Một nông dân Israel nuôi 100 người, 40 triệu nông dân Việt vẫn tự cung tự cấp
Tại Hội thảo Giải pháp Nâng cao Hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Hà Nội sáng nay (4/7), các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao dựa trên những lợi thế sẵn có. Tuy nhiên, dù có nhiều giải pháp về vốn, thị trường nhưng chưa tạo được bứt phá đáng kể.
Theo TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội: Nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay về cơ bản là nền nông nghiệp thực hiện kinh tế hộ là chủ đạo. Tác động của thị trường lên quá trình sản xuất ở đầu vào rất lớn nhưng sự hấp thụ các tác động đó lại được thực hiện theo kinh tế kế hoạch hoá, dẫn đến đầu ra thường gặp khủng hoảng.
"Với 40 triệu người làm việc trong nông nghiệp và có liên quan đến nông nghiệp, với 3,8 triệu hecta trồng lúa được chia thành hơn 8 triệu thửa ruộng, chúng ta thấy nền nông nghiệp của Việt Nam vẫn nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp. Việc sản xuất quy mô trang trại, sản xuất hàng hóa lớn là rất ít", TS Kiên cho hay.
TS Võ Trí Thành, Chuyên gia Kinh tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay: Thế giới đã có những thay đổi nhận thức sâu sắc về khả năng tạo giá trị gia tăng của nông nghiệp cũng như về vai trò nông nghiệp trong đời sống nông thôn. Việt Nam có không ít lợi thế nhưng tăng trưởng nông nghiệp đang chững lại, giá trị gia tăng chưa tương xứng và đặc biệt là khoảng cách giữa thực trạng sản xuất nông nghiệp với yêu cầu đổi mới còn rất lớn.
"Chúng ta cần một cú huých mạnh, thậm chí là một cuộc cách mạng mới cho sản xuất nông nghiệp, cả về cải cách thể chế kinh tế, cả trong cách thức sản xuất kinh doanh", ông Thành nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương: Các nước phát triển, mới phát triển trong khu vực và trên thế giới đều có số lao động làm nông nghiệp với tỷ lệ rất nhỏ nhưng vẫn tạo ra khối lượng, giá trị nông sản hàng hóa lớn, đảm bảo nhu cầu trong nước và xuất khẩu, thu ngoại tệ đáng kể.
Ông Thắng nêu ví dụ: "Nhật Bản có khoảng 2 triệu/127 triệu người làm nông nghiệp, sản xuất dư thừa với hơn 1,5 triệu ha trồng lúa, cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị rất cao như thịt bò, các loại rau quả. Hàn Quốc có hơn 2,56/51,6 triệu người làm nông nghiệp, canh tác hơn 0,9 triệu ha cho dư thừa lúa gạo và đạt nhiều thành tựu vượt bậc trong nông nghiệp...."
Đáng chú ý, ông Thắng dẫn chứng nước thành công nhất trong áp dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp là Israel: Israel có lao động nông nghiệp chiếm 2,5% tổng lao động, trong điều kiện tự nhiên khó khăn, nông nghiệp nước này vẫn tự đáp ứng đến 95% nhu cầu thực phẩm và xuất khẩu bình quân 3 tỷ USD/năm.
"Nếu năm 1995, 1 nông dân Israel nuôi được 15 người, thì năm 2014, 1 nông dân Israel nuôi được 100 người", ông Thắng nêu.
Theo đại diện Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương, có kết quả cao, do các nước sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, ứng dụng KHCN, hiện đại hóa giống cây, con; phân bón, thức ăn, quy trình canh tác, chế biến và nâng cao chất lượng sản phẩm... Đây là xu hướng phát triển chung của các quốc gia nông nghiệp.
Chia sẻ quan điểm từ góc độ doanh nghiệp (DN), ông Lê Thành, Tổng Giám đốc công ty đầu tư kết nối xanh nói: Việt Nam phải mất 13 năm để đàm phán xuất khẩu vải ra nước khác ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu nhập máy móc công nghệ nước ngoài về để ép quả vải thành nước uống thì sẽ xuất đi được ngay.
Ông Thành cho biết, cốt lõi của nông nghiệp công nghệ cao chính là logistics, ví dụ nếu chúng ta vận chuyển xoài bằng máy bay xuất khẩu thì vận chuyển sẽ ăn hết phần giá trị gia tăng, lãi và thậm chí cả vốn. Còn nếu chúng ta đông lạnh xoài, ép xoài thành nước đóng hộp để vận chuyển xuất khẩu thì sẽ giải quyết được vấn đề này.
Nguyễn Tuyền