Ra đường là gặp “thực phẩm bẩn”
Từ những hàng ăn “có tiếng”…
Ngay lập tức, chị Mai gọi nhân viên nhà hàng lên yêu cầu kiểm tra xem trong trà có chất gì. Khoảng 5 phút sau, cậu nhân viên bưng lên 7 cốc trà mới và thẽ thọt: Chị thông cảm, đây là trà cũ, em đổi cho chị trà mới (?). “May mà mọi người chưa kịp uống chứ với thứ nước thiu, nước cũ nổi lên toàn cặn bẩn này uống vào có khi đau bụng, đi ngoài, ngộ độc như chơi”, chị Mai bày tỏ.
Tiếp tục kể về “chuyến đi ăn nhà hàng” đáng nhớ này, chị Mai cho biết: “Đầu tuần, sau giờ làm buổi trưa mọi người ở văn phòng rủ nhau đi ăn món cuốn ở quán này. Mọi người khá tin tưởng vì quán đã bán khá lâu và đồ ăn được đánh giá là ngon. Mới vào đã gặp ngay “sự cố” với món nước trà, khi ăn món nem lụi, mình vừa chấm vào bát nước chấm đã gặp ngay mùi ôi thiu. Khi phản ánh với nhân viên thì được trả lời rằng đây là vị đặc trưng của món chấm. Mình đã ăn món này nhiều lần rồi, không thể nào nhầm mùi thiu với mùi đặc trưng của nó. Cứ nghĩ đến nơi có cơ sở vật chất khang trang thì sẽ yên tâm, nhưng thật không thể biết được chất lượng thực sự của thực phẩm đảm bảo đến đâu.
Cũng gặp “vật lạ” khi đi ăn món cuốn, chị Ngọc (Ba Đình-Hà Nội) kể lại: “Dịp trước Tết tôi cùng nhóm bạn rủ nhau đi ăn bò nhúng giấm ở khu Giảng Võ-Ngọc Khánh. Khi ăn chúng tôi có gọi món thịt cuốn ăn khai vị. Cậu nhân viên mang ra một đĩa thịt khoảng 6 miếng thịt thái to bản và mỏng. Đang đói háo hức ăn, bỗng tôi khựng lại khi thấy miếng thịt có “vật lạ”. Nằm bên trong thớ thịt có một vài chấm màu đen, miếng nào cũng có chấm này như thể hình ảnh những con sán nằm trong “lợn gạo” mà tôi từng được xem. Chúng tôi yêu cầu nhân viên của quán đổi cho đĩa thịt khác. Từ đó khi ăn ai cũng cảnh giác, săm soi vào từng miếng thịt bởi sợ ăn phải của lạ”.
Những cửa hàng ăn uống dù đã được treo biển có giấy chứng nhận đảm bảo ATTP nhưng dường như nơi nào càng đông khách thì việc vệ sinh càng khó được thực hiện chặt chẽ. Chúng tôi vào ăn món Huế tại một nhà hàng lịch sự trên đường Trần Duy Hưng, sau khi ăn đủ các loại bánh thì đến món bún. Gắp được đến miếng bún thứ 4, bát của tôi bỗng thò ra sợi dây của bao tải dứa dài đến 6cm. Bữa ăn tự nhiên mất cảm giác ngon lành.
Với những cửa hàng có giấy chứng nhận ATTP và có điều kiện cơ sở vật chất sạch sẽ mà thực khách vẫn phải chứng kiến, sử dụng thực phẩm chưa thực sự sạch, chưa nói đến việc có đảm bảo an toàn hay không. Vì vậy, không ngạc nhiên khi ở những cơ sở chế biến, kinh doanh với mức giá được cho là “bình dân” vừa có điều kiện vệ sinh ATTP không đảm bảo tiêu chuẩn, vừa không đảm bảo về thực phẩm an toàn.
Nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn rình rập, bủa vây cộng đồng. Ảnh: Vân Hà
Đến “thức ăn đường phố”, quán “bình dân”
Tại cổng các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội, hình ảnh hàng rong “bao vây” bên ngoài đã không phải là hiếm. Khi các trường yêu cầu những người bán hàng di chuyển đi chỗ khác và tăng cường tuyên truyền học sinh không ăn quà vặt, tình hình này có vẻ đã giảm nhưng vẫn nhiều. Đánh đúng tâm lý học sinh thích ăn quà vặt như phô mai que, xúc xích, nem chua rán, bắp rang bơ, bánh mỳ cay, kẹo bông, các đồ ăn tẩm gia vị chua/cay… nên nhiều người đi xe đạp đứng “phục” sẵn ở cổng trường. Cổng trường THCS Phú Đô, quận Nam Từ Liêm trước/sau giờ học, điểm luôn hút các em học sinh chính là “chiếc thùng thần thánh” của người bán quà vặt với đủ loại đồ ăn như phô mai que, xúc xích được chế biến với màu sắc hấp dẫn; ô mai cóc, xoài… được trộn với nhiều vị đúng sở thích của lứa tuổi “ô mai”. Những cô cậu học trò thích thì ăn, mà khi đã ăn thì không cần biết nguồn gốc xuất xứ ra sao, không cần biết đến khái niệm về ATTP.
Chị Thư (Thanh Nhàn - Hà Nội), có con học tại trường tiểu học Nam Trung Yên kể lại: “Hôm ấy đón con tan học mình mua tạm cho con 2 chiếc bánh mỳ cay bán ngoài cổng trường để cháu ăn còn đi học tiếng Anh ở một trung tâm gần đó. Mình đã cẩn thận hỏi cô bé bán hàng là đồ có mới không, có đảm bảo không. Cô bé bán hàng khẳng định “nhà em bán toàn đồ mới”. Lúc sau bé nhà mình lôi bánh ra ăn thì kêu lên: Mẹ ơi, pate này bị thiu rồi! Mình mở ra ngửi thử chỉ thấy mùi không được tươi nhưng khi ăn thì thấy rõ đồ đã cũ. Mình cứ áy náy vì con bé hôm ấy vào lớp học với cái bụng trống không, nhưng biết đâu nếu ăn không để ý kỹ có thể nó đã bị ngộ độc rồi”.
Tình trạng thực phẩm có nguy cơ không đảm bảo an toàn luôn rình rập, đe dọa sức khỏe cộng đồng là có thật. Không chỉ có nhà hàng sang trọng, không chỉ có cổng trường học mà các điểm bán hàng bình dân, các điểm bán thức ăn đường phố những nguy cơ này cũng luôn tiềm ẩn. Sau khi ăn bát phở bò tái một cách ngon lành ở một quán trong làng bún Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, chị Hà bỗng kinh hoàng khi phát hiện bên dưới bát phở là một con ruồi nằm duỗi thẳng cẳng tự bao giờ.
“Lúc ấy chẳng lẽ tìm cách để nôn hết bát phở ra, mà hễ nghĩ đến là tôi lại rùng mình. Phản ánh với chủ quán thì cô ấy bảo, chắc khi chị đang ăn con ruồi nó bị rơi vào! Tranh cãi thì mất thời gian, nhưng mình ngồi ăn, ruồi rơi vào mà còn không biết sao? Hơn nữa con ruồi này chết khô ở trong bát rồi. Tôi chỉ nhớ để lần sau chừa quán này ra”, chị Hà bày tỏ.
Việc bán các thực phẩm, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nở rộ hơn tại các khu vực chợ sinh viên như chợ Nhà Xanh, chợ Phùng Khoang… Ở đây do lượng sinh viên đông nên nhu cầu ăn uống các loại đồ ăn vặt lớn. Có đủ loại như xúc xích, bò bía, bún, phở, chè, hoa quả dầm… Phần lớn các loại đồ ăn nêu trên đều chấm với tương ớt không rõ nguồn gốc và cũng chẳng có nhãn mác, hạn dùng. Giá cả của những loại này vừa phải, hợp với túi tiền và đồ ăn hợp sở thích của đa phần sinh viên nên việc có nguồn gốc xuất xứ hay các tiêu chuẩn về thực phẩm an toàn dường như cũng không phải mối quan tâm chính của các thực khách.
Thực phẩm bẩn, không đảm bảo ATTP đang trở thành nỗi ám ảnh với toàn cộng đồng. Ngay cả với một đứa bé 9 tuổi cũng ám ảnh với điều này. Cháu tôi đang bi bô hát “Hạt thóc mà không gieo vào đất thì vẫn là hạt thóc mà thôi. Hạt thóc mà gieo ngay vào đất thì đồng lúa mọc lên tốt tươi… Hôm qua là hạt mầm, hôm nay đã thành cây…”. Hát xong cháu kết luận: Vừa hôm qua là hạt mầm mà hôm nay đã thành cây, chỉ có thể là dùng chất kích thích mới mọc nhanh như thế. Chi tiết này khiến tôi thấy xót xa khi tâm hồn con trẻ bỗng nhiên bị ám ảnh bởi “thực phẩm bẩn” mà mất đi sự thánh thiện, trong sáng đúng lứa tuổi của mình.
50% dịch vụ thức ăn đường phố nằm ngoài tầm kiểm soát
Thực tế theo thống kê của Chi cục An toàn thực phẩm TP Hà Nội, hiện có khoảng 50.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó có đến hơn 26.000 cơ sở dịch vụ ăn uống đường phố, nhưng mới chỉ có khoảng 50% số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Điều này đồng nghĩa, nhiều cơ sở, quầy hàng dịch vụ thức ăn đường phố đang nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về ATTP của cơ quan chức năng. Và như thế, mối nguy hiểm, đe dọa về ngộ độc thực phẩm là có cơ sở. Trong khi đó, thống kê từ Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có 70%-80% số thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn; trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và vi khuẩn gây tả. Nguyên nhân thức ăn đường phố bị nhiễm vi sinh, vi khuẩn, bởi chúng được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu, phụ gia không được kiểm soát; không có quy trình, quy chuẩn chế biến, dụng cụ phương tiện sản xuất không bảo đảm; bày bán trong điều kiện môi trường ô nhiễm. Ngoài ra, thức ăn đường phố thường sử dụng công thức "hương-mùi-màu" để tạo ra sản phẩm. Và những người từng ăn thức ăn đường phố ai cũng từng vài lần có triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, sốt... nhưng do chủ quan, không để ý cho nên không phát hiện được nguyên nhân.
Vân Hà
Nguồn: http://www.baomoi.com/Ra-duong-la-gap-thuc-pham-ban/c/18796312.epi