Cô, trò và... Facebook!

on .

Giờ ra chơi, mấy giáo viên ngồi lại với nhau. Nội dung của câu chuyện là những tin “nóng” đang lan truyền trên Facebook.

Cô, trò và... Facebook! - Ảnh 1.

Nhờ làm bạn với học trò trên Facebook mà tôi thấy cuộc cãi vã và hẹn nhau “thanh toán” của những cô cậu học trò lớp 10. Tôi đã nhanh chóng kết hợp với Đoàn thanh niên trường xử lý êm xuôi.

Cô Bích Nhàn

Một giáo viên kiên quyết bảo: "Đừng bao giờ chấp nhận kết bạn với học sinh trên Facebook. Có nhiều thứ trên Facebook của giáo viên mà học sinh không nên biết, bất tiện lắm".

Kết bạn với trò: nhiều quan điểm

Rồi một giáo viên khác bức xúc chuyện học sinh trong trường lập Facebook bằng những cái tên rất "kêu" và vào "like" (thích) những nội dung không nên "like". 

Tôi thấy bất đồng với quan điểm của mình nên ngồi im và không chia sẻ gì. Bởi Facebook của tôi, bạn bè phần lớn là học trò. Tôi nghĩ đơn giản: cô cùng "chơi Face" với học trò cũng tiện. Không phải lúc nào ở trên lớp cũng đủ thời gian cho cô và trò.

 

Cũng có lý do khi bảo học trò không nên đọc những chia sẻ của thầy cô trên Facebook. Nhưng tôi lại nghĩ, làm bạn với học trò trên Facebook cũng là cách để giáo viên đồng hành với học trò ở ngoài nhà trường (dù là thế giới ảo). Thế vẫn thuận lợi hơn trong việc giáo dục, uốn nắn học trò. 

Nếu không muốn học trò nhìn thấy nội dung nào đó thì chọn chế độ cài đặt khi đăng bài. Như tôi, là một người bạn của học trò trên Facebook, tôi sẵn sàng trả lời những thắc mắc của các em về kiến thức thuộc bộ môn mình phụ trách và đưa ra lời khuyên khi các em gặp phải những rắc rối của cuộc sống.

Nhờ Facebook mà tôi được dõi theo những học trò cũ. Có em đang ở giảng đường đại học, có em đã đi làm, có em bỏ học lập gia đình... 

Tóm lại, khi đã bước chân vào cuộc đời, những thử thách, chông gai làm các em không nén được tiếng thở dài. Có em tuyệt vọng, nhắn tin vào hộp thư của tôi: Cô ơi, em muốn tâm sự, không có ai lắng nghe em... 

Mỗi lần thấy tin nhắn của học trò tôi đều lắng nghe, dành thời gian để các em nói cho hết những nỗi niềm rồi an ủi, động viên; có khi còn mạnh dạn tư vấn nếu tôi thấy như thế sẽ tốt hơn cho học sinh của mình...

Không quá can thiệp

Với những trò đang học trên lớp, nếu các em chia sẻ một câu chuyện có nội dung tục tĩu, kích động bạo lực thì tôi sẽ nhắn riêng vào hộp thư em, khuyên nhủ đúng sai... 

Mới tuần trước, cũng nhờ làm bạn với học trò trên Facebook mà tôi đã thấy cuộc cãi vã và hẹn nhau "thanh toán" của những cô cậu học trò lớp 10. Tôi đã nhanh chóng kết hợp với Đoàn thanh niên trường xử lý êm xuôi.

Cũng có những trường hợp nhạy cảm, tôi không thể trò chuyện trực tiếp với học sinh hay phối hợp với gia đình khuyên can, uốn nắn. Khi đó, tôi sẽ chọn cách "giáo dục đường vòng". 

Tôi sẽ chuyển vấn đề cần trao đổi với học sinh bằng cách tranh thủ đưa vào bài học cho các em thảo luận về một tình huống có nội dung tương tự và khéo léo nhắc nhở, định hướng cho học trò.

Tóm lại, tôi sẽ sẵn sàng "can thiệp" nếu thấy trên Facebook những biểu hiện sai trái về đạo đức, lối sống. Còn chuyện học trò "like" những nội dung không nên "like" tôi không can thiệp, cũng không cấm đoán. 

Tôi quan niệm: hãy mạnh dạn để cho học sinh vượt ra khỏi cái hộp, đừng cứ mãi bảo bọc, che chắn. Học chẳng phải là để áp dụng vào cuộc sống đó sao? Có những thứ nhà trường không thể dạy thì hãy để cuộc sống giáo dục các em. 

Nếu không va chạm, không có thử thách, thậm chí là gục ngã thì thật khó để trưởng thành.

Tôi từng đọc ở đâu đó, có nhà tâm lý học đã nói rằng: Thay vì cố gắng điều khiển trẻ, hãy hướng dẫn rồi thả chúng tự tìm hiểu. Bởi nếu kiểm soát bọn trẻ trong một thời gian dài sẽ khiến mọi chuyện trở nên tệ hại hơn.

Mạnh dạn để trẻ thâm nhập cuộc sống

Đương nhiên, với lứa tuổi này người lớn chưa yên tâm để trẻ tự lập hoàn toàn. Nhưng tôi nghĩ cứ mạnh dạn để trẻ thâm nhập cuộc sống. Phải có những trải nghiệm, kể cả những lần "vấp ngã", để trẻ học được khả năng tự phát triển, hay ứng phó với những sóng gió ngoài xã hội.

Cha mẹ, thầy cô hãy vui vẻ đồng hành với các em trên Facebook để làm những chiếc "trực thăng", sẵn sàng hỗ trợ nếu thấy cần thiết thay vì cấm cản.

NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN