Người Việt ăn thiếu rau thừa muối, uống quá nhiều rượu bia
"Người Việt Nam tưởng ăn nhiều rau nhưng không phải. Chúng ta ăn thiếu rau, thiếu quả nhưng lại thừa muối. Hút thuốc lá chúng ta cũng cao hơn trung bình thế giới. Uống bia rượu thì quá nhiều, quán bia có khắp các đường phố".
Giới thiệu về nghị quyết "tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới"; và nghị quyết về "công tác dân số trong tình hình mới" tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 vào sáng nay 30-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy.
45% người dân uống bia, rượu
Theo Phó thủ tướng, số liệu điều tra của các tổ chức quốc tế cho thấy tại Việt Nam, hơn 57% người trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Mỗi người dân dùng 9,4 gam muối/ngày, gấp 2 lần so với khuyến cáo. 22,5% người dân hút thuốc lá, và đặc biệt có đến trên 45% nam giới hút thuốc.
Phó thủ tướng cho biết số liệu từ các dự án quốc tế cho thấy gần 45% người dân uống bia rượu và hơn 22% uống ở mức nguy hại. Người Việt Nam uống bia rượu đứng thứ 29 trên thế giới.
Bệnh tật học dường ở mức rất cao và tiếp tục gia tăng, cận thị có đến 20-35% và cong vẹo cột sống chiếm 15-30%. Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhất là môi trường nông thôn.
Về tài chính, đầu tư, ông Vũ Đức Đam cho biết mức đầu tư, chi cho y tế bình quân của Việt Nam còn thấp, tư nhân đầu tư vào y tế còn thấp…
Trong bài giới thiệu của mình, Phú thủ tướng cũng cho biết thế giới cũng đánh cao các mặt tích cực của y tế Việt Nam. Công tác phòng chống dịch và tìm kiếm cứu nạn rất tốt, ví như trong phòng chống dịch SARS thì VN đưa ra được phác đồ phòng chống dịch khiến giới y khoa thế giới ngưỡng mộ. "Thế giới ghi nhận Việt Nam có nhiều nỗ lực "vượt khó" trong lĩnh vực y tế…".
Một trong những điểm đáng mừng, theo Phó thủ tướng, là nhân lực y tế phát triển mạnh, số lượng tăng từ 200.000 (năm 1993) lên 465.000 người vào năm 2016.
Đến nay, 87,5% số xã đã có bác sĩ, 96% thôn, bản có nhân viên y tế. Tỷ lệ bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 4,1 năm 1993 lên trên 8% vào năm 2016. Một số bác sĩ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong khu vực và thế giới.
Người dân phải được khám sức khỏe định kỳ?
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Phải làm cuộc cách mạng về y tế cơ sở".
Theo ông Đam, thế giới hiện đã hướng về y tế cộng đồng, mô hình bác sĩ gia đình. Tại Việt Nam, y tế cơ sở cấp xã, phường thường có đến 6 nhân viên, nhưng người bệnh lại cứ hướng hết lên trên.
"Ta phải thay đổi căn bản. Bây giờ phải giao nhiệm vụ cho nhân viên y tế xã, cấp xã phải phấn đấu nâng cao năng lực để làm được các việc cơ bản. Sau đó sẽ căn cứ theo công việc mà giao chi phí.
Làm tốt thì tay nghề bác sĩ cơ sở sẽ nâng lên, thu nhập của họ cũng tăng lên và họ yên tâm cống hiến cho nghề. Phải có đề án về cơ chế tài chính cho y tế cơ sở. Tiếp đó, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục các việc, dịch vụ cấp cơ sở", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói.
Theo Phó thủ tướng, phải cơ cấu lại, phải tập trung nhiều cho y tế cơ sở.
"Thế giới họ tập trung cho cơ sở, còn ta thì tập trung cho tuyến trung ương. Vì thế, nhiệm vụ này hết sức nặng nề vì hiện cơ cấu của chúng ta ngược hết với thế giới", ông Đam nói.
Ông Đam cho rằng các địa phương, tùy tình hình mà có thể không cần y tế xã mà đưa về huyện, có như vậy thì y bác sĩ mới có điều kiện nâng cao tay nghề, y tế cấp huyện sẽ được đầu tư tập trung.
Về lâu dài, người dân phải được khám sức khỏe định kỳ. Chỉ cần khám đơn giản thì cũng có thể phát hiện bệnh, cứu được nhiều người.
Ông Đam nêu dẫn chứng, ngay tại Hưng Yên, mặc dù sát Hà Nội nhưng nhiều người già không được khám bệnh định kỳ, khi có chương trình mổ đục thủy tinh thể về địa phương thì phát hiện có quá nhiều người già có nguy cơ mù lòa. Khi phát hiện, chỉ phẫu thuật đơn giản thì đã giúp những người già này thoát khỏi mù lòa.
"Việc khám bệnh định kỳ cho người dân là rất cần thiết, tiến tới phải khám sức khỏe định kỳ cho người dân. Người dân chỉ cần khám sức khỏe đơn giản, siêu âm, khám mắt, khám họng", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng mong muốn các địa phương, tùy ngân sách, theo gói dịch vụ mà tổ chức khám sức khỏe dần dần cho người dân để tiến tới mỗi người dân có sổ hồ sơ về sức khỏe như các nước khác đã làm.