Sự khác biệt Tết ba miền Bắc- Trung- Nam
1. Mâm cơm ngày Tết
Miền Bắc: cỗ đầy mâm, món ăn nhiều màu sắc
Người miền Bắc quan niệm, sự sinh động và giàu màu sắc trên mâm cỗ sẽ mang lại tài lộc cho gia chủ. Vì vậy mà mâm cỗ miền Bắc có rất nhiều món với các nguyên liệu đa dạng.
Với món nước thường gặp nhất là canh bóng lợn và nấm. Các món khác cũng hay gặp là canh mọc với nấm, miến gà hoặc canh giò nấu măng. Còn món khô gồm có các loại giò chả là đặc trưng riêng biệt nhất của mâm cỗ miền Bắc. Các loại hay gặp trong mâm cỗ có giò thủ, chả lụa.
Bánh chưng là món bắt buộc phải có. Bánh cũng được cắt chia 8 đều đặn và dọn lên mâm kèm dưa hành hoặc dưa muối chua. Ngoài ra, thịt đông cũng thường xuất hiện trên mâm cỗ ngày Tết và được làm nhiều để dành ăn suốt Tết.
Cỗ miền Bắc thường nhiều món, đầy ắp và rất nhiều màu sắc thể hiện sự sung túc
Miền Trung: Cỗ giản dị
Ngoài các khu vực đặc trưng như Huế và các tỉnh ảnh hưởng ít nhiều từ văn hóa miền Bắc, cỗ Tết miền Trung thường đơn giản hơn và thể hiện tinh thần tiết kiệm, sẻ chia. Món ăn thường được chia vào các bát đĩa nhỏ chứ không bày đầy như miền Bắc nhưng cũng rất đa dạng.
Các món ăn Tết của người miền Trung hay xoay quanh các món cuốn với bánh tráng và rau. Vì vậy bữa ăn ngày Tết rất thường thấy thịt luộc, các loại nem tré, nem lụi, các món kho mặn hoặc món hấp. Tiêu biểu phải kể đến là thịt ngâm mắm, nem, tré, dưa món…
Ngoài ra, món bánh tét hay bánh chưng miền Trung cũng khác các vùng miền khác. Món bánh này thường được gói chặt hơn, nhân đậu xanh ít để giúp bánh bảo quản được lâu hơn.
Miền Nam: trù phú và phóng khoáng
Nói vậy là vì mâm cỗ ở miền Nam ít bị gò bó hơn so với mâm cỗ các vùng miền khác. Món ăn được nhìn thấy nhiều nhất trong mâm cỗ và mâm cơm Tết miền Nam là thịt kho nước dừa. Tùy từng nhà có thể kho chung với trứng luộc, trứng muối, cơm dừa... Ngoài ra, món canh khổ qua (mướp đắng) nhồi thịt được chị em làm rất nhiều với mong muốn những khó khăn đau khổ của năm cũ sẽ qua đi.
Bánh Tét miền Nam cũng không quy định nhân như các miền khác. Nhân bánh có thể đa dạng, thịt, đậu xanh, đậu đen, chuối… Bánh tét miền Nam được ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô.
2. Trang trí ngày Tết
Miền bắc, miền Trung:
Do tính chất khí hậu nên người miền Bắc rất chuộng chơi đào, quất, nhất là đào. Mỗi nhà đều sẽ có một cây đào. Nếu không có đào thì không phải là Tết. Hoa đào màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc cả năm. Theo truyền thuyết, có một cây hoa đào đã mọc từ rất lâu trên vùng núi cao phía bắc. Trên cây đào bỗng xuất hiện hai vị thần tài giỏi có nhiệm vụ bảo vệ và che chở cho dân làng trong vùng. Do đó, ma quỷ rất sợ hai vị thần này và sợ luôn cả hoa đào. Cứ thấy cành đào là chúng bỏ chạy thật xa.
Hàng năm, gần đến Tết, hai vị thần này lại phải lên trời gặp Ngọc Hoàng nên không có người bảo vệ nên dân trong làng rủ nhau lên rừng chặt đào mang về cắm trong nhà để phòng ma quỷ.
Miền Nam:
Mâm cỗ miền Trung nhiều món nhưng bày ra các đĩa bát nhỏ hơn miền Bắc
Người miền Nam chuộng chơi mai, trong nhà mỗi người đều phải đặt một cây mai. Trong truyền thuyết dân gian, hoa mai liên quan đến hình ảnh của một cô gái xinh đẹp, hết lòng thương yêu cha mẹ, gia đình và làng xóm. Với tài trí của mình, cô gái nhỏ nhắn đã hy sinh sau khi giao đấu, diệt trừ yêu quái để cứu dân. Không ai biết cô đã chết, vì hàng năm vào chiều 29 tết, nàng quay lại với chiếc áo vàng mẹ nhuộm cho trước lúc ra đi, cùng ăn tết với gia đình, cho đến lúc cúng đưa ông bà, mới chịu ra đi. Mãi cho đến khi cha mẹ mất, người ta không thấy cô gái áo vàng trở lại nữa; vào những ngày cuối năm trong khu vườn quen thuộc nơi cô ở, xuất hiện một con chim lông vàng óng ả cất tiếng hót líu lo. Xóm làng thương nhớ và tri ân cô bằng cách lập một miếu thờ, hàng ngày hương khói. Từ lúc ấy, trước ngôi miếu mọc lên một loại cây lá xanh um, nhưng cứ vào những ngày giáp tết, lá lại rụng trơ cành và như một phép lạ, toàn thân xuất hiện những nụ bông vàng năm cánh rực rỡ.
Cây mai từ đó được người dân nhân giống và trồng trong nhà mình, như một cách tưởng nhớ đến cô gái, cũng như răn đe loài quỷ dữ sợ oai phong của cô mà không dám quấy động đời sống yên lành của mọi người.
Cũng như hoa đào, truyền thuyết về cô gái áo vàng cũng nhạt dần để thay vào đó hoa mai được đón chào trong ngày xuân như một cảm nhận mang tính nghệ thuật. Cành mai được chọn trên những tiêu chí không khác mấy vơi hoa đào, nhưng tinh thần của một cành mai được ngưỡng mộ không chỉ đẹp ở hoa với sắc thắm, cánh phân bố đều , nhụy thắm, mà còn ở sự gân guốc của cành, với những khoảng gập khúc của dáng cành theo hình chữ nữ. Thần thái ấy mang hình ảnh của một ẩn sĩ nơi thâm sơn, kiêu hãnh nhưng thanh thoát, vững chải trước nắng gió và thời gian.
3. Mâm ngũ quả
Mâm cỗ miền Nam có canh khổ qua nhồi thịt
Mỗi năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán , trên bàn thờ mọi gia đình người Việt đều bày mâm ngũ quả. Với màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo cùng những ý nghĩa sâu xa, mâm ngũ quả làm cho ngày Tết sinh động hơn, thiêng liêng hơn…
Miền Bắc: Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhìn chung nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam).
Miền Nam: Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài, bởi vì cầu – dừa – đủ – xoài theo tiếng người miền Nam có nghĩa là “cầu vừa đủ xài” – mong ước phổ biến nhất của họ trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả bình thường một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn “đầy đủ, sung túc”.
Theo Nam Châm/tổng hợp (Khám phá)
Nguồn: http://www.baomoi.com/Su-khac-biet-Tet-ba-mien-Bac-Trung-Nam/c/18612886.epi