Việc liên kết đào tạo với nước ngoài trong một thời gian dài thiếu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật đã nảy sinh nhiều hệ lụy với cả người học, cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý.
Gần đây xảy ra 2 vụ việc liên quan tới các chương trình đào tạo liên kết của 2 đơn vị đào tạo lớn hàng đầu của cả nước khiến dư luận bàn tán xôn xao. Một là bằng tiến sĩ Trường ĐH Nam Califonia của ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; hai là bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Bằng của ông Hiển do Viện Quản trị kinh doanh Brussels (United Business Institutes Brussels, Bỉ - UBI) cấp, sau khi ông Hiển theo học một chương trình liên kết đào tạo giữa đơn vị này với ĐH Quốc gia Hà Nội. Bằng tiến sĩ của ông Xuân Anh là do Trường ĐH Nam California (Southern California University, trước năm 2007 có tên là Southern California University for Professional Studies - SCUPS) cấp. Bằng của cả hai người đều chưa được Bộ GD-ĐT công nhận, do chương trình (hoặc cơ sở) đào tạo chưa được kiểm định theo luật pháp của nước có đơn vị cấp bằng.
Sự việc của ông Nguyễn Xuân Anh ồn ào còn bởi SCUPS từng là đơn vị đối tác liên kết đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Chính ông Xuân Anh cũng theo học chương trình thạc sĩ liên kết giữa Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với Trường SCUPS. Theo PGS Nguyễn Đắc Trung, Viện trưởng Viện sau ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhà trường liên kết đào tạo với SCUPS 3 khóa (1999, 2000, 2001) cả thạc sĩ, tiến sĩ với tổng số người được cấp bằng là 229. Dĩ nhiên văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ của 229 người học này đều không được công nhận (nếu họ có nhu cầu được công nhận).
Liên kết với “đại học ma” !
|
|
|
Khi đăng ký theo học những chương trình đó, người học đã biết hoạt động đào tạo không ra gì nhưng họ muốn có bằng nên vẫn cố đấm ăn xôi. Vì thế mà họ phải chấp nhận rủi ro cùng với các bên liên quan
|
|
|
Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT
|
|
|
Theo nhiều chuyên gia, 1994 - 2012 là giai đoạn sơ khai của hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài, xảy ra nhiều bê bối với số “nạn nhân” lên đến hàng nghìn người.
điển hình là vụ liên kết với “đại học ma” của Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội (ĐH Hà Nội sau này). Tháng 6.1995, Trường ĐH Quốc tế châu Á (AIU) được thành lập trên cơ sở liên kết với Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội đào tạo ngoại ngữ và một số môn học khác như vi tính, kế toán, quản trị thương mại, được phép đào tạo các học vị cử nhân và cả thạc sĩ, tiến sĩ. Tuy nhiên, tới năm 2001, cơ quan an ninh đã điều tra và khẳng định ở Đài Loan không có trường ĐH nào mang tên ĐH Quốc tế Đài Bắc hay ĐH Quốc tế châu Á như trong các văn bản hồ sơ xin liên kết thành lập AIU ở VN. Vụ việc đã khiến Thứ trưởng Vũ Ngọc Hải (đã mất), Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Trần Văn Nhung (nay là Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước) và một số cán bộ khác bị kỷ luật.
Quy định không đuổi kịp thực tiễn
Những tình cảnh “tréo ngoe” nói trên được những người trong cuộc lý giải như là hệ quả của một thời kỳ “sơ khai” khi nhà nước chưa có các văn bản pháp luật quy định về liên kết đào tạo. Còn người học và các trường ĐH trong nước hoàn toàn chưa có khái niệm về kiểm định chất lượng.
Giải thích về việc đào tạo liên kết với SCUPS, ông Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng cần phải tính đến bối cảnh xã hội lúc bây giờ. “Lúc đó chúng ta còn chập chững đi liên kết đào tạo, trong khi chưa có đầy đủ văn bản pháp lý. Lúc dừng chương trình, tôi cũng không nghĩ sẽ có những vấn đề như ngày hôm nay. Tất cả những người phụ trách chương trình ấy ngày đó nghỉ hưu hết rồi, thậm chí đã qua đời. Thời đó, các quy định về công nhận bằng cấp, điều kiện của các đối tác liên kết như thế nào cũng chưa được đặt ra”, ông Tớp giải thích.
