3 lý do người bệnh chưa hài lòng ở bệnh viện
Đồng cảm với các vấn đề nêu trong bài viết “Người bệnh chưa hài lòng điều gì?”, tôi góp thêm một số chuyện nhỏ mà bệnh viện thay đổi sẽ làm người bệnh hài lòng hơn.
Tôi vừa trải qua thời gian khá dài chăm mẹ chữa bệnh tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM. Được xem là bệnh viện khá đắt đỏ của TP.HCM nhưng người bệnh hài lòng bởi cơ sở vật chất hiện đại, công tác khám chữa bệnh và phục vụ nhiệt tình, chuyên nghiệp. Tuy vậy, tôi thấy còn một số chuyện nhỏ mà người bệnh mong muốn bệnh viện điều chỉnh:
1- Tế nhị khi thông báo viện phí
Việc tư vấn chi phí điều trị bệnh là vấn đề tế nhị, khá nhạy cảm. Tuy khi chọn bệnh viện này là thân nhân người bệnh đã nắm rõ và có sự chuẩn bị về tài chính, song điều đó không đồng nghĩa bệnh nhân cũng cần biết vấn đề này.
Như trường hợp mẹ tôi, bà đã lớn tuổi và xuất thân nghèo khó, nên gia đình tôi không muốn để mẹ biết về chi phí điều trị nhằm tránh lo lắng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Tuy vậy, ngay khi mẹ tôi vừa nhập viện, bác sĩ trực tiếp điều trị đã nói ngay chi phí cho ca mổ, giá các phòng điều trị... lên đến cả trăm triệu đồng ngay trước mặt người bệnh khiến mẹ tôi rất hoang mang. Khi ấy, chúng tôi phải đưa mẹ ra ngoài để giải thích, trấn an hồi lâu mẹ tôi mới tỏ vẻ an tâm.
Chưa kể, những ngày sau đó, nhân viên bệnh viện mỗi khi kêu đóng tiền tạm ứng đều mang phiếu vào phòng và đọc vanh vách số tiền tạm ứng hàng chục triệu đồng khiến người bệnh tỏ ra rất hoang mang.
Tôi nghĩ bệnh viện nên có cách trao đổi riêng với thân nhân và người đại diện (ủy quyền) của người bệnh về chi phí điều trị, tiền tạm ứng..., nhất là với người bệnh lớn tuổi, để không ảnh hưởng tinh thần, tâm lý người bệnh trong quá trình điều trị.
2 - Thống nhất trong hướng dẫn
Quá trình điều trị của bệnh viện không có gì phàn nàn, song có vẻ như nhân viên điều dưỡng chưa thực sự cho thấy sự chuyên nghiệp. Mẹ tôi có bệnh tiểu đường type 2 nên trong quá trình điều trị thường xuyên phải chích thuốc giảm lượng đường mỗi ngày vào các thời điểm khác nhau.
Thế nhưng, có điều dưỡng sau khi chích thuốc không hướng dẫn gì, khi thân nhân người bệnh hỏi thì mới hướng dẫn người bệnh ăn uống sau đó 30 phút, điều dưỡng khác lại hướng dẫn "chích xong ăn liền", điều dưỡng khác nữa thì trả lời "ăn khi nào cũng được"... Việc không thống nhất trong hướng dẫn như vậy rõ ràng làm thân nhân người bệnh hoang mang.
3- Nhắc nhở giữ yên tĩnh phòng bệnh
Sự yên tĩnh trong phòng bệnh là rất quan trọng đối với sức khỏe người bệnh và thân nhân khi phải chăm người bệnh lâu dài. Tuy vậy ở nhiều phòng bệnh, không ít thân nhân chăm bệnh thường xuyên mở tivi âm lượng lớn và bất chấp giờ giấc (cả giờ nghỉ trưa và quá khuya), ảnh hưởng không nhỏ đến giấc ngủ người bệnh.
Chưa kể, nhiều thân nhân chăm bệnh cũng thường xuyên sử dụng thiết bị cá nhân (điện thoại, máy tính bảng...) âm lượng lớn vào những giờ người bệnh nghỉ ngơi.
Nhắc nhở nhau giữa thân nhân chăm người bệnh là điều tế nhị vì đây là vấn đề phụ thuộc thói quen, ý thức cá nhân. Tuy vậy, theo tôi, hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng nội quy phòng bệnh và cần được sự kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên của nhân viên bệnh viện, mà gần nhất là các nhân viên điều dưỡng vốn gắn bó với phòng bệnh.
Lo lắng thang máy quá tải
Ở các bệnh viện lớn, lượng khách đông nên việc xếp hàng dùng thang máy là bắt buộc. Có thể nói lực lượng bảo vệ làm tốt việc hướng dẫn xếp hàng vào thang máy, song có vẻ họ chưa dứt khoát trong việc để người vào thang máy đúng quy định.
Trong mỗi thang máy ghi rõ tải trọng thang máy là 1.000kg (13 người) nhưng tôi thấy thang máy luôn đầy nghẹt người, vượt số lượng cho phép. Điều lạ là mỗi khi thang máy phát âm thanh quá tải trọng, thay vì cương quyết mời người vào sau bước ra đợi đi lượt khác thì bảo vệ lại hướng dẫn họ bước ra rồi... rón rén bước vào.
Việc cho thang hoạt động quá tải trọng và đối phó bằng thủ thuật như vậy làm người sử dụng thang máy lo lắng. Đó là chưa kể điều này dễ khiến thang máy giảm tuổi thọ, tiềm ẩn sự mất an toàn cho người sử dụng.