đỡ nhiều người. Ba dạy con không bằng lời nói, không bằng sự răn đe hay lý thuyết dài dòng phức tạp, ba làm mẫu cho con bằng mỗi hành động. Con cảm ơn ba vì tất cả.
Hôm nay, con muốn nói với ba rằng con lớn rồi, ba không cần lo cho con nhiều nữa đâu. Ba hãy đi tìm hạnh phúc của riêng mình vì ba xứng đáng hơn những gì ba đang có".
(Trích thư của Lê Đỗ Ngọc Khanh gửi ba)
TRỌNG NHÂN thực hiện
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-gui-ba-lam-bao-ve-ba-la-nguon-cam-hung-bat-tan-20180604092955542.htm