Cho sinh viên ngành khác chuyển sang ngành CNTT: Không thể tăng quy mô đột ngột

on .

Cho sinh viên ngành khác chuyển sang ngành CNTT /// Đào Ngọc Thạch
 
Cho sinh viên ngành khác chuyển sang ngành CNTT.

Nhiều cán bộ quản lý trường ĐH cho biết ủng hộ chủ trương của Bộ GD-ĐT về tăng cường năng lực đào tạo ngành công nghệ thông tin (CNTT), còn với bài toán chất lượng thì phải do từng trường tự định đoạt.

Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng Trường ĐH dân lập Hải Phòng, cho rằng chủ trương của Chính phủ và Bộ GD-ĐT là kịp thời trong bối cảnh đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tăng quy mô đào tạo ngành CNTT và cho ngành này cơ chế đặc thù là giải pháp cần thiết, còn chất lượng đào tạo ra sao thì đó là câu chuyện của từng cơ sở đào tạo.
Theo GS Nghị, trong bối cảnh tuyển sinh khó khăn của những năm gần đây, riêng ngành CNTT thì tuyển dễ hơn cả, do đầu ra khá tốt. Vì thế trường có kế hoạch mở rộng quy mô tuyển sinh ngành này, nên đã chuẩn bị lực lượng giảng viên tương ứng với quy mô tuyển sinh.
Còn theo PGS Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, chủ trương của trường là không ưu tiên quy mô, mà ưu tiên chất lượng, do đó dù Bộ GD-ĐT cho ngành này cơ chế đặc thù thì trường cũng vẫn chỉ tăng chỉ tiêu ngành này một cách thận trọng. Theo ông Tớp, căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và lực lượng giảng viên hiện có, mỗi năm trường chỉ tuyển mới khoảng hơn 700 sinh viên cho ngành CNTT. Nếu vận dụng cơ chế đặc thù, trường có thể huy động thêm khoảng 15 - 20 cán bộ giảng dạy của một số viện (thuộc trường), thì cũng chỉ có thể tăng chỉ tiêu mỗi năm thêm khoảng hơn 200 sinh viên.
Ông Tớp phân tích: “Với lứa sinh viên tuyển mới năm 2018 thì đơn giản, trường chỉ cần thông báo tuyển 1.000 chỉ tiêu ngành CNTT là được. Nhưng với sinh viên hiện đang học năm 1, năm 2 chuyển sang học ngành CNTT thì trường phải bàn, vì liên quan tới nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề đảm bảo sự công bằng cho những em khác. Có thể trường sẽ phải đặt ra một số điều kiện, chẳng hạn như điểm đầu vào ĐH, rồi điểm học tập - rèn luyện thời gian qua”.
Về khả năng tăng chỉ tiêu đào tạo nhờ có người của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, ông Tớp cho rằng đó là giải pháp lâu dài chứ khó thực hiện ngay trong một vài năm tới.
Quý Hiên