Người Sài thành bình dân xì xụp tô cháo mực ấm sực, ngọt lành ngày mưa
“Canh rau nấu với cá khô, mực khô với huyết nấu tô cháo đầy”. Dù không phổ biến như cháo lòng, cháo gà... nhưng cháo mực vẫn là món ăn được nhiều người Sài Gòn ưa thích bởi sự dân dã và hương vị thơm ngon trong những ngày mưa.
Đặc biệt, vào những ngày Sài Gòn âm u, mưa ầm ầm mà được ngồi xì xụp húp từng muỗng cháo nóng hổi thì còn gì thích thú bằng!
Nhiều người ngỡ cháo mực hẳn là món ăn của cư dân miền biển, nhưng nguồn gốc thực sự của nó lại xuất phát từ vùng Đồng Tháp Mười. Tôi có đứa bạn quê ở Mộc Hóa (tỉnh Long An), cứ mỗi lần ai hỏi “Quê mày có món gì ngon là nó lại nói ngay hai câu thơ “tự chế”: “Canh rau nấu với cá khô, mực khô với huyết nấu tô cháo đầy”.
VIDEO: Cháo mực Sài Gòn bình dị khiến nhiều người mê mẩn trong những ngày mưa
|
Bạn tôi lý giải, vì nhà dân cách chợ xa lắm và mọi người ở đây có thói quen nấu bất kỳ thứ thủy hải sản khô nào với các loại rau, củ và gạo để tạo thành các món ăn ngon. Thế là, món cháo mực ra đời, đơn giản như những con người miền quê chất phác, thật thà..
Sài Gòn cũng có cháo mực, chẳng ai biết chính xác thời điểm món ăn này ra đời, chỉ biết là giờ đây nó đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu của người dân trong những ngày “trái gió trở trời”…
Để có một tô cháo hoàn chỉnh, người bán sẽ cho vào một chút giá sống, vài miếng da heo rồi múc cháo vào sau. Tô cháo nóng hổi với gừng tươi xắt nhuyễn phủ lên trên, bên dưới lấp ló vài miếng mực khô cắt vừa, tôm khô, huyết mềm…
Cháo không quá đặc cũng không quá loãng tạo cảm giác tan ngay trên đầu lưỡi khi ăn. Thực khách có thể rắc một ít tiêu đen xay nhuyễn vào tô cháo để thêm vị cay, chấm miếng giò cháo quẩy rồi vừa ăn vừa hít hà rất thú vị.
Một điểm chung của hầu hết các quán cháo mực ở Sài Gòn chính là sự đơn giản… Từ chiếc tủ đựng đồ ăn đặt ngay cửa ra vào cho đến nồi cháo nóng hổi đang được ninh trên bếp, từ rổ giá, rau thơm cho đến những cặp giò cháo quẩy vàng ươm, khiến thực khách chẳng thể rời mắt được.
Song, ngược lại với sự đơn giản trong cách bày biện hàng quán, món cháo mực lại có cách nấu khá cầu kỳ. Cách thông thường nhất là dùng mực khô, loại nhỏ cỡ bàn tay,những quán cháo ở Sài Gòn thường chọn mực khô để bảo đảm tiêu chí đầu tiên của món ăn này là rẻ.
Mực được ngâm kỹ với nước có pha thêm rượu trắng để khử mùi nồng, khi đã mềm thì được cắt thành sợi hoặc từng miếng nhỏ vừa ăn rồi cho mực lên chảo xào sơ qua với một chút đường và nước mắm. Sau đó cho mực vừa xào xong cùng các nguyên liệu khác như: tôm khô, da heo… vào nồi cháo, đợi sôi lên thì cho tiếp huyết được cắt thành từng khối vào, giảm lửa để ninh từ từ và giữ độ nóng của cháo.
Cách nấu thứ hai với mực tươi lại phức tạp hơn nhiều, nhưng kết quả mang lại thì rất đáng để thử. Mực tươi sau khi được mua về sẽ được làm sạch và phơi qua một nắng. Khi con mực bắt đầu quắt lại mới xắt nhỏ và cho vào nồi. Với cách nấu này nồi cháo mực sẽ thơm và ngọt lừ.
Ngoài ra, để nồi cháo mực đạt độ ngon hoàn hảo, người bán phải nấu cháo bằng gạo tấm loại một và canh lửa kỹ để hạt gạo mềm nhưng chỉ nở lúp búp, nồi cháo không đặc cũng không quá loãng. Khi cháo chín, nêm gia vị vừa ăn là được. Món cháo mực với độ ngọt đậm của nước cháo, hạt gạo nở vừa phải, mực mềm mềm dai dai và hầu như không còn chút nào mùi tanh của mực khô.
Anh Ninh (nhân viên văn phòng tại quận 1) cho biết: “Bình thường tôi không hảo các món cháo cho lắm, nhưng riêng cháo mực thì tôi rất thích. Đặc biệt những ngày trời mưa mà có tô cháo mực nóng hổi thì ăn vừa ấm bụng vừa sướng vô cùng”.
Cũng như anh Ninh, rất nhiều thực khách nhận xét: “Cháo mực là một món ăn bình dân, giá cả phải chăng. Thậm chí có ngồi ăn trong quán ở khu vực trung tâm thành phố thì giá cao nhất cũng chỉ 20.000 đồng/tô đầy. Ngày lạnh thèm ăn món nóng, cháo mực rất hợp lý vì giúp ấm người, giải cảm và phù hợp với túi tiền”.
Từng muỗng cháo khi ăn đều mang đến cảm giác ngọt dịu trong cổ họng. Nếu một tô cháo mực vẫn chưa lấp đầy cái bụng đói thì thực khách lại gọi thêm phần trứng vịt bắc thảo hay khoanh giò mềm múp để thưởng thức. Tuy nhiên, trứng vịt bắc thảo sẽ rất “khó nuốt” đối với những người mới thử lần đầu tiên, nhưng nếu ăn quen rồi thì sẽ rất dễ “nghiện”.
Các địa điểm cháo mực ngon cho người Sài Gòn
• Cháo mực số 10 Phó Đức Chính (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Quán mở cửa từ 7 giờ - 21 giờ mỗi ngày và thường đông khách nhất vào buổi trưa hoặc xế chiều. Mặt bằng của quán khá nhỏ nên khách đến đây phải gửi xe ở tòa nhà bên cạnh. Tuy nhiên, quán có khá nhiều điểm cộng như hương vị món ăn ngon, phục vụ nhanh, nhiệt tình và giá cả bình dân, cháo mực 17.000 đồng/tô, quẩy 3.000 đồng/chén.
• Cháo mực Thanh Sơn tại số 144 Nguyễn Đình Chiểu (phường 6, quận 3) với hơn 30 tuổi là địa chỉ quen thuộc với nhiều thế hệ người Sài Gòn, đặc biệt là sinh viên trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Giá một tô cháo thường là 20.000 đồng, một tô đặc biệt là 25.000 đồng, quẩy thêm 2.000 đồng/đĩa. Quán mở bán từ 6 giờ - 23 giờ mỗi ngày.
• Cháo mực Thái Sơn số 175 Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao, quận 1). Quán mở bán từ 8 giờ - 23 giờ mỗi ngày. Vị trí quán nằm trên đoạn đường một chiều và khá khuất nên rất khó thấy. Giá cả món ăn ở đây dao động từ 17.000 - 40.000 đồng/món tùy thực khách lựa chọn.
|
Lưu Trân