Xét tuyển ĐH, CĐ: Cần xem lại chính sách ưu tiên
Sau khi nhiều thí sinh bị trượt ĐH oan uổng trong xét tuyển đợt 1 vì điểm ưu tiên, nhiều người đặt câu hỏi: có nên tiếp tục duy trì điểm ưu tiên? Nếu duy trì thì như thế nào cho công bằng?
Theo quy chế tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT trong nhiều năm, thí sinh có thể được cộng đến 3,5 điểm từ ưu tiên đối tượng, khu vực. Khẳng định chính sách này là cần thiết nhưng nhiều trường cũng cho rằng đã đến lúc cần xem lại để đảm bảo công bằng cho thí sinh.
Thí sinh nhận giấy báo nhập học tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM ngày 3-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG |
“Chỉ chênh nhau 0,1 - 0,2 điểm đã ở hai vị thế khác nhau: người trượt, người đỗ thì mức điểm cộng ưu tiên cần thiết phải tính toán lại phù hợp hơn PGS.TS Trần Văn Tớp (phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) |
Hầu hết được cộng điểm
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo - cho biết theo thống kê hằng năm, số thí sinh trúng tuyển vào trường có hưởng điểm ưu tiên khu vực chiếm khoảng 75%.
“Về đối tượng ưu tiên (tập trung chủ yếu ở đối tượng 01 và 06) có khoảng 200/4.000 thí sinh trúng tuyển. Số này hầu hết thuộc đối tượng 01 (người dân tộc thiểu số), được cộng 2 điểm.
Phần lớn thí sinh thuộc đối tượng này đều có hộ khẩu ở vùng sâu, vùng xa nên được hưởng thêm ưu tiên khu vực. Do vậy, tổng điểm những thí sinh này được hưởng dao động từ 3 - 3,5 điểm” - ông Thông nói.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS.TS Phạm Đăng Diệu - phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết 2017 là năm đầu tiên trường tuyển sinh cả nước.
“Thí sinh TP.HCM chiếm gần 50% số trúng tuyển vào trường. Những năm trước thí sinh được hưởng ưu tiên không nhiều, nhưng năm nay thí sinh được hưởng ưu tiên tăng lên đáng kể”, ông Diệu nói.
Còn TS Lê Trường Tùng - chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT - cho rằng cần phải xem lại chính sách ưu tiên. Ông Tùng nói ông xem thống kê ngành y đa khoa Trường ĐH Y dược TP.HCM có trên 93% thí sinh được cộng điểm ưu tiên.
Tương tự, ngành bác sĩ đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội hơn 95% thí sinh trúng tuyển năm 2017 có điểm cộng ưu tiên.
Ưu tiên theo khu vực |
Nên điều chỉnh mức ưu tiên
Theo PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc cộng điểm trong tuyển sinh theo chính sách ưu tiên là một chủ trương đúng để đảm bảo công bằng xã hội, tạo thêm cơ hội học tập bình đẳng cho học sinh đến từ vùng khó khăn.
Tuy nhiên, mức độ chênh lệch trong điều kiện học tập (về tài liệu, môi trường, thông tin, giáo viên...) so với trước đây đã có nhiều thay đổi.
Ông Tớp dẫn chứng học sinh nội thành Hà Nội được xác định KV3. Nhưng chính trong nội thành cũng có rất nhiều em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, điều kiện học hành không bằng những học sinh ngoại thành nhưng không thuộc diện được ưu tiên cộng điểm.
Dù thận trọng, ông Tớp cũng đề xuất: “Hiện mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa khu vực 3, khu vực 2, khu vực 2 - nông thôn, khu vực 1 là 0,5 điểm. Bước nhảy 0,5 điểm như vậy có thể điều chỉnh. Chẳng hạn rút ngắn còn 0,25 điểm?”.
