Mất tiền vì tin nhắn trúng thưởng
Các chiêu trò lừa đảo công nghệ lấy tiền liên tục tấn công người dùng
Dù đã được cảnh báo qua các kênh truyền thông nhưng nhiều người dùng vẫn dính bẫy lừa tiền của kẻ xấu trên mạng. Tội phạm mạng liên tục cập nhật những tính năng mới của công nghệ mạng tạo ra những chiêu trò mới tinh vi hơn để lừa người dùng, thậm chí nhiều thủ đoạn cũ vẫn được sử dụng hiệu quả với người dùng cả tin.
Cảnh giác với món lợi "trên trời"
Anh T.T.Vũ (ở quận Tân Bình, TP HCM) cho biết người thân vừa mới bị lừa mất 3 triệu đồng: "Sau khi nhận được tin nhắn trúng thưởng iPhone trị giá 15 triệu đồng từ chương trình quay số may mắn của công ty trên Facebook thì có người gọi điện cho ba tôi cung cấp các thông tin cá nhân, địa chỉ nhà… để mang quà đến.
Sau đó, một "nhân viên của công ty X" mang theo quà trúng thưởng đến nhà và yêu cầu đóng 3 triệu đồng theo quy định của chương trình thì mới giao quà. Thế nhưng, quà trúng thưởng là một smartphone rẻ tiền và một kính mát không nhãn hiệu, tổng trị giá chỉ vài trăm ngàn đồng".
Tội phạm mạng đang gia tăng tấn công vào người dùng để chiếm đoạt tiền Ảnh: Hoàng Triều
Gần đây, nhiều người dùng cũng chia sẻ đã nhận tin nhắn qua Facebook sẽ có quà từ nước ngoài chuyển về với giá trị lớn, kèm theo lượng lớn tiền mặt USD. Sau đó các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại mạo danh là nhân viên công ty vận chuyển hay hải quan, yêu cầu người dùng chuyển tiền đóng các khoản phí như: phí vận chuyển, hải quan... vào các tài khoản do chúng chỉ định để chiếm đoạt. Nguy hiểm hơn, kẻ xấu giả danh các ngân hàng uy tín thông báo trúng thưởng có giá trị lớn tới một số thuê bao điện thoại và yêu cầu nạn nhân làm theo hướng dẫn vào đường link website giả mạo ngân hàng để đăng nhập và cung cấp mã OTP (mã giao dịch). Lúc này, các đối tượng sẽ ghi nhận các thông tin trên và nhanh chóng thực hiện lệnh rút toàn bộ số dư trong tài khoản của nạn nhân.
Mới đây nhất, hình thức lừa đảo nhắc nợ cước điện thoại cố định đã tiếp tục tái diễn và được các nhà mạng cảnh báo. Đại diện nhà mạng VNPT VinaPhone cho biết các đối tượng này thường giả danh công an, nhân viên viễn thông thông báo hồ sơ người dùng đang nợ cước di động đã bị chuyển sang công an để điều tra. Sau khi đe dọa nạn nhân mất tinh thần, kẻ xấu yêu cầu nạn nhân phải đóng tiền vào tài khoản (do chúng cung cấp) để tránh phiền toái.
Thẩm định kỹ thông tin trúng thưởng
Hiện nay nhiều đơn vị, doanh nghiệp ứng dụng những tính năng tiện ích của công nghệ để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh như chương trình khuyến mãi, trúng thưởng thông qua mạng internet, tin nhắn, điện thoại… Lợi dụng xu thế này, tội phạm mạng đã tạo ra các "kịch bản" lừa đảo tương tự các chương trình này một cách tinh vi để lừa người dùng. Theo các chuyên gia an ninh mạng, người dùng khi nhận tin trúng thưởng cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định làm theo hướng dẫn các bước nhận thưởng. Khi nhận được tin nhắn trúng thưởng từ các số điện thoại cố định, di động, người dùng các dịch vụ ngân hàng… nên chủ động tìm hiểu, liên hệ với đơn vị tổ chức giải thưởng, ngân hàng qua các kênh chính thống để xác minh thông tin thay vì vội làm theo hướng dẫn của người khác. Khi nhận được các cuộc gọi lạ có dấu hiệu nghi vấn (thường tự xưng là nhân viên viễn thông, cán bộ cơ quan pháp luật) hay phát hiện tài khoản bị trừ bất thường, người dùng cần phản ánh ngay với các cơ quan chức năng để kiểm tra kịp thời, phát hiện ngăn chặn lừa đảo, tránh bùng phát lây lan.
Đại diện VinaPhone cho biết: "VinaPhone không nhắc nợ cước qua hệ thống tổng đài tự động mà chỉ cung cấp thông báo cước qua các kênh: Giấy báo cước hằng tháng, trên các website tra cứu cước và tổng đài chăm sóc khách hàng: 800126/18001166. Do vậy, khi nhận được thông báo nhắc nợ cước từ những hình thức khác, khách hàng nên từ chối cung cấp thông tin cho những cuộc gọi này. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện hoạt động lừa đảo nên báo ngay cho cơ quan công an gần nhất".
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, người dùng cần kiểm soát thông tin cá nhân, quyền riêng tư của mình trên mạng xã hội, kiểm tra kết nối, tăng cường biện pháp bảo mật và chỉ truy cập vào những website an toàn để tránh bị đánh cắp các thông tin cá nhân. Cần cảnh giác các thông tin mà mình chia sẻ, có những trường hợp chỉ với dòng chia sẻ về tình trạng ở nhà một mình, những hình ảnh cụ thể, chi tiết về từng vị trí trong nhà, hình ảnh những tài sản có giá trị… cũng có thể thành mục tiêu của bọn tội phạm.
Chỉ số an ninh mạng Việt Nam sụt giảm
Theo báo cáo xếp hạng "Chỉ số An ninh mạng toàn cầu" (GCI) trong 6 tháng đầu năm 2017 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), Việt Nam xếp thứ 101 trên tổng số 193 nước thành viên về khả năng bảo đảm an ninh mạng với số điểm là 0,245 điểm. Việt Nam đã giảm liên tiếp 25 bậc trong bảng xếp hạng này, ITU cho biết. Trong danh sách 10 nước đứng đầu thế giới, Singapore đứng ở vị trí cao nhất với 0,925 điểm. Malaysia xếp thứ 3 với 0,893 điểm.