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cũng đề cập việc luật Giáo dục 1998 chưa hề có khái niệm kiểm định chất lượng như một minh chứng cho nhận xét quá trình nhận thức về đảm bảo chất lượng giáo dục ĐH của cơ quan xây dựng luật cũng như của các cơ sở đào tạo.Từ sau năm 2000 mới vỡ dần ra và đến 2005 thì mới đưa vào luật Giáo dục sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Xuân Vang, nguyên Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, trước năm 2000, không có bất cứ quy định nào về liên kết đào tạo. Tới năm 2000, Chính phủ có ban hành Nghị định 06 về hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và năm 2001 có Nghị định số 18 quy định về việc thành lập hoạt động của các cơ sở văn hóa, giáo dục nước ngoài tại VN. Tuy nhiên, cả 2 nghị định này đều không quy định cụ thể về liên kết đào tạo. Tới năm 2012, Chính phủ mới ban hành Nghị định 73 hợp nhất 2 nghị định nói trên thì mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo.
Tình hình các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của Bộ GD-ĐT đến năm 2016ĐỒ HỌA: LÊ HIỆP
|
Muốn có bằng nên “cố đấm ăn xôi” ?
Theo nhiều chuyên gia, trước đây không nhiều người học biết rằng giá trị của bằng cấp luôn đi liền với điều kiện đảm bảo chất lượng để đăng ký vào các chương trình liên kết. “Người học thường đặt lòng tin vào trường có uy tín và cơ quan quản lý cho phép. Tuy nhiên, họ cũng nên tìm hiểu chương trình, biết là mình học cái gì và cách thức tổ chức thực hiện chương trình. Ví dụ học không dùng tiếng Anh, việc giảng dạy, trao đổi thông qua phiên dịch, thi kiểm tra đánh giá dễ dãi cả đầu vào và đầu ra... thì nên đặt dấu hỏi về chất lượng của chương trình”, một chuyên gia cho biết.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cũng nhìn nhận: “Có một thực tế là những người học ấy đã tìm cách để được học trong một điều kiện dễ dãi, không đảm bảo chất lượng. Khi đăng ký theo học những chương trình đó, người học đã biết hoạt động đào tạo không ra gì nhưng họ muốn có bằng nên vẫn cố đấm ăn xôi. Vì thế mà họ phải chấp nhận rủi ro cùng với các bên liên quan”.
Theo ông Nguyễn Xuân Vang, sắp tới các trường tự chủ thì sẽ được tự chủ trong liên kết đào tạo. Do đó, lúc này cần tăng cường kiểm tra vì các trường tự chủ cấp phép phải tự chịu trách nhiệm. Ông Vang cũng cho hay hiện nay, về cơ bản, các quy định cấp phép liên kết đào tạo đã tương đối chặt chẽ nên vấn đề là cảnh báo cho người học, thông tin kịp thời, đầy đủ để họ tự quyết định. “Quan trọng nhất là phải tăng cường kiểm tra các trường hợp tác liên kết chui. Tuy vậy, hiện nay muốn chui cũng không dễ vì người học đã có nhiều thông tin hơn. Website của Cục Hợp tác quốc tế vẫn cập nhật thường xuyên danh sách các chương trình liên kết đã được Bộ GD-ĐT cấp phép và tình trạng hoạt động của các chương trình này để người đọc có thông tin. Trước đây lộn xộn một phần vì người học không có đủ thông tin”, ông Vang nói.
Nên đưa vào luật việc công nhận văn bằng
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương, cho rằng vấn đề công nhận văn bằng của các chương trình liên kết nên được đưa vào luật Giáo dục ĐH để có khung quy định sẽ thuận lợi hơn cho việc triển khai trên thực tế. “Khi làm công tác bổ nhiệm cán bộ, chúng tôi rất bối rối vì không biết văn bằng nào được công nhận hay không, mà nếu vì việc này lại phải làm văn bản sang Bộ GD-ĐT để xác nhận rất lâu, trong khi quy trình làm công tác bổ nhiệm cán bộ chỉ 3 tháng. Vì vậy, nếu có thông tin chính thức thì sẽ rất hữu ích. Tôi nghĩ trong thời gian tới, cần phải quy định rõ về việc này và có thông báo cho các cơ sở đào tạo và xã hội”.
|
Quý Hiên - Cẩm Giang
Nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/be-boi-chuong-trinh-lien-ket-nuoc-ngoai-881378.html