Cùng quan điểm ông Tớp, GS.TSKH Hà Huy Khoái (Trường ĐH Thăng Long, nguyên viện trưởng Viện Toán học) cũng cho rằng cách làm này sẽ khắc phục được những bất hợp lý đang diễn ra ở mỗi mùa tuyển sinh.
Nhất là năm 2017 có những thí sinh đạt mức điểm gần như hoàn hảo nhưng vẫn không trúng tuyển chỉ vì ở Hà Nội là quá vô lý.
Ưu tiên theo đối tượng |
Trường tốp trên có thể sát hạch riêng
Trong khi đó, TS Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho rằng với các trường tốp trên không nên chỉ phụ thuộc vào kết quả một kỳ thi chung để xét tuyển. Giống như chọn thí sinh dự các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic quốc tế không ai cộng điểm cho đối tượng ưu tiên.
Do đó, việc các trường tốp đầu chọn người học tài năng thực sự thì cũng cần xem xét lại cách tuyển cho phù hợp.
“Các trường này cần có thước đo riêng và khi đó có thể áp dụng những quy tắc riêng. Chẳng hạn, điểm chuẩn của trường thường ở mức 28, nhưng trường có thể xét thí sinh đạt từ 25 điểm trở lên của kỳ thi THPT quốc gia (đã áp dụng chính sách ưu tiên chung theo quy chế) nhiều gấp 3 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Sau đó, số thí sinh này tiếp tục trải qua một kỳ sát hạch riêng của trường để xét thí sinh tài năng trúng tuyển” - ông Khuyến nói.
PGS-TS Phạm Đăng Diệu (phó hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch): 3,5 điểm: Con số quá lớn! Chính sách cộng điểm ưu tiên cần thiết duy trì. Nhưng theo tôi cần giảm điểm ưu tiên xuống chỉ còn ½ so với hiện nay. Ngoài yếu tố công bằng hơn trong xét tuyển, điều kiện học tập của các khu vực hiện nay cũng đã được rút ngắn, không còn quá chênh lệch như trước đây. Xét tuyển ĐH là cuộc đua cam go. Điểm ưu tiên cao nhất theo quy chế thí sinh được hưởng có thể lên đến 3,5 điểm. Đây là con số quá lớn trong cuộc đua mà điểm thi tính đến hai số thập phân. Do vậy phải tính toán lại mức điểm ưu tiên sao cho hợp lý hơn. TS Lê Chí Thông (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM): Không ưu tiên điểm cho đối tượng, tính toán lại ưu tiên khu vực Tôi cho rằng ưu tiên theo đối tượng không tác động nhiều đến việc học của thí sinh. Nhà nước đã có các chính sách hỗ trợ cần thiết cho những gia đình thuộc các đối tượng ưu tiên. Do đó cần xem xét lại diện ưu tiên đối tượng 01. Theo tôi không cần ưu tiên điểm mà có các chính sách hỗ trợ học phí cho sinh viên. Những thí sinh người Hoa tại TP.HCM có điều kiện học tập như những thí sinh khác cùng địa bàn nhưng lại được ưu tiên 1 điểm đối tượng là vô lý. Còn chính sách ưu tiên khu vực là cần thiết, phải duy trì. Thực tế ở nhiều địa phương điều kiện học tập của thí sinh còn nhiều khó khăn, thua kém nhiều so với thành phố. Tuy nhiên, cần phải xác định lại các tiêu chí của các khu vực ưu tiên để đảm bảo tính chính xác và công bằng. Chẳng hạn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) có điều kiện kinh tế, xã hội và giáo dục rất tốt nhưng học sinh ở đây lại được hưởng ưu tiên khu vực 1 - được cộng 1,5 điểm. Trong khi các thành phố thuộc tỉnh khác lại thuộc KV2. |
Bộ GD-ĐT nói gì? Ngày 3-8, trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Bùi Văn Ga - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - cho biết quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm. “Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn...có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành phố. Khi chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước thay đổi quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế - xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn, việc cộng điểm ưu tiên cho thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm” - ông Ga nói. |