Cua đồng rang me

on .

Trước đây, cua rang là món ăn dân dã chỉ dành cho người nghèo và là món ăn chơi của trẻ con miệt đồng. Còn bây giờ, con cua bé nhỏ này lại trở thành món ăn "khoái khẩu" trong các bữa nhậu sang trọng.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, hằng năm cứ đến mùa mưa, nhất là mùa nước nổi từ tháng Tám đến tháng Chín, cua đồng nhiều vô số kể, nhiều đến nỗi người ta bắt đem phơi khô bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc với giá rẻ như bèo. Thế nhưng, từ một thập niên trở lại đây con cua bé nhỏ này ngày càng giảm đi đáng kể, nhiều lúc thị trường khan hiếm khiến cho giá cả không ngừng tăng cao.

Con cua lên đời, các món ăn chế biến từ cua cũng ngày càng đa dạng, từ cua luộc, cua nướng cho đến lẩu cua, riêu cua... Một trong những món ngon được nhiều người ưa thích nhất hiện nay là cua rang me, còn gọi là xốt me.

Muốn làm món cua rang me, các đầu bếp thường chọn những con cua non hoăc cua còn nhỏ, yếm mềm, giòn hơn cua lớn. Cua mua về rửa sạch bùn đất, bóc bỏ vỏ yếm, tách mai, nạo lấy gạch để riêng. Sau đó bắc chảo dầu lên bếp, cho tất cả cua vào xào, đảo cho thật đều. Khi cua chuyển sang mảu vàng ươm, người ta bắt đầu cho nước xốt vào xào tiếp.

Nước xốt là thành phần quan trọng làm cho món cua rang trở nên thơm lừng. Do đó trước khi rang bao giờ người ta cũng chăm chút tô nước xốt bằng cách dùng nước cốt me hòa chung với đường, bột nêm, gạch cua, tiêu, ớt và xì dầu. Cho tất cả hổn hộp đó vào chảo nóng khuấy đều, sau cùng cho thêm hành, tỏi phi vào, mùi thơm sẽ bốc lên nức mũi.

Khi rang, cần giữ lửa cháy đều, đơi cho nước xốt cạn dần, cua chín vàng, mùi thơm lan tỏa mới đổ cua ra đĩa, rắc thêm ít hành tiêu.

Cua đồng rang me ngon nhất là gạch cua, người ăn cũng có thể nhai nguyên càng và yếm cua. Thịt cua non giòn, béo, nước xốt chua, ngọt thanh tao, mùi vị đặc trưng. Hấp dẫn nhất là mùi vị của nó vừa chua, cay, vừa mặn, ngọt khiến cho vị giác dễ bị kích thích có lẽ khoái khẩu nhất là đối với các bạn trẻ thích ăn chơi, ăn để thưởng thức đặc sản quê nhà.

Người miền Tây có câu “Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng. Về sông ăn cá về đồng ăn cua” nhằm ca ngợi một vùng đất trù phú, cá tôm hào sảng, nhất là cá sông và cua đồng. Nhưng đó là chuyện của vài ba thập kỷ trước, còn bây giờ thì tôm cua sống ngoài tự nhiên không còn nhiều nữa khiến cho giá trị kinh tế của con cua đồng ngày càng tăng cao.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Cua-dong-rang-me/c/17351751.epi