Ghé ăn gà tần thuốc bắc lá ngải nức tiếng Kiến An

on .

Mùi ngải cứu và thuốc bắc thơm phức quyện trong từng miếng thịt gà vàng ruộm cùng nước dùng sóng sánh đã kích thích vị giác người ăn.

Thịt gà vàng ruộm quyện trong nước dùng sóng sánh kích thích vị giác người ăn.

Chúng tôi tìm đến quán gà tần ngải cứu của bà Nguyễn Thị Dung (61 tuổi, trú ở phường Bắc Sơn, quận Kiến An, TP.Hải Phòng) vào một buổi chiều đầu hè. Gọi là quán cho sang chứ bà Dung chỉ bày một vài bộ bàn ghế trên vỉa hè trước cửa hiệu sách ở ngã tư đường Trần Thành Ngọ - Hoàng Quốc Việt.
Bà Dung ngồi giữa 4 chiếc nồi đựng đầy trứng vịt lộn, gà tần ngải cứu và thuốc bắc, được đặt trong thúng và phủ tấm vải lên trên để giữ nhiệt. Mỗi khi bà mở chiếc vung nhôm sáng bóng ra là mùi thơm ngậy của gà tần thuốc bắc, lá ngải cứu tỏa ra cùng làn khói nóng bỏng bốc lên nghi ngút. Màu vàng của hạt sen, ý dĩ xen lẫn màu đỏ của kỷ tử và màu thẫm của lá ngải khá bắt mắt.
Càng về chiều, khách đến đông nên bà Dung luôn tay múc gà tần, đập trứng ra bát. Hết chỗ ngồi, nhiều khách đến sau đành phải mua gà mang về nhà ăn. Bà cho biết món gà tần lá ngải cứu và thuốc bắc không chỉ là món ăn mà còn là bài thuốc trong đông y, tốt cho người bị huyết áp thấp, suy nhược cơ thể, phụ nữ mới sinh... “Bán hàng này mới thấy nhiều anh chiều vợ ra phết. Vợ đẻ là các anh ấy hay mang cặp lồng ra đây mua đùi gà tần về cho vợ tẩm bổ”, bà Dung chia sẻ.
Để có những suất gà tần ngon phục vụ khách, bà Dung thường chọn loại gà ta vì thịt thơm, không bị nhão. Sau khi làm sạch thì chặt gà thành các phần đùi, cổ, cánh, lườn, chân... rồi đem ướp gia vị vừa đủ, cho ngải cứu, một vài vị thuốc bắc vào nấu nhừ.
Qua tìm hiểu được biết, bà Dung bán hàng gà tần lá ngải, thuốc bắc đã 31 năm nên đa số người tới quán đều là khách quen. Trong số đó có người ăn quán bà Dung từ thời học sinh, đến giờ đã lập gia đình nhưng thi thoảng vẫn tới ăn. Rồi có cả những bạn sinh viên học ở Hà Nội khi về nhà nghỉ cuối tuần là tranh thủ ghé quán ăn gà tần để bồi bổ sức khỏe.
Bạn Nguyễn Thị Mỹ Linh, sinh viên năm 3 trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Em rất mê món cánh và chân gà hầm lá ngải, một suất cổ gà tần cũng khá ngon. Giá cả ở đây phải chăng, một bát đùi đầy ắp mà chỉ có 35.000 đồng, còn chân gà thì chỉ có 2.000 đồng/cái thôi. Thi thoảng em lại mua mang lên Hà Nội làm quà cho đứa bạn cùng phòng”.
Hiện nay, con gái bà Dung cũng theo nghề của mẹ. Trước đây, khi còn “độc quyền”, bà Dung bán được hơn 70 con gà tần nhưng hiện sức khỏe kém hơn, cộng thêm việc một số hộ dân sống gần đó cũng mở hàng gà tần lá ngải nên bà bán được ít hàng dần. Mỗi ngày bà "chỉ" còn bán được hơn 50 quả trứng vịt lộn và gần 30 con gà.
Bà Dung chia sẻ, hàng năm có hội chợ ẩm thực ở khu vực hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An là ban tổ chức lại mời bà ra bán gà tần thuốc bắc, lá ngải ở gian hàng ẩm thực truyền thống. “Tôi còn nhớ có năm cháu nội ốm, tôi đã từ chối ra hội chợ nhưng người ta vào tận nhà thuyết phục mấy lần. Họ bảo không có hàng của tôi thì hội chợ không thể “nên hương”, cả nể nên tôi lại phải nhờ người trông cháu để ra bán hàng”, bà Dung kể.
Nhiều khách ăn xong còn mua gà tần đem về cho người thân
Quán gà tần của bà Dung không cầu kỳ nhưng luôn đông khách.
Nồi gà tần lá ngải, thuốc bắc có màu sắc bắt mắt

Bài, ảnh: Vũ Ngọc Khánh

Nguồn: http://www.baomoi.com/Ghe-an-ga-tan-thuoc-bac-la-ngai-nuc-tieng-Kien-An/84/16461963.epi