TP HCM được trao cơ chế riêng
P HCM được tự chủ có giới hạn về thu chi ngân sách để đầu tư hạ tầng, cải cách tiền lương... Tuy nhiên, ngân sách trung ương cắt 10.000 tỉ đồng cho các dự án chống ngập.
Với gần 94% số phiếu tán thành, chiều 24-11, Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2018.
Hưởng 100% số thu tăng thêm
Nghị quyết cho phép HĐND TP đề xuất để Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ QH quyết định áp dụng trên địa bàn TP thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng không quá 25% so với mức hiện hành.
TP HCM được trao cơ chế tự chủ có giới hạn các nguồn thu để đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án chống ngập. Trong ảnh: Ngập nước trên đường Hồng Bàng, quận 6, TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngân sách TP được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu nêu trên so với quy định hiện hành để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách TP và không dùng để xác định tỉ lệ % đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách TP.
Cơ chế về việc thí điểm ban hành thuế tài sản với TP HCM đã chính thức được rút ra khỏi nghị quyết này. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, trình QH ban hành Luật Thuế tài sản để áp dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc theo định hướng về cải cách hệ thống thuế quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Được vay thông qua phát hành trái phiếu
Đặc biệt, TP được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách TP được hưởng theo phân cấp.
Kế đến, ngân sách TP cũng được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của TP.
Đáng lưu ý, ngân sách TP được hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu. Nghị quyết nêu rõ: TP sử dụng nguồn thu này và ngân sách TP để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, kể cả đầu tư cho các dự án chống ngập. Ngân sách trung ương không bổ sung cho TP 10.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án này như dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, để chia sẻ khó khăn của ngân sách TP, Ủy ban Thường vụ QH xin QH cho phép tiếp tục phân bổ 8.800 tỉ đồng cho các dự án bệnh viện đã được Chính phủ giao kế hoạch cho TP.
Ngoài ra, theo nghị quyết, TP được trao quyền thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định. HĐND TP được quyết định bố trí ngân sách TP chi thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức do TP quản lý theo hiệu quả công việc, với mức tối đa không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ.
Chốt đền bù sân bay Long Thành gần 23.000 tỉ đồng
Với trên 91,45% số phiếu tán thành, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành. Cụ thể, QH đồng ý triển khai dự án trên diện tích gần 5.400 ha, trong đó diện tích đất của dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là 5.000 ha, 282 ha cho khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn; 20 ha đất cho khu nghĩa trang. Tổng mức đầu tư dự án là 22.938 tỉ đồng, đã bao gồm chi phí dự phòng phát sinh do trượt giá và biến động về số liệu đất đai.
Cùng ngày, QH cũng thông qua Luật Quy hoạch, Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Giữ nguyên mức kỷ luật bà Phan Thị Mỹ Thanh
Tại phiên họp báo thông báo kết quả kỳ họp thứ 4 QH khóa XIV vào cuối ngày 24-11, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Ủy ban Kiểm tra trung ương đã quyết định thi hành cảnh cáo đối với đại biểu QH Phan Thị Mỹ Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Nai - do vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng.
Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong quá trình xem xét các vấn đề liên quan đến bà Phan Thị Mỹ Thanh, bà này có đơn khiếu nại liên quan đến việc bị kỷ luật. "Đoàn công tác của Ban Bí thư đã làm việc và giữ nguyên mức kỷ luật cảnh cáo với bà Thanh. Liên quan đến công tác cán bộ, các cơ quan chức năng quản lý cán bộ đang làm, kết quả thế nào sẽ báo cáo QH" - ông Phúc thông tin.