Lai rai món ốc giấy ngày se lạnh
Ở vùng cửa biển Quảng Nam quê tôi, loài ốc giấy chỉ thi thoảng mới xuất hiện và số lượng rất ít. Những ngày trời se lạnh, ngư dân các làng chài ven biển lại rủ nhau đi bắt ốc giấy. Không cần vốn đầu tư nhiều, dụng cụ đơn giản là một bộ đồ lặn, bình hơi, dây hơi… và chịu khó lặn vài giờ trong sóng biển là được cả thúng ốc giấy.
Bắt được loại ốc này, người ta thường để dành ăn hoặc đãi khách, đem biếu. Vì thế, khách nào được ngư dân mời ăn các món ốc giấy, hoặc được biếu loại ốc này xem như may mắn, nó thể hiện tấm lòng thảo thơm, nghĩa tình của người dân vùng biển.
Ốc giấy vừa mới bắt về còn mặn vị nước biển.
Ốc giấy bắt về không chế biến ngay mà thường cho vào bao lưới rửa sạch cát dưới nước biển cho ốc nhả hết những chất bẩn. Người dân miền biển xứ Quảng thường hấp ốc giấy với sả, chanh. Sau khi ốc rửa sạch, cho hấp cách thủy với các loại củ, lá sả kèm theo một số phụ gia cần thiết như một ít dầu, bột nêm... Chỉ mươi phút sau trong nồi kín, ốc tự tiết ra nước, gia vị sẽ thấm đều trong từng thớ thịt.
Nếu sành sỏi khi nhấm nháp ốc giấy hấp, thực khách không cần dùng que khều, cũng không dùng kiềm để bấm như các loại ốc khác mà chỉ gõ nhẹ phần lưng vỏ mỏng của hai con ốc lại với nhau thì phần thịt sẽ nhanh chóng tuột ra ngoài. Cứ thế chấm một chút nước mắm gừng rồi từ từ thưởng thức hương vị thơm của sả, béo, dai, ngọt của thịt ốc quyện với vị đậm đà của nước mắm xứ biển.
Chế biến món gỏi ốc giấy lại càng tuyệt chiêu hơn. Lấy vài tép sả đập dập hoặc lá ổi, lá chanh lót dưới đáy nồi cho có mùi thơm, rồi đổ ốc vào cùng nước lạnh ngập xâm xấp, đặt lên bếp luộc chín, để ra rổ. Chờ nguội lấy thịt ốc ra. Bắp chuối xắt mỏng vớt ra để ráo nước sau khi đã ngâm vào nước lạnh có vắt chút nước cốt chanh. Phi dầu, tỏi thơm và cho thịt ốc nhảy vào xào sơ, để ra thau. Trộn đều bắp chuối, ốc, rau răm cùng nước cốt chanh, đường, nước mắm cho vừa khẩu vị, múc ra đĩa. Cuối cùng làm một chén nước mắm chanh, tỏi ớt và rắc vào đĩa vài nhúm đậu phộng rang giã dập là xong. Món này ăn nóng, kèm với bánh tráng nướng rất ngon, từ lâu đã trở thành món “lai rai” của cư dân biển.
Những ai ưa “bụi” hơn có thể xài món nướng. Ốc rửa sạch rồi để ráo nước. Ướp với gia vị, bột nêm và tiêu xanh khoảng 15 phút. Sau đó cho ốc lên vỉ và nướng chín trên bếp than hồng. Chỉ nên nướng ốc vừa chín đến, không nên nướng ốc chín quá vì thịt ốc sẽ cứng, mất vị ngọt. Ăn ốc khi còn nóng mới cảm nhận được hết hương vị thơm ngon của nó. Vị giòn dai của ốc cùng vị cay cay của tiêu xanh tê tê nơi đầu lưỡi làm ai cũng chẳng muốn dừng tay khi thưởng thức.
Ngoài ra, ốc giấy còn có thể xào, nấu cháo,... và dù là bất cứ món nào thì ốc giấy vẫn giữ nguyên vị biển đậm đà. Mỗi cách chế biến món ốc giấy đều đem lại cho người ăn một cảm nhận khác nhau. Thịt ốc nướng dai và béo, có mùi thơm riêng. Còn với thịt ốc hấp hay luộc thì mềm, ngọt và rất lạ miệng… Cứ thế chấm một chút nước mắm gừng rồi từ từ thưởng thức hương vị thơm của sả, béo, dai, ngọt của thịt ốc quyện với vị đậm đà của nước mắm xứ biển.
Nguyên liệu cho món ốc giấy hấp.
Đĩa ốc giấy chín thơm lừng, hấp dẫn.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Lai-rai-mon-oc-giay-ngay-se-lanh/c/18008843.epi