Những người trẻ chọn lối đi riêng trên mạng xã hội
Nhiều bạn chọn hướng tạo clip giáo dục trên mạng xã hội YouTube, tạo nên tên tuổi riêng với số lượt người xem, theo dõi lên đến hàng triệu từ trong nước lẫn ngoài nước.
Gõ từ khóa "TOEIC mỗi ngày" trên Google, chúng ta nhận về gần 500.000 kết quả. Còn theo dữ liệu của YouTube cung cấp, tổng số lượt xem của kênh có tên trên là gần 3,5 triệu.
Chủ của kênh trên là gương mặt 9X Đỗ An Duy với thành tích 10 lần thi TOEIC đạt điểm tuyệt đối 990/990.
Mạng xã hội tưởng là ảo nhưng tình cảm, sự ấm áp là thật
TIẾN NGUYỄN GUITAR
Những cơ duyên
Tốt nghiệp ĐH Ngoại thương TP.HCM, nhưng An Duy quyết định không đi theo con đường này. "Ngày đó, thấy trường nào "hot" thì thi vào, nhưng sau này tôi chọn làm cái mình giỏi và phù hợp nhất. Do từng là học sinh giỏi quốc gia tiếng Anh, tôi chọn đi dạy và thấy thích nghề này.
Tôi đi dạy trung tâm một thời gian thì làm clip dạy miễn phí để mọi người biết đến mình nhiều hơn, nào ngờ số lượng người xem và theo rất nhiều nên sau đó tôi đầu tư làm clip một cách chỉn chu" - An Duy nhớ lại khoảng thời gian giữa năm 2014.
Còn Lan Huỳnh (28 tuổi), gương mặt sở hữu kênh Talk to Miss Lan có tổng lượt xem 11 triệu đến từ nhiều quốc gia, lại tạo dựng kênh YouTube riêng từ sự bức bối cá nhân.
"Tôi từng học chuyên ngành tiếng Anh và nhận thấy vùng đất Cần Thơ của mình không có nhiều nơi để các bạn trẻ luyện tập nghe, nói tiếng Anh nên đầu tư mở quán cà phê luyện tiếng Anh. Chẳng ngờ nhiều người thích đến và sau đó ngỏ lời nhờ tôi dạy. Tôi mở lớp dạy chuyên phát âm từ giữa năm 2013, rồi quyết định quay một chuỗi nhiều bài giảng để bán, vừa tiết kiệm sức vừa có thể phục vụ người ở xa" - bạn kể.
Dẫu vậy, Lan Huỳnh cuối cùng lại không thấy hài lòng về chất lượng các clip nên quyết định đưa lên mạng miễn phí. Suy nghĩ ban đầu là chỉ cần người ta hưởng ứng, trân trọng điều mình làm ra nhưng Lan Huỳnh không ngờ các clip đó thu hút hàng triệu lượt xem.
Từ Nha Trang vào TP.HCM để theo học song song ngành điện tử viễn thông lẫn công nghệ thông tin, ThS Diệp Bảo Quốc Thái (chủ tài khoản kênh Microsoft MCSA/MCSE Learning Channel với tổng số lượt xem trên 2 triệu đến từ nhiều quốc gia) cho biết bạn "bén duyên" với YouTube sau nhiều lần mày mò, "vật vã" trên mạng nhưng không kiếm được các thông tin hỗ trợ, kiến thức chuyên ngành cần thiết.
"Sau đó tôi và một người bạn triển khai một diễn đàn online vào năm 2008 để cung cấp thông tin miễn phí cho những người cùng hoàn cảnh" - Quốc Thái nói.
Đương đầu thử thách
Do tình cờ "bén duyên" hoặc bước vào con đường này như một dân nghiệp dư, hầu hết các bạn trẻ trên đều từng trải qua nhiều khoảnh khắc dở khóc dở cười giai đoạn đầu.
Bạn Nguyễn Ngọc Thùy Uyên (29 tuổi, chủ tài khoản Thùy Uyên Design Tutorials, dạy về chỉnh sửa kỹ thuật số, sử dụng các công cụ và thiết kế giao diện, có gần 2 triệu lượt xem) cho biết một trong những điều khiến bạn buồn, nản lòng đến mức nhiều lần muốn bỏ việc đăng clip miễn phí trên mạng là việc nhận những bình luận đả kích, chê bai vô cớ. Song song đó, một số cá nhân "copy" nội dung, thiết kế trên clip của Thùy Uyên và quay ngược lại chửi bạn khi bạn phát hiện, góp ý.
"Khi đó tôi đang mang thai, họ chửi luôn cả đứa con chưa chào đời. Tôi sốc quá nên không màng làm clip chia sẻ trên YouTube nữa. Nhưng lúc đó rất nhiều bạn khác vào khuyên và động viên tôi hãy nghĩ đến những giá trị tích cực mà bản thân đem lại cho cộng đồng, đừng bỏ cuộc vì những điều không đâu. Nghe vậy, tôi lại tiếp tục con đường này" - Thùy Uyên nhớ lại.
Bên cạnh đó, Thùy Uyên cũng gặp khó khăn về thời gian do bận rộn với công việc chính, bạn thừa nhận bản thân chỉ đăng, biên tập clip khi rảnh chứ không cập nhật thường xuyên. "Lúc đầu tôi cũng không biết dựng phim, không biết cắt ghép, chỉnh sửa clip gì cả... phải tự mày mò, tự tìm hiểu thêm nhiều nơi vì tôi muốn clip của mình phải chất lượng về hình ảnh lẫn âm thanh" - Thùy Uyên chia sẻ.
Còn với bạn Trương Đoan Bội Ngọc (chủ tài khoản Bội Ngọc Piano có số lượt xem trên 8 triệu đến từ Việt Nam, Mỹ, Úc...) thì khó khăn chủ yếu đến từ việc cân đối thời gian học và làm clip trên YouTube. Cô cựu sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM tiết lộ bản thân từng phải giấu gia đình việc mua đàn piano và làm clip trên mạng.
"Gia đình sợ tôi chểnh mảng học hành nên tôi phải mua đàn, các thiết bị hỗ trợ thu âm, quay hình... bằng số tiền kiếm được từ việc làm thêm" - Bội Ngọc nói.
Có thâm niên chơi đàn từ năm 12 tuổi, Bội Ngọc không gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp, ghi chú lại hợp âm, cách đàn đơn giản nhất để mọi người dễ tập theo.
CÔNG NHẬT
Nguồn: https://tuoitre.vn/nhung-nguoi-tre-chon-loi-di-rieng-tren-mang-xa-hoi-20171128111352655.htm