Triển khai thành phố thông minh: Cần hệ thống thông tin tức thời, bảo mật... và cả nhân lực

on .

Rất nhiều quan điểm, ý kiến xác đáng và sát thực tế đã được các chuyên gia, nhà quản lý nêu ra và thảo luận hết sức sôi nổi tại buổi tọa đàm công nghệ với chủ đề Định nghĩa một cách có cấu trúc về thành phố thông minh do tạp chí Thế giới Vi tính chủ trì tổ chức vào sáng 22/03.

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Trọng - nguyên Tổng Biên tập tạp chí Thế giới Vi tính nhấn mạnh, đây là một buổi sinh hoạt học thuật thuần túy nhằm cùng nhau làm rõ hàng loạt câu hỏi như "thế nào là một thành phố thông minh, và đâu là cấu trúc tổng quan của nó, cũng như định nghĩa về thành phố thông minh là gì?".

Theo tiến sỹ Nguyễn Trọng, thành phố thông minh là một thành phố, nơi mà có chủ động ứng dụng CNTT theo thời gian thực để phục vụ thông tin cho mọi thành phần trong cộng đồng xã hội, và nội dung của hệ thống thông tin ngày càng được bổ sung.

"Có được hạ tầng thông tin sẽ giúp người dân tiếp cận, khai thác nó trong từng nhu cầu cụ thể của mình", ông Trọng chia sẻ, "khi cần (các hệ thống dịch vụ và thông tin), người dân chỉ cần bật các dịch vụ lên là có".

Còn theo lời ông Phí Anh Tuấn - Giám đốc công ty công nghệ P.A.T thì thành phố thông minh là nơi có các hạ tầng thông minh như giao thông thông minh, chăm sóc sức khỏe thông minh, giáo dục thông minh…

"Các hạ tầng thông minh này vận hành được nhờ ứng dụng công nghệ thông tin", ông Tuấn nhấn mạnh, "và vai trò của người dẫn dắt, vận hành mô hình thành phố thông minh là hết sức cần thiết".

Hay nói cách khác, thành phố thông minh (smart city) đòi hỏi phải có hạ tầng thông minh và vai trò quản lý nhà nước cũng phải thông minh, linh hoạt hơn.

Theo ông, hiện tại quy trình dịch vụ đô thị vẫn chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, dữ liệu các ngành chưa được quản lý tập trung, chưa đầy đủ để có thể phân tích, đưa ra các bài toán quản lý đô thị phù hợp, thông minh hơn.

Để làm rõ vấn đề này, ông Tuấn nêu ví dụ, quy trình hành chính hiện nay có quá nhiều khâu, từ lãnh đạo thành phố, đến các sở ngành, phòng ban rồi mới tới người dân. Vì vậy, quy trình làm việc cần đảm bảo nhanh chóng, minh bạch, dứt khoát mới mang lại sự hài lòng của người dân.

"Để làm được điều này cần phải có hệ thống dữ liệu thông minh, phục vụ cho phân tích dữ liệu đúng, chính xác, kịp thời sẽ dẫn đến việc ra quyết định của lãnh đạo thành phố cũng tốt hơn. Nói tóm lại, thành phố thông minh cần phải có hạ tầng công nghệ và hệ thống cơ sở dữ liệu để mang lại lợi ích cho tất cả mọi thành phần trong xã hội, chuyên gia Tuấn cho biết. 

Dưới góc độ một chuyên gia bảo mật, ông Ngô Vi Đồng - Chủ tịch công ty công nghệ HPT và Chủ tịch chi hội An toàn thông tin phía Nam cho rằng, vấn đề quản lý cơ sở dữ liệu cần phải thực hiện theo hướng mở, nhưng phải làm tốt việc bảo mật dữ liệu này vì nếu để xảy ra sự cố, công sức đầu tư cho việc này coi như đổ bể.

"Đây là bài toán lớn, phải giải quyết một cách bài bản. Việc quản lý dữ liệu hiện nay không dễ dàng vì dữ liệu đang manh mún, nhỏ lẻ", ông Đồng chia sẻ.

Cũng theo ông Đồng - hiện là thành viên tổ giúp việc cho Ban điều hành Đề án đô thị thông minh của TP.HCM, chúng ta cần phát triển và khai thác thành phố thông minh một cách hiệu quả dựa trên hạ tầng hiện hữu. Các hệ thống của thành phố thông minh phải có khả năng kết nối từ người dân tới các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền thành phố.

“Thành phố thông minh phải mang lại sự phát triển các mô hình kinh doanh mới dựa trên các nền tảng công nghệ như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật (Internet of Things), di động (Mobility)", ông Đồng bày tỏ quan điểm.

Ông Lê Thái Hỷ - nguyên giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM nhìn nhận, cần phải có một khái niệm chuẩn về thành phố thông minh sau đó mới nghĩ đến sự cần thiết của nó và để xuất phương án thực hiện các dự án xây dựng thành phố thông minh.

"Mỗi thành phố của mỗi quốc gia đều có những thách thức, vấn đề khác nhau, vì thế cần phải chọn ra những vấn đề thiết thực nhất để giải quyết", ông Hỷ nói.

Chuyên gia công nghệ Phan Thanh Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam trong phần trình bày của mình cho rằng khái niệm về thành phố thông minh là rất rộng, và hiện có quá nhiều tiêu chuẩn được các tổ chức trên thế giới ban hành. Vì thế, ông Sơn tin rằng, chúng ta cần phải hiểu rõ, hiểu thành phố thông minh là gì thì mới có thể triển khai hiệu quả mô hình này.

Tại sự kiện Gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) năm 2017 với chủ đề “Doanh nghiệp CNTT-VT xây dựng thành phố thông minh, hiện đại” được tổ chức hôm 10/3, trong phần phát biểu của mình, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM Nguyễn Việt Dũng từng cho rằng, chính quyền thành phố phải có vai trò thuyền trưởng, hợp tác với khu vực tư để có quy chuẩn rõ ràng từ kiến trúc đến các chuẩn giao tiếp, dữ liệu. Nhà nước phải công bố rõ những “chuẩn” này để các DN, hiệp hội tham gia.

Nếu các DN cứ giới thiệu các giải pháp này, giải pháp kia theo kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì hiệu quả chỉ nhỏ giọt vì không thể tích hợp, chia sẻ dữ liệu.

Theo ông Dũng, phải làm sao liên kết được các DN với chính quyền và khu vực trường học. "TP.HCM không nên làm lại những gì mà người khác đã làm, mà nên dành thời gian để làm những cái cho riêng mình hoặc làm những cái tốt hơn", Giám đốc Sở KHCN TP thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

 Văn Tám tổng hợp

Nguồn: http://www.pcworld.com.vn/articles/kinh-doanh/nha-nuoc/2017/03/1251370/trien-khai-thanh-pho-thong-minh-can-he-thong-thong-tin-tuc-thoi-bao-mat-va-ca-nhan-luc/?utm_source=homepage&utm_medium=referral&utm_campaign=hometop1