Trong hoạt động đào tạo nhân lực, cần chú trọng mục tiêu cải thiện năng suất khoa học.
Trong số các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đại học, việc tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ là một giải pháp. Nhưng theo chúng tôi, với cung cách đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua, việc tăng tỷ lệ tiến sĩ là không khó và đây không chắc là giải pháp cần ưu tiên. Thay vào đó, cần phải cải thiện cho được năng suất khoa học. Năng suất khoa học có thể được đo qua nhiều chỉ báo nhưng một trong những chỉ báo quan trọng không thể không nói tới là số lượng tác phẩm khoa học (mà cụ thể là số bài báo quốc tế) được công bố.
Có thể nói rằng, năng suất khoa học của Việt Nam hiện nay còn thấp. Nếu so với Thái Lan - nước có tỷ lệ giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ không cao hơn Việt Nam bao nhiêu (24% so với 22,7%), số bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI trong giai đoạn 2012-2016 của họ cao hơn hẳn so với chúng ta (8.847 so với 3.814). (https://news.zing.vn/dao-tao-tien-si-o-viet-nam-chat-luong-thap-tut-hau-so-voi-the-gioi-post796288.html). Việc nâng cao năng suất khoa học sẽ tác động mạnh đến chất lượng đào tạo đại học cũng như của cả nền khoa học.
Để có thể tăng được năng suất khoa học thì trước hết phải tăng chất lượng đào tạo tiến sĩ, ít nhất là phải đạt được chuẩn mực của các nước mạnh về khoa học ở cùng khu vực Đông Nam Á. Bên cạnh đó, phải cải thiện cho được các điều kiện làm việc cho những người làm khoa học, tăng mức độ đãi ngộ kèm theo đó là những ràng buộc. Chẳng hạn, hàm phó giáo sư, giáo sư cần có thời hạn, tức phải đặt ra quy định là sau một khoảng thời gian nào đó, nếu những người được phong hàm không có đóng góp gì mới cho khoa học thì cái học hàm được phong trước đây cũng không còn.
Lê Minh Tiến