Ngất ngây … bông súng miền Tây
Cho đến nay, trải qua hàng ngàn năm Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn là một vùng đất thấp, là những bưng biền phù sa đang bồi lấp dần sau mỗi mùa lũ. Hàng năm cứ vào mùa nước lũ là ruộng đồng, ao, đìa mênh mông như biển nước. Dân miệt bưng biền ngập nước ở vùng đất kênh rạch chằng chịt này không ai lạ gì câu ca dao: “Muốn ăn bông súng mắm kho/ Thì vô Đồng Tháp ăn no đã thèm”.
Bông súng miền Tây thường nở trắng đồng vào buổi sáng sớm, dân quê chống xuồng nhổ bông súng từ lúc mặt trời chưa mọc, đến xế chiều thì về vì khi ấy bông súng dần tóp lại, lẫn vào bạt ngàn một màu xanh mênh mông giữa đồng rộng, khó bề nhổ được loại thực vật hoang dã này.
Cọng bông súng nhổ về, lặt bỏ vỏ, xắt khúc bằng lóng tay, bóp qua nước muối. Nhiều khi bắt được cá lóc, tôm, tép, … thì trộn gỏi bông súng để nhâm nhi vài chung rượu đế với anh em láng giềng gần xa.
Bông súng đồng bưng.
Ngày trước nhà nhà đều nghèo, mùa lũ giáp hạt cũng là lúc đói ăn. Cọng bông súng có mặt trong nồi cháo loãng giúp cho người bình dân qua cơn túng ngặt.
Đặc biệt, bông súng miền Tây thường không thể thiếu trong đĩa rau đồng để chấm lẩu mắm hay mắm kho. Lẩu mắm tạo ấn tượng bởi vị đậm đà và mùi thơm đặc trưng riêng từ mắm. Mắm cá sặc, hay cá linh, cá chốt, cá lưỡi trâu, cá rô, … được bỏ vô nồi nước nấu sôi cho rã hết thịt, rồi dùng rổ lượt hết xương, nêm chút đường cho vừa ăn. Với lẩu mắm miền Tây, dân gian thường có thêm cá lóc, cá kèo, cá rô, lươn, cá bông lau, tôm, mực… Ăn lẩu mắm không thể thiếu rau, đặc biệt là bông súng.
Bông súng chấm mắm kho.
Những tháng ngày lũ về cũng là lúc cá linh sinh sôi. Người ta vớt cá linh trên thượng nguồn hai nhánh sông Tiền, sông Hậu rồi đem nấu canh chua bông súng thì không gì bằng. Món ăn dân gian này thực hiện vừa nhanh vừa đơn giản. Vài bụi bông súng đồng nhổ về lặt sạch, ngắt thành từng khúc, để ráo nước.
Cá linh cũng không cần phải cần đánh vảy, chỉ lựa sạch cỏ rác, rửa sạch là được. Bắc xoong nước sôi, cho cơm mẻ vào để tạo vị chua, thêm ít sả, ớt bằm nhuyễn, nêm vừa ăn. Dọn xoong ấy ra mâm bày trên bếp than đỏ. Ăn đến đâu thì thả bông súng, cá vào đến đó. Chấm với muối, ớt, bột ngọt hoặc nước mắm ngon cũng đều tuyệt vời.
Như vậy, cọng bông súng miền Tây đã có mặt trong đời sống người dân quê từ những ngày đầu khai phá, mở đất cho tới ngày nay, giúp cho những bữa ăn thêm ngon miệng. Trí tuệ dân gian kết hợp với văn hóa tận dụng đã giúp cho con người biết dùng ngay những thứ sẵn có trong thiên nhiên để phục vụ cho đời sống của chính mình.
Nguồn: http://www.baomoi.com/Ngat-ngay-bong-sung-mien-Tay/c/17971736.epi