Chọn ngành học là đầu tư cho tương lai: Cha mẹ không nên áp đặt con cái
Theo các chuyên gia, cha mẹ cần biết cách dung hòa giữa ước mơ nghề nghiệp của con và sự kỳ vọng của gia đình, cũng như biết chia sẻ tâm tư, tình cảm và những vấn đề trong cuộc sống cùng con...
Để con tự trải nghiệm
Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Bích Hồng, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cha mẹ góp phần tác động tích cực đến nhận thức của con cái trong việc xây dựng định hướng nghề nghiệp phù hợp. Tuy nhiên, cha mẹ chỉ nên đóng vai trò là người đồng hành, hỗ trợ con trong việc xây dựng thái độ sống tích cực để khám phá phát triển bản thân chứ không nên quyết định thay ước mơ của chúng.
“Hầu hết cha mẹ đều mong con cái sẽ học hành thật tốt để sau này có nghề nghiệp ổn định. Trong thực tế, nhiều phụ huynh còn tỷ lệ nghịch trong việc dung hòa giữa ước mơ nghề nghiệp của con và sự kỳ vọng của gia đình. Tôi đã thấy có nhiều ông bố, bà mẹ rất khó khăn trong việc lắng nghe, chia sẻ tâm tư, tình cảm và những vấn đề trong cuộc sống, học đường của con cái”, TS Hồng nói.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cha mẹ nên tập cho con có tính độc lập càng sớm càng tốt, TS tâm lý Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Phân viện miền Nam (Học viện Thanh thiếu niên VN), khuyên: “Cha mẹ có thể thường xuyên quan tâm đến con nhưng phải để con tự làm, tự trải nghiệm. Nên tạo điều kiện để con biết cách tự giải quyết vấn đề và chỉ giúp đỡ con trong trường hợp thật cần thiết nếu việc đó con không thể thực hiện được. Cha mẹ hãy thể hiện thái độ thương yêu nhưng không nên bảo bọc thái quá. Đặc biệt, cha mẹ nên định hướng và khơi dậy những sở thích, tiềm năng để con có thể phát triển năng khiếu của mình”.
Định hướng, tôn trọng quyết định của con
Theo TS Bích Hồng, các con thường có những khả năng, mong muốn và ước mơ của riêng mình. Chính vì vậy, cha mẹ nên đóng vai trò là người định hướng nhưng phải tôn trọng những mơ, quyết định cuối cùng của con.
TS Bích Hồng cho biết con người có 9 loại trí thông minh. Đó là, tự nhiên (nhạy cảm và hiểu biết các yếu tố trong thiên nhiên), âm nhạc và thính giác (nhạy cảm với âm thanh, thẩm âm tốt), toán học và logic (khả năng giải toán và lập luận tốt), tương tác và giao tiếp (giao tiếp tốt, dễ gây cảm hứng), thể chất (giỏi chế tạo, xây dựng, kỹ năng cử động cơ thể chuẩn xác), ngôn ngữ (khả năng diễn đạt và thuyết phục tốt), nội tâm (thấu hiểu bản thân muốn gì, khả năng tập trung cao), không gian và thị giác (giỏi quan sát, xoay xở với các loại đồ vật và không gian), triết học (có tư tưởng lớn).
Với người giỏi tư duy logic toán học, việc học toán rất dễ. Ai giỏi văn thì viết văn bay bổng. “Chính vì vậy, cha mẹ phải là người luôn luôn quan sát để biết được thế mạnh của con là gì, thích gì để đồng hành, giúp đỡ con phát huy hết năng lực bản thân”, TS Hồng chia sẻ.
“Chúng ta có quyền ước mơ về con mình nhưng cũng đừng quá viển vông, xa rời thực tế. Nói chung, những mong muốn của cha mẹ phải phù hợp với sở trường, khả năng của con cái. Ví dụ, con mình hát hay, muốn trở thành ca sĩ nhưng cha mẹ lại ép con vào học ngành bác sĩ thì không phù hợp nên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về sau”, TS Hồng cảnh báo.
TS Bích Hồng phân tích: “Ở trường hợp này, sẽ dẫn đến kết quả như sau. Có thể con bạn vì sự hiếu thảo, muốn vâng lời cha mẹ nên nhắm mắt đi theo, học để cho cha mẹ vui lòng. Lúc đó sẽ có 2 trường hợp xảy ra. Nếu thành công thì tỷ lệ này rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay, mà có chăng thì cũng không phải là thành công tuyệt đỉnh vì con bạn vốn có sở trường thuận tay phải mà bị ép cầm tay trái. Trường hợp thứ hai con bạn nhắm mắt đi theo nhưng không theo nổi nên gãy gánh nửa chừng. Lúc đó, con bạn sẽ quay lại trách cha mẹ hoặc nhẹ hơn là trách bản thân mình không làm được điều mà cha mẹ mong muốn. Chính vì trách cứ bản thân mình theo năm tháng nên dẫn đến mất động lực phấn đấu trong cuộc sống